Sự kiện: Giáo dục, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, diem thi tot nghiep

Nên bỏ điểm sàn vì điểm sàn hiện đã lạc hậu, không phù hợp với xu thế phát triển của đất nước” là ý kiến của lãnh đạo nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập tại cuộc họp gần đây nhằm tìm giải pháp cứu các trường này rơi vào thảm cảnh “đóng cửa trường”.

Điểm sàn được áp dụng từ kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2005 theo phương thức “3 chung”. Điểm sàn được xây dựng dựa trên 5 tiêu chí: Kết quả thi của thí sinh theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT đối với từng khối thi A, B, C, D;  chỉ tiêu tuyển sinh tương ứng từng khối thi; chính sách ưu tiên theo đối tượng và khu vực tuyển sinh; cơ cấu vùng miền, cơ cấu xã hội và loại hình trường và khả năng dịch chuyển của thí sinh giữa các khu vực, vùng miền.

Nguy cơ tan rã

Mấy năm gần đây, các trường ngoài công lập (NCL) luôn rơi vào tình trạng cạn kiệt nguồn tuyển sinh. Để xảy ra tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng lỗi chủ yếu là do chính sách của Bộ GD-ĐT không phù hợp cũng như không công bằng với các trường NCL.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Đại học Dân lập Lương Thế Vinh cho rằng: Với cơ chế tuyển sinh, quan niệm của xã hội về việc học trường NCL như hiện nay, việc các trường NCL khó tuyển là tất yếu.

Thời gian vừa qua trong công tác tuyển sinh, Bộ GD-ĐT đã có những cải tiến nhưng thực chất đó không phải là cải tiến mà là cải lùi”, ông Trần Hữu Nghị- Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng cho biết.

Bộ GD-ĐT quy định một trường mỗi năm phải tuyển sinh được 200 sinh viên trở lên, ổn định trong 3 năm mới cho phép tiếp tục đào tạo. Điều này là vô lý, phi thực tế xét trong hoàn cảnh khó tuyển sinh của các trường NCL như hiện tại. Bên cạnh đó, trong kỳ thi tuyển sinh “3 chung”, Bộ GD-ĐT nhiều lần có những thay đổi liên quan tới thời hạn nộp hồ sơ, kéo dài thời gian xét tuyển các nguyện vọng, cho phép thí sinh mang các thiết bị ghi hình vào phòng thi nhằm phát hiện tiêu cực trong thi cử...

Tuy nhiên, những cải tiến đó thực chất càng gây khó khăn cho công tác coi thi và  tốn kém kinh phí cho cả thí sinh và nhà trường”, ông Nghị phân tích.

Do vậy, lãnh đạo một số trường NCL cho rằng, trong kỳ thi tuyển sinh năm 2013, Bộ GD-ĐT nên cho phép các trường NCL tự đưa ra mức điểm sàn đại học của trường mình, điểm sàn do Bộ GD-ĐT quy định chỉ nên áp dụng cho những trường công lập.

Ông Bùi Thiện Dụ- Hiệu trưởng ĐH Phương Đông cho biết: Năm 2012, một số trường công lập đã lấy điểm đầu vào bằng điểm sàn, như vậy cơ hội của các trường NCL hầu như không có. Do vậy nếu cứ để điểm sàn chung như hiện tại là bất công với các trường NCL, buộc họ đứng trước thực tế là đóng cửa trường.

Không chỉ có vậy, theo ý kiến của ông Trần Phương - nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thì điểm sàn hiện đã trở nên lạc hậu, không phù hợp với xu thế phát triển giáo dục trong xã hội hiện đại.

Theo ông Phương, hiện điểm sàn không thích hợp với mọi ngành học. Chẳng hạn, trường tuyển sinh ngành Điện tử chỉ cần điểm môn Toán, Lý nhưng vẫn phải lấy điểm môn Hóa.

Điểm sàn không thể là tiêu chí thích hợp đối với mọi trường ĐH và CĐ. Bởi mỗi loại trường ở mỗi vùng cần có một mức điểm sàn khác nhau. Việc Bộ quy định điểm sàn chung cho các trường gây thiệt thòi cho học sinh vùng dân tộc thiểu số và Đồng bằng sông Cửu Long. Việc xét tuyển theo điểm sàn  đã đẩy hàng chục ngàn thanh niên Việt Nam do không học được các trường trong nước phải bỏ ra nước ngoài học tập, dẫn đến đất nước bị chảy máu chất xám”, ông Phương bức xúc.

Lối thoát nào?

Với những điều phân tích ở trên, ông Trần Phương và nhiều hiệu trưởng ĐH NCL đề nghị Bộ GD-ĐT ngay trong năm 2013 này cho phép các trường NCL thực hiện tuyển sinh đa tiêu chí, trong đó có dựa vào kết quả 3 năm học phổ thông, điểm thi tốt nghiệp THPT.

Đi vào tuyển sinh đa tiêu chí, ông Trần Phương kiến nghị: Từng trường sẽ tuyển sinh bằng cách xét điểm phổ thông của 8 môn học: Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa, Sinh, Ngoại ngữ; dựa vào học bạ của học sinh học 3 năm THPT. Đối với một số ngành đặc biệt thì có thêm thi tuyển năng khiếu.

Trong trường hợp mùa tuyển sinh năm 2013, Bộ GD-ĐT vẫn quyết giữ điểm sàn, thì Bộ nên cho phép các trường NCL lấy điểm sàn làm căn cứ xét tuyển. Chẳng hạn: Các trường dựa vào điểm sàn chiếm 30% các tiêu chí xét tuyển, dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT 30%, dựa vào kết quả 3 năm học THPT 30%... Làm được điều này, các trường sẽ không còn cảnh thiếu học trò”, ông Cao Văn Phường - Hiệu trưởng ĐH Bình Dương đề xuất.

Bên cạnh nhiều ý kiến đòi bỏ điểm sàn, coi đây là nguyên nhân khiến trường NCL khó tuyển sinh, cũng có ý kiến cho rằng việc các trường không tuyển sinh được phụ thuộc vào trình độ, uy tín, thương hiệu trường đó tốt hay không. Các trường không tuyển được cũng cần nhìn lại chất lượng đào tạo của trường mình đã đáp ứng được nhu cầu của người học và xã hội hay chưa.

Do vậy, theo ông Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, dù do nguyên nhân nào, điều hệ trọng cấp bách hiện nay là nếu không có những thay đổi kịp thời thì trong vài năm tới chắc chắn một loạt trường NCL phải đóng cửa, hoặc phá sản; làm nản lòng các nhà giáo và các nhà đầu tư đang hoặc sẽ có ý định tham gia hoạt động giáo dục đào tạo.

Thông tin mùa thi:

Kênh tuyển sinh: Nguồn tin Báo Hải quan