Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1-2-2015, thay thế thông tư số 20/2010/TT-BGDĐT ban hành năm 2010.

Thông tư hướng dẫn việc xử lý tiền vốn, tài sản, đất đai của trường dân lập khi chuyển sang trường tư thục.

Cụ thể, vốn của các tổ chức, cá nhân góp ban đầu và vốn góp trong quá trình hoạt động của trường dân lập được quy ra đồng Việt Nam tại thời điểm góp vốn, được bảo toàn giá trị tại thời điểm chuyển đổi trên cơ sở thống nhất giữa hội đồng quản trị với các tổ chức, cá nhân góp vốn và được chuyển thành cổ phần khi chuyển đổi sang trường tư thục.

Hội đồng quản trị trường dân lập quyết nghị về phương thức bảo toàn giá trị vốn góp của các tổ chức, cá nhân đã góp vốn.

Tài sản do biếu, tặng hoặc cấp phát và được hình thành từ kết quả hoạt động của trường dân lập là tài sản sở hữu chung hợp nhất không phân chia và được chuyển thành tài sản sở hữu chung hợp nhất không phân chia của trường tư thục.

Sau khi được công nhận chuyển đổi từ trường dân lập, trường tư thục kế thừa các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán và nghĩa vụ tài sản khác của trường dân lập.

Trường dân lập bàn giao toàn bộ diện tích đất và tài sản trên đất đang sử dụng kèm hồ sơ cho trường tư thục. Trường tư thục có trách nhiệm quản lý, sử dụng đất, tài sản trên đất được bàn giao từ trường dân lập đúng mục đích và chịu trách nhiệm liên quan đến việc sử dụng đất và tài sản trên đất.

Thông tư cũng quy định tổ chức xin thành lập trường dân lập không góp vốn thì không còn quyền và nghĩa vụ đối với trường tư thục.

Tổ chức xin thành lập trường, các cá nhân có công trong quá trình thành lập, phát triển trường dân lập, các thành viên đương nhiệm của hội đồng quản trị trường dân lập trước đây đã góp vốn nhưng đã chuyển nhượng hết phần vốn góp cho tổ chức, cá nhân khác thì không được hưởng quyền ưu tiên góp vốn.

Hội đồng quản trị trường đại học dân lập quyết định công nhận đối với số vốn điều lệ, giá trị mỗi cổ phần, số lượng cổ phần của trường tư thục khi chuyển đổi từ trường dân lập.

Trong trường hợp trường dân lập có nhu cầu tăng vốn góp cho trường trước khi xác định vốn điều lệ của trường tư thục thì hội đồng quản trị trường dân lập tiến hành huy động vốn góp theo thứ tự ưu tiên: các đối tượng quy định nêu trên, người đã góp vốn, giảng viên cơ hữu của trường.

Theo Báo Tuổi trẻ, tin gốc: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20141220/da-co-quy-dinh-moi-chuyen-doi-truong-dh-dan-lap-sang-tu-thuc/687933.html

Từ khóa: Đại học tư thục, giáo dục, đại học dân lập