GIỚI THIỆU
Trường Đại Học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh là trường đại học đa ngành, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, tọa lạc trên khu đất rộng 118 ha, thuộc phường Linh Trung, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh và huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Tiền thân là Trường Quốc gia Nông Lâm Mục Bảo Lộc (1955), Trường Cao đẳng Nông Lâm Súc (1963), Học viện Nông nghiệp (1972), Trường Đại học Nông nghiệp Sài Gòn (thuộc Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức (1974), Trường Đại học Nông nghiệp 4 (1975), Trường Đại Học Nông Lâm Nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (1985) trên cơ sở sát nhập Trường Đại học Nông nghiệp 4 (Thủ Đức - TP. HCM) và Trường Cao đẳng Lâm nghiệp (Trảng Bom - Đồng Nai), Trường Đại học Nông Lâm (thành viên Đại học Quốc gia TP. HCM - 1995), Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (2000).
Trải qua 60 năm hoạt động, Trường đã đạt nhiều thành tích xuất sắc về đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, chuyển giao công nghệ, quan hệ quốc tế. Trường đã vinh dự được nhận Huân chương Lao động Hạng ba (năm1985), Huân chương Lao động Hạng nhất (năm 2000), Huân chương Độc lập Hạng ba (năm 2005).
Tầm nhìn: Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh sẽ trở thành trường đại học nghiên cứu với chất lượng quốc tế.
Sứ mạng: Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh là một trường đại học đa ngành, đào tạo nguồn nhân lực giỏi chuyên môn và tư duy sáng tạo; thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển, phổ biến, chuyển giao tri thức - công nghệ, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Việt Nam và khu vực.
Mục tiêu chiến lược: Trường Đại Học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh tiếp tục xây dựng, phát triển thành một trường đại học có chất lượng về đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, sánh vai với các trường đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
NHIỆM VỤ CHÍNH
Trường Đại học Nông Lâm TP. HCM thực hiện các nhiệm vụ chính như sau:
- Đào tạo cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học và sau đại học trong các lĩnh vực: Nông lâm ngư nghiệp, Cơ khí, Kinh tế, Quản lý, Ngoại ngữ, Sư phạm, Môi trường, Sinh học, Hoá học, Công nghệ thông tin.
- Nghiên cứu khoa học và hợp tác nghiên cứu khoa học với các đơn vị trong và ngoài nước.
- Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến doanh nghiệp và người sản xuất.
Hiện nay, Trường Đại học Nông Lâm TP. HCM chỉ đào tạo ở hai cấp bậc, đó là đại học và sau đại học. Chương trình đào tạo của Trường mang tính liên thông, liên ngành, nhằm mục đích cung cấp kiến thức đa dạng, phong phú cho người học. Năm học bắt đầu vào đầu tháng 9 và kết thúc vào tháng 8 năm sau. Mỗi năm học được phân thành 3 học kỳ, trong đó có 2 học kỳ chính và 1 học kỳ hè. Quy mô đào tạo hiện nay của Trường là trên 23.000 sinh viên các bậc, hệ đào tạo.
Đào tạo bậc đại học có 54 ngành/chuyên ngành:
- Các ngành có thời gian đào tạo 4 năm, bao gồm 53 ngành: Nông học, Bảo vệ thực vật, Quản lý Đất đai, Quản lý thị trường bất động sản, Công nghệ địa chính, Địa chính và quản lý đô thị, Công nghệ sản xuất động vật, Công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi, Dược thú y, Lâm nghiệp, Nông lâm kết hợp, Quản lý tài nguyên rừng, Kỹ thuật thông tin lâm nghiệp, Chế biến lâm sản, Công nghệ giấy và bột giấy, Thiết kế đồ gỗ nội thất, Nuôi trồng thủy sản, Ngư y, Kinh tế quản lý nuôi trồng thuỷ sản, Công nghệ chế biến thuỷ sản, Cơ khí nông lâm, Cơ khí chế biến bảo quản nông sản thực phẩm, Công nghệ kỹ thuật nhiệt, Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Kỹ thuật điều khiển và tự động hoá, Kinh tế nông lâm, Kinh tế tài nguyên môi trường, Quản trị kinh doanh, Quản trị kinh doanh thương mại, Quản trị tài chính, Kinh doanh nông nghiệp, Phát triển nông thôn, Kế toán, Công nghệ thông tin, Công nghệ sinh học, Công nghệ sinh học môi trường, Kỹ thuật môi trường, Quản lý môi trường, Quản lý tài nguyên và du lịch sinh thái, Khoa học môi trường, Cảnh quan và kỹ thuật Hoa viên, Thiết kế cảnh quan, Hệ thống thông tin địa lý, Hệ thống thông tin môi trường, Ngôn ngữ Anh, Sư phạm kỹ thuật nông nghiệp, Bảo quản chế biến nông sản thực phẩm, Bảo quản chế biến nông sản thực phẩm và dinh dưỡng người, Bảo quản chế biến nông sản và vi sinh thực phẩm, Công nghệ kỹ thuật hoá sinh, Công nghệ kỹ thuật chuyển đổi và tinh chế, Công nghệ kỹ thuật hoá thực phẩm và hệ thống dược.
- Ngành có thời gian đào tạo 5 năm, 1 ngành: Bác sĩ Thú Y
Đào tạo bậc sau đại học gồm 14 chuyên ngành trình độ thạc sĩ và 10 chuyên ngành trình độ tiến sĩ:
Trong đó, chương trình đào tạo thạc sĩ với thời gian đào tạo từ 2 đến 3 năm, gồm các chuyên ngành: Khoa học cây trồng, Bảo vệ Thực vật, Chăn nuôi, Thú y, Kỹ thuật cơ khí, Lâm học, Nuôi trồng thủy sản, Kinh tế nông nghiệp, Công nghệ sinh học, Công nghệ chế biến lâm sản, Công nghệ thực phẩm, Quản lý tài nguyên và môi trường, Quản lý đất đai, Kỹ thuật môi trường.
Chương trình đào tạo tiến sĩ với thời gian đào tạo từ 4 đến 5 năm, gồm các chuyên ngành: Khoa học cây trồng, Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi, Bệnh lý học và chữa bệnh vật nuôi, Lâm sinh, Nuôi trồng thuỷ sản, Kỹ thuật cơ khí, Công nghệ sinh học, Kỹ thuật chế biến lâm sản, Kinh tế nông nghiệp.