Đại học tư thoái trào

Đã từng rộ lên theo phong trào "tỉnh tỉnh mở trường” nhưng vài năm gần đây các trường ngoài công lập đang oải dần dù chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm không ngừng tăng. Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập vừa liên tiếp mở hai hội thảo kêu cứu khi sau kỳ tuyển sinh 2012, nhiều trường tiếp tục thoái trào chịu cảnh ế ẩm mất giá, không tuyển được sinh viên.

Nếu các doanh nghiệp BĐS đang ế ẩm vì nhà đất tồn kho giá cao không mấy ai đoái hoài thì các trường ĐH dân lập cũng đang chịu cảnh hẩm hiu không kém khi quá nhiều trường "rỗng” sinh viên. Đó đều là hậu quả của đầu tư phong trào, chụp giật, quy hoạch phản khoa học, không bền vững.

Trường đông trò vắng

TS Nguyễn Minh Châu, hiệu trưởng ĐH Quang Trung (Bình Định) không ngần ngại gọi mùa tuyển sinh vừa khép lại này ở các trường ngoài công lập là "bê bết”, "thảm hại”, "èo uột”, "cạn nguồn”. Phó hiệu trưởng ĐH Cửu Long Nguyễn Cao Đạt phân trần, cho các trường ĐH phát triển một cách ồ ạt đã làm cạn nguồn tuyển của trường tư. "Đơn cử một tỉnh nghèo và nhỏ như Vĩnh Long nhưng trong tương lai có tới 5 trường ĐH, thử hỏi sinh viên ở đâu đến để học cho đủ”, lời ông Đạt.

Đại điện ĐH FPT đưa ra dấu hiệu trường tư đang mất giá là mỗi năm có hơn 1 triệu HS tốt nghiệp THPT, nhưng các trường ngoài công lập vẫn không thể tuyển được thí sinh. Do đâu? Vị này lý giải, hiện trường công chiếm khoảng 86% SV, trường tư chỉ khoảng 14% SV. Việc các trường công được nới tăng thêm 10% SV sẽ giảm 50% số SV vào học các trường tư.

"Miếng bánh” tuyển sinh dành cho các trường tư đang rất nhỏ. Bởi thế vừa kết thúc đợt tuyển sinh năm học 2012 – 2013, các trường tư vội họp bàn kiến nghị lên Bộ GD&ĐT về phương án tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 – 2014. Quả đáng cấp cứu cho cảnh sống mòn ...

Giải cứu kiểu gì?

Trước nguy cơ "rỗng” sinh viên, đa số trường tư cho rằng sở dĩ các trường ngoài công lập đang sống dở chết dở vì bị sự phân biệt đối xử. Sinh viên tốt nghiệp dân lập bị "chê” không tuyển vào công chức ảnh hưởng đến danh tính trường tư. Và cách thức Bộ tuyển sinh chưa công bằng hợp lý, trọng công nhẹ tư.

Cụ thể, trường công có học phí thấp, được hỗ trợ tài chính, lương, ưu tiên cơ sở vật chất trong khi đó các trường tư đang phải tự bươn chải lo cơ sở vật chất, tiền bạc, mời giáo viên... Bộ cho các trường công lập tự xác định chỉ tiêu thí sinh, lại kéo dài thời gian xét tuyển hơn một tháng, tạo điều kiện các trường công tha hồ đào tạo hết công suất, vơ vét thí sinh. Khi xác định điểm sàn lại căn cứ tổng chỉ tiêu đào tạo cả công và tư, đầu vào khoảng 13- 14 điểm và lấy dôi tới 170% (sai số 70% là rất lớn).

Tại hội thảo tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn cho ĐH, CĐ ngoài công lập vào ngày 19 và 20-12, nhiều hướng giải cứu đại diện các trường tư được đưa ra. Đó là kiến nghị Bộ không thi "3 chung”, bỏ điểm sàn; trước mắt cho phép tuyển sinh dưới điểm sàn. Lâu dài Bộ nên bỏ kì thi ĐH- CĐ, cho các trường thực hiện xét tuyển theo học bạ phổ thông, kỳ thi tốt nghiệp hoặc cho các trường tự tổ chức kì thi riêng. ĐH công phải chịu mức điểm đầu vào cao hơn, do đã được Nhà nước ưu đãi. Cần tạo ra phổ điểm tốt để tăng lượng thí sinh đạt điểm sàn và trên sàn... Phương án ‘giảm chỉ tiêu của các trường ngoài công lập” cũng được nêu ra. Lại có đề xuất hỗ trợ cho sinh viên học trường ngoài công lập 10 - 20% học phí (!).

Phương án đưa ra cho thấy những giải pháp nghiêng về "cứu trường” như đang bất chấp những nỗ lực cứu chất lượng đào tạo.

Vì "sự nghiệp trồng trường”?

Đây không phải là lần đầu Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập bức xúc khi bị rơi vào thế thoái trào. Đã có thời trường tư quá dễ "làm ăn”, chất lượng chưa bị giám sát chặt nên bung ra nhiều khiến "thừa lượng thiếu chất”. Nhiều trường thừa nhận, dù con số báo cáo lên Bộ GD&ĐT về số lượng tuyển được theo chỉ tiêu "khá đẹp”, nhưng thực tế, không ít trường đứng trước nguy cơ phải tự giải thể và nếu công bố con số thật, mùa tuyển sinh sau sẽ không còn thí sinh nào dám đăng ký xét tuyển vào những trường này.

Trường tư lập luận, phải tuyển được thí sinh mới đỡ phí trường, phí lớp, phí thầy. Câu hỏi đặt ra, khi những trường tư chưa tạo dựng được uy tín, chất lượng đào tạo, chậm thay đổi cơ cấu ngành nghề, chưa đáp ứng nhu cầu xã hội, có lãng phí công sức thời gian của sinh viên trong 4-5 năm? Dù tuyển được sinh viên (do không cần thi vào), cũng sẽ không mấy nơi sử dụng khi họ tốt nghiệp, lãng phí lớn bao nhiêu? Trường lập ra vì sự nghiệp trồng người hay học trò phải "lấp” cho kín "sự nghiệp trồng trường”? Một số trường yếu kém thật sự sao chưa chịu giải thể?

Vả lại, thí sinh quyết định dự tuyển vào trường nào đâu chỉ phụ thuộc vào phương thức xét tuyển, mức điểm sàn hay thời gian gửi hồ sơ, quan trọng là thương hiệu trường với năng lực toàn diện, phương thức dạy và học…, điều mà nhiều trường tư đang bế tắc. Nhiều học sinh không muốn lãng phí thời gian nên không chọn trường tư. Có thể vì họ tiếc quãng thời gian vô ích trong một môi trường đào tạo không tin cậy, thiếu tương lai.

Gần 50.000 sinh viên, hơn 3.000 cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập là con số không nhỏ đang phải đứng trước nguy cơ giải thể nếu không có Nhà nước giúp đỡ. 80 trường dự kiến sẽ cùng ký vào đơn kiến nghị gửi các bộ, ngành liên quan để… kêu cứu. Họ cũng "sẵn sàng đối thoại với Bộ GD&ĐT hay cấp lãnh đạo cao hơn xem những chính sách được đưa ra đã đúng chưa”. Đó là kỳ vọng của những người đang ở thế thoái trào. Câu trả lời từ phía xã hội xem ra không quá khó, hệ thống này phải biết thanh lọc.

Kênh Tuyển Sinh ( Theo Đại Đoàn Kết)