Trường Đại học Kinh Tế TP.HCM tạo điều kiện cho sinh viên học đa ngành bằng cách mở ra phương thức song bằng, đơn cử ngành luật có thể học với kinh doanh.
Giáo sư, Tiến sĩ Sử Đình Thành, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế TP HCM là một trong số các nhân vật tham gia tọa đàm "Uniprep - Sắp vào đại học" số thứ hai, diễn ra ngày 17/2.
Theo giáo sư, trong bối cảnh các trường đại học thế giới có nhiều thay đổi bởi Covid-19, cũng như đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ĐH Kinh tế TP HCM chú trọng đào tạo năng lực sáng tạo cho sinh viên, đồng thời mở thêm các chuyên ngành mới gắn với công nghệ.
"Năng lực sáng tạo là một kỹ năng mềm nhưng chúng tôi cho rằng đây là kỹ năng xuyên suốt cần được quan tâm", ông nói và giải thích thêm, kỹ năng sáng tạo là kỹ năng giải quyết vấn đề hiệu quả, có tính chất độc đáo. Đặc biệt, một người học cần biết cách giải quyết các vấn đề thực tiễn sao cho hiệu quả, chứ không đơn giản là tiếp nhận kiến thức.
Thời gian qua, trường đã chuẩn bị các yếu tố nền tảng cho sinh viên, trong đó có thay đổi cấu trúc chương trình đào tạo hướng đa ngành mang tính chất liên ngành, mục đích trang bị cho người học cách nhìn tổng quan.
Trường Đại học Kinh Tế TP.HCM
"Nếu người học không có cách nhìn rộng thì sức sáng tạo sẽ hạn chế, nên chương trình đào tạo cần phát triển theo hướng đa ngành và liên ngành", giáo sư nói thêm.
Hiện thực hóa điều này, ĐH Kinh tế TP HCM đã chuẩn bị hai năm rà soát các chương trình. Những ngành truyền thống sẽ có sự gia cố như nhúng vào đa ngành và liên ngành, cũng như bổ sung kiến thức về công nghệ thông tin. Trường đồng thời tạo điều kiện cho sinh viên học đa ngành bằng cách mở ra phương thức song bằng, đơn cử ngành luật có thể học với kinh doanh, hay kinh doanh nông nghiệp với logistics...
"Để mở được song ngành, chúng tôi phải tính toán sao cho tối ưu hóa giúp sinh viên tiết kiệm về thời gian, kinh tế, cũng như mở rộng cơ hội việc làm", thầy Thành nói.
Trong chương trình đào tạo, trường cũng chú trọng sự gắn kết, tính quốc tế hóa để sinh viên dù học ở Việt Nam vẫn có tầm nhìn quốc tế, dễ dàng hội nhập khu vực và thế giới. Trường cũng chú trọng hoạt động liên kết đào tạo, trao đổi sinh viên với các trường quốc tế uy tín, hay chương trình đào tạo phải được liên kết với các hiệp hội nghề nghiệp, tăng tính thực tiễn cho sinh viên.
Về phương pháp giảng dạy, ông Thành cho rằng, một chương trình hay nhưng phương pháp không xử lý tốt thì việc phát huy tính sáng tạo cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy trường cũng đầu tư những nền tảng đẩy mạnh thay đổi quy trình đào tạo, giảng dạy, đặc biệt áp dụng mô hình e-learning kết hợp thay đổi cách thức đào tạo, nâng cao năng lực sáng tạo của sinh viên.
Chia sẻ thêm về tuyển sinh năm 2022, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế TP HCM cho hay, từ năm ngoái, trường đã mở nhiều ngành mới, liên quan đến vấn đề phát triển liên ngành, gắn với công nghệ như thương mại điện tử, logistics, digital marketing, digital business, hay năm nay thêm ngành truyền thông đa phương tiện...
"Chúng tôi tập trung giúp cho sinh viên làm sao có thể tiệm cận, tương đồng với sinh viên các trường trên thế giới. Đặc biệt với sự hỗ trợ của trường liên kết bên Australia chúng tôi tự tin khi mở các ngành mới theo kiến thức liên ngành", thầy Thành chia sẻ.
Trước mùa tuyển sinh đang đến gần, Giáo sư, Tiến sĩ Sử Đình Thành nhắn nhủ các sĩ tử hãy tự tin và theo đuổi đam mê. Trên nền tảng của đam mê các em sẽ có động lực để phát triển. Bên cạnh đó, học sinh cần chuẩn bị kỹ những điều kiện cần thiết trong kỳ thi phổ thông sắp tới, vượt qua kỳ thi tốt, các em sẽ từng bước gặt hái được những thành công tiếp theo.
> Đại học Kinh tế TP.HCM tổ chức học tập trung từ 15.2
> Đại học Kinh Tế TP.HCM sử dụng 6 phương thức tuyển sinh 2022
Theo VnExpress