Thiếu giáo viên, thừa cử nhân sư phạm: Đâu là bản chất vấn đề?

LTS: Năm học 2013-2014 là năm học đầu tiên ngành GD-ĐT triển khai thực hiện Kết luận của Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương Đảng khóa XI với nhiệm vụ trọng tâm là đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam, trong đó xác định việc phát triển đội ngũ nhà giáo là khâu then chốt. Hànộimới giới thiệu loạt bài liên quan đến vấn đề nói trên, mong muốn đưa ra cái nhìn toàn cảnh về thực trạng đội ngũ giáo viên, những điều cần quan tâm trong công tác xây dựng đội ngũ giáo viên hiện nay.

Bài 1: Nghịch lý “thừa mà thiếu”

Con số thống kê cả nước còn thiếu 27 nghìn giáo viên (GV) các cấp học do Bộ GD-ĐT công bố tại buổi họp báo về chủ đề năm học mới 2013-2014 đã khiến nhiều người băn khoăn. Mỗi năm, các trường, khoa sư phạm cho "ra lò" hàng nghìn cử nhân, chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội cũng đã có từ nhiều năm nay, tại sao vẫn xảy ra tình trạng này?

Nơi nhộn nhịp, chỗ đìu hiu

Theo phản ánh từ các địa phương, đội ngũ GV hiện nay không đơn giản là thiếu về số lượng như Bộ GD-ĐT đã xác nhận, mà thực chất là vừa thừa, vừa thiếu. Có hai cách hiểu về sự thừa mà thiếu này: Thứ nhất, nếu tính theo cơ cấu vùng, miền thì tình trạng thừa GV thường xảy ra ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển; ngược lại, khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện khó khăn luôn "khát" GV. Thứ hai, nếu tính theo cơ cấu cấp học hoặc môn học thì mầm non hiện là cấp học thiếu nhiều GV nhất, tiếp đến là cấp tiểu học. Trong đó, với các môn chuyên biệt như thể dục, âm nhạc, mỹ thuật, tiếng Anh thì nhiều nơi luôn ở trong tình trạng thiếu người dạy. Như tại Hà Nội, lãnh đạo Phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT, thừa nhận còn có tình trạng rất thiếu GV chuyên biệt ở một số trường ngoại thành, các trường thường phải bố trí GV kiêm nhiệm.

Cử nhân sư phạm: Nghịch lý thừa mà thiếu

Cử nhân sư phạm: Nghịch lý thừa mà thiếu

Nếu như vấn đề của mầm non, tiểu học hay THCS chủ yếu là thiếu GV, chưa đồng bộ về cơ cấu thì cấp THPT lại thừa khá nhiều GV. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT được công bố vào năm ngoái, số lượng GV cấp học này cơ bản đã ổn định, thậm chí có tình trạng thừa GV ở một số nơi. Căn cứ vào dự báo