Tin liên quan:

>> Danh sách trường ĐH - CĐ công lập, ngoài công lập

 

>> Học phí các trường Đại học ngoài công lập

>> Học phí các trường Cao đẳng ngoài công lập


Trường học không phải và không thể là một doanh nghiệp. Quan hệ trong trường không thể là giữa ông chủ và người làm thuê mà phải là quan hệ giữa các nhà giáo, quan hệ giữa thầy với trò.

Ngày 6/7, Tuần Việt Nam đăng tải bài viết "Đại học Hùng Vương: Bùng nhùng ... và không có câu trả lời". Mới đây, TS Dương Xuân Thành có bài viết trao đổi thêm về bài viết này, từ đó, nêu ra những vấn đề còn bất cập trong loại hình ĐH tư thục hiện nay.

Để rộng đường dư luận, tôn trọng tính thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam xin đăng bài viết dưới đây. Và rất mong nhận được nhiều ý kiến, tham góp của bạn đọc gần xa trong nước, nước ngoài về chủ đề ĐH tư thục hiện nay.

Chuyện gì đang xảy ra trong các trường?

Đọc bài "ĐH Hùng Vương: Bùng nhùng... và không có câu trả lời" của tác giả Hà Văn Thịnh trên Tuần Việt Nam ai cũng có cảm nhận ông Hiệu trưởng Lê Văn Lý thật đáng trách. Tuy nhiên khi đọc kỹ đoạn viết sau đây, người viết bài thấy nhiều điều băn khoăn và cần suy ngẫm:

Những người ủng hộ ông "hiệu trưởng đã bị tạm đình chỉ" Lê Văn Lý nói rằng phải bảo vệ quyền lợi của người nghèo, là điều hoàn toàn chính xác. Nhưng ông Lê Văn Lý và những người trong cái "liên minh coi thường sự thật" ở ĐH Hùng Vương có thể trả lời dư luận được không?

Trong bài viết tác giả chỉ nêu lên những sai trái của ông Lê Văn Lý mà không hề có một từ ngữ nào đề cập đến các hành động của phía đối lập. Chí ít người ta cũng phải đặt câu hỏi ông Lý chống lại ai và vì nguyên nhân gì?

Những người được học hành dù ngây thơ đến mấy cũng đôi lần được nghe về sự 'thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập". Câu hỏi đặt ra là ông Lý sai như thế nào? Chính tác giả cũng phải thừa nhận rằng: "Bảo vệ quyền lợi của người nghèo là điều hoàn toàn chính xác". Nếu vì bảo vệ quyền lợi của người nghèo thì có "sự thật" nào mà những người có lương tri phải run sợ?

Ở đây cần phải nhấn mạnh một sự thật đang bày ra hàng ngày trước mắt chúng ta là quyền lợi của người nghèo rất dễ bị xâm phạm.

Câu hỏi của tác giả Hà Văn Thịnh không khỏi khiến người đọc giật mình:  "Tại sao UBND TP HCM đã ra Quyết định tạm đình chỉ chức vụ hiệu trưởng của  ông Lê Văn Lý nhưng lại không kèm theo Quyết  định bổ nhiệm một hiệu trưởng mới?"

Khoản 2 điều 15 Nghị quyết 63/2011/QĐ-TTg bổ sung Quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH tư thục, ghi rõ: "Hiệu trưởng trường ĐH tư thục do Hội đồng Quản trị đề cử theo nguyên tắc bỏ phiếu kín với quá nửa số phiếu tán thành, được đại hội đồng cổ đông thông qua và do Chủ tịch ỦBND cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở ra quyết định công nhận".

Phải chăng tác giả có nhầm lẫn, cho rằng trường ĐH Hùng Vươngkhông phải là trường tư thục nên UBND thành phố có quyền bổ nhiệm hiệu trưởng? Thật may là chính quyền thành phố không quyết định bổ nhiệm hiệu trưởng ĐH Hùng Vương vì hiểu rằng chính quyền chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép.

Về chuyện con dấu mà tác giả đề cập, người viết bài này và bè bạn đã từng đọc  bài "Trường ĐH Chu Văn An tăng cường quản lý con dấu" đăng trên trang Đầu tư Chứng khoán ngày 26/12/2011. Liệu có gì giống và khác nhau giữa ĐH Hùng Vương và ĐH Chu Văn An?

Sự giống nhau có thể là 2 ông Lê Văn Lý và Đặng Văn Định (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường ĐH Chu Văn An) đều xuất thân là nhà giáo, nhiều năm đứng trên bục giảng. Khi nghỉ hưu các ông vẫn dành tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục.

Tuy nhiên, có thể nói rằng cả 2 ông đều không có nhiều kinh nghiệm thương trường và đương nhiên đã mắc sai lầm khi điều hành, lãnh đạo một mô hình giáo dục mới mà ngay cả Nhà nước cũng đang phải rút kinh nghiệm.

Sự khác nhau là ở chỗ ông Lê Văn Lý không chịu bàn giao con dấu, mặc dù đã "bị HĐQT nhà trường đề nghị bãi chức từ 15/3/2011. Đến tháng 3/2012, UBND TP HCM đã có quyết định tạm đình chỉ chức vụ".

