Đại diện các trường bày tỏ sự đồng ý về phương án thi tốt nghiệp THPT nhiều lần trong năm theo điều kiện của từng địa phương của Bộ GD-ĐT.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay trên thực tế cũng đã tổ chức thành 2 đợt
Ngày 21.9, trong cuộc giao ban tại Ban Tuyên giáo T.Ư, ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đã báo cáo một số nội dung về năm học mới, trong đó có việc tổ chức thi THPT và tuyển sinh ĐH. Bộ sẽ tiến tới việc kỳ thi có thể diễn ra nhiều lần trong năm để các địa phương chủ động hơn trong việc xây dựng đề thi, tổ chức thi và linh hoạt với điều kiện từng địa phương, như trong trường hợp có dịch bệnh.
Ngân hàng đề thi cần có sự đa dạng
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng phương án này cần thiết và đúng ra cần thực hiện từ trước đó. Bởi thực tế, trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2 năm nay đều tổ chức thành 2 đợt nhưng trong tình huống còn bị động.
Nếu có kế hoạch tổ chức kỳ thi nhiều lần trong năm thì ngay từ đầu các địa phương sẽ chủ động và linh hoạt để tổ chức trong các mốc thời gian khác nhau, khắc phục được các tình huống như dịch bệnh. Hơn nữa, sau này trong điều kiện bình thường, khi bậc THPT đào tạo theo tín chỉ, việc tổ chức thi nhiều lần trong năm còn giúp phát huy được năng lực học sinh khác nhau.
Theo tiến sĩ Hạ, để tổ chức kỳ thi nhiều lần trong năm thành công, yếu tố quan trọng nhất là ngân hàng đề thi. Khi đó, ngân hàng câu hỏi cần phải đa dạng, số lượng lớn và các đề thi phải có độ tương đồng mức độ khó dễ để đánh giá bao quát và công bằng thí sinh. Muốn vậy, có thể thành lập trung tâm khảo thí phụ trách đề thi toàn quốc và Bộ GD-ĐT điều phối đề thi về các địa phương. Bởi nếu để các địa phương tự ra đề thi sẽ khó đảm bảo được tính thống nhất.
“Dù được tổ chức nhiều lần nhưng cách thức tổ chức kỳ thi tốt nghiệp này cần được duy trì như hiện nay. Các địa phương chủ trì, Bộ và các trường ĐH, CĐ cùng phối hợp tham gia thanh tra, giám sát việc tổ chức và chấm thi”, tiến sĩ Hạ đề xuất. Còn việc tuyển sinh, theo Phó hiệu trưởng này, sẽ do các trường ĐH chủ động lựa chọn phương thức tuyển sinh phù hợp với mục tiêu của trường mình.
Cũng đồng tình phương án trên, PGS-TS Trần Hoàng Hải, quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng việc nhập học mỗi năm 2 lần ở các trường ĐH nước ngoài khá phổ biến. Do vậy, nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức thi nhiều đợt trong năm thì các trường ĐH cũng có thể thực hiện nhập học nhiều hơn một đợt. Cách làm này có yếu tố tích cực trong việc tạo điều kiện cho người học trong mọi hoàn cảnh được bắt đầu việc học linh hoạt vào các thời điểm khác nhau trong năm.
Cần tăng cường chức năng quản lý và giám sát
Thầy Hà Bảo Tâm, giáo viên một trường THPT tại TP.HCM, cho hay thông tin mà Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đưa ra sẽ tổ chức thi tốt nghiệp THPT thành nhiều đợt trong năm là một định hướng hay và đáp ứng đúng với nhu cầu của thực tế đời sống xã hội. Tuy nhiên, theo ông Tâm cần phải làm rõ những vấn đề như: Tổ chức nhiều đợt như thế nào, khi nào, điều kiện nào? Thí sinh thi rớt đợt này mới được thi đợt sau hay có thể đăng ký thi nhiều đợt, có thể bảo lưu kết quả và cải thiện kết quả để tham gia xét tuyển ĐH hoặc thí sinh địa phương này có thể đăng ký dự thi ở địa phương khác hay không?... Ngoài ra, Bộ cũng nói rõ là có giao quyền chủ động xét tốt nghiệp cho các địa phương hay không, chủ động về đề thi thế nào?
Ông Tâm đề nghị Bộ nên áp dụng công nghệ trong quá trình học sinh nộp hồ sơ thi tốt nghiệp THPT. Nên áp dụng hình thức nộp hồ sơ trực tuyến thay thế cho hồ sơ giấy đối với những vùng có đủ điều kiện để giảm những tổn hại về kinh phí cho phụ huynh, nhà trường…
Ông Tâm cũng đặt vấn đề: “Khi tổ chức thi tốt nghiệp nhiều đợt trong năm thì các trường ĐH còn cố định mỗi năm chỉ có một lễ khai giảng nữa hay không? Khi tốt nghiệp có nhiều đợt thì các trường ĐH cũng nên tuyển sinh theo nhiều đợt”.
Ông Phan Thế Hoài, giáo viên Trường THPT Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân, TP.HCM), mong muốn dù quyết định như thế nào, Bộ nên có quyết định sớm để các địa phương chủ động xây dựng phương án tổ chức, triển khai kế hoạch giảng dạy cho phù hợp.
“Tôi ủng hộ tổ chức thi tốt nghiệp nhiều đợt trong năm vì nó phù hợp với thực tế các địa phương, đặc biệt nhất là 2 năm nay xảy ra thiên tai, dịch bệnh… Chẳng hạn năm học 2021 - 2022, mỗi địa phương bước vào năm học mới thời gian khác nhau, hình thức học tập khác nhau, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục nên việc thi nhiều đợt là hợp lý. Lúc này Bộ cần tăng cường chức năng quản lý, giám sát; Còn công tác chuyên môn thì để các địa phương chịu trách nhiệm. Việc ra đề thi không phải là vấn đề khó khăn, chỉ cần Bộ quy định ma trận, cấu trúc; các địa phương, đặc biệt TP.HCM sẽ thực hiện nhẹ nhàng”, ông Hoài khẳng định. .
Các trường đại học không nên xét tuyển chỉ dựa vào điểm số
Theo tiến sĩ Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng Trường phổ thông năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), cách tuyển sinh hiện nay dựa hoàn toàn vào điểm số đánh giá học sinh là rất phiến diện.
Theo tiến sĩ Dũng, mặc dù từ năm 2020 Bộ GD-ĐT đã tuyên bố kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn nhiệm vụ “2 trong 1” nữa và các trường ĐH được tự chủ trong tuyển sinh nhưng các trường vẫn phụ thuộc vào kết quả của kỳ thi này quá nhiều, không đề xuất được những phương án tốt hơn để tuyển sinh.
“Một thí sinh được 25 điểm và một thí sinh 30 điểm gần như không có gì khác nhau về điểm số. Mỗi thí sinh có những điểm mạnh riêng. Nhưng cách tuyển sinh hiện nay lại dựa hoàn toàn vào điểm số (điểm thi THPT, điểm học bạ, điểm đánh giá năng lực) để phân biệt. Cách đánh giá học sinh như vậy là phiến diện”, tiến sĩ Trần Nam Dũng khẳng định.
> Điểm chuẩn Đại học năm 2021 tăng bất ngờ, Bộ GD&ĐT nói gì?
> Bộ GD&ĐT: Không đánh giá định kỳ học sinh lớp 1,2 cho đến khi học tại trường
Theo Thanh Niên