Còn ông Đặng Văn Định phải nhường chức Chủ tịch HĐQT cho "đối thủ" vốn không phải  là một nhà giáo. Và 1 tháng sau, vị Chủ tịch HĐQT mới đã miễn nhiệm luôn cả 2 chức Chủ tịch Hội đồng khoa học và Trưởng Khoa Cơ điện của ông Định trong khi ông là tiến sĩ duy nhất ngành Cơ điện của trường.

Ai cũng biết Kỳ tuyển sinh năm 2012 trường ĐH Chu Văn An đã bị Bộ GD- ĐT dừng tuyển sinh 4 ngành chỉ vì các ngành này không có tiến sĩ. Cũng cần nói thêm rằng ông Đặng Văn Định là 1 trong những thành viên sáng lập ĐH Chu Văn An và là cá nhân có số cổ phần cao nhất (20,8%).

ĐH tư thục không phải là ...doanh nghiệp

Ví dụ trên đây không biết đã đủ sức mạnh để gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng trong các trường ĐH tư thục nước ta hay chưa?

Trường học không phải và không thể là một doanh nghiệp. Quan hệ trong trường không thể là giữa ông chủ và người làm thuê mà phải là quan hệ giữa các nhà giáo, quan hệ giữa thầy với trò. Để xây dựng được mối quan hệ đó thì tiêu chuẩn lãnh đạo trường ĐH là nhà giáo có 5 năm giảng dạy và quản lý giáo dục là chưa đủ.

Năm năm là khoảng thời gian quá ngắn để hình thành nhân cách một nhà giáo, càng quá ngắn để có thể thay đổi tư duy "bán lẻ, thiển cận" vốn đang tồn tại ở một bộ phận không nhỏ người dân Việt.

Để có một nhà giáo vừa có đức vừa có tài, ít nhất phải mất 15- 20 năm rèn giũa, đó là khoảng thời gian cần thiết để đào thải khỏi ngành giáo dục những người bất tài mà...thừa thủ đoạn. Đó cũng chính là điều kiện mà đội ngũ lãnh đạo các trường ĐH phải có.

Một điều dễ nhận thấy là các doanh nhân Việt Nam khi lấn sân sang lĩnh vực giáo dục, họ mang theo một nguồn lực tài chính dồi dào và kèm theo đó là sự lắt léo, khốc liệt của thương trường. Hệ quả tất yếu là các nhà giáo luôn bị thua ngay trên mảnh đất mà họ bỏ bao công sức  khai hoang, đắp bờ be đập.

Chuyện gì đang xảy ra trong các trường ĐH tư thục? Khi mà Luật Giáo dục ĐH sắp triển khai nay mai? Phải chăng người ta đang cố gắng hình thành một đội ngũ cán bộ, giáo viên trẻ (rất sợ bị mất việc) để chuẩn bị các thành phần tham gia HĐQT theo Luật GDĐH mới?

Một khi hầu hết các thành viên cơ sở đảng, công đoàn và đội ngũ giáo viên chỉ có 4 hoặc 5 năm kinh nghiệm và tuổi đời rất trẻ, thì việc đưa họ vào HĐQT, việc  chỉ đạo họ không phải là việc quá khó với những người lọc lõi.

Nếu không có các chế tài pháp luật đủ mạnh, những quy định rõ ràng về số lượng, chất lượng thì những cổ đông góp vốn luôn có thể tăng số lượng thành viên HĐQT sao cho họ chiếm đa số. Nếu điều đó thực sự xảy ra thì các điều khoản của Luật Giáo dục ĐH chưa áp dụng đã trở nên lạc hậu.

Nên chăng Nhà nước cần có các văn bản dưới luật quy định số lượng và tiêu chuẩn các thành viên HĐQT trường ĐH tư thục. Số lượng thành viên không có vốn góp phải đảm bảo sao cho tiếng nói của họ có đủ sức mạnh phản biện. Mặt khác thành viên HHĐQT là nhà giáo phải chiếm ít nhất là 50% và những người này phải có ít nhất 15 năm giảng dạy ĐH.

Không thể để tồn tại những HĐQT trường ĐH mà hầu hết các thành viên chưa bao giờ đứng trên bục giảng, càng không thể để có những người chưa tốt nghiệp ĐH ngồi hoạch định chiến lược giáo dục và nghiên cứu khoa học của trường ĐH.

Có 2 câu thơ rất hay tương truyền là của Thánh thơ Cao Bá Quát: Gió thổi vào tường, lưng gió thẳng/ Trăng nhòm cửa sổ, mắt trăng vuông.

Hy vọng rằng mỗi trường ĐH dù là công lập hay tư thục sẽ là một bức tường vững chắc để bất kỳ ai dựa vào nó cũng phải... thẳng lưng. Điều này có thể  khó, thậm chí là rất khó nếu chúng ta chỉ nhìn vào nhà trường bằng cặp mắt hình chữ nhật. Lời khuyến cáo sâu sắc của nhà thơ dù đã hơn trăm năm vẫn giữ nguyên giá trị.

Tin đang được quan tâm:

ĐIỂM THI - ĐIỂM THI 2012 - ĐIỂM THI ĐẠI HỌC NĂM 2012

ĐIỂM CHUẨN - ĐIỂM CHUẨN 2012 - ĐIỂM CHUẨN ĐẠI HỌC 2012

TUYỂN SINH - THÔNG TIN TUYỂN SINH, TIẾNG ANH - HỌC TIẾNG ANH

Kênh Tuyển Sinh

(Theo: Tuanvietnam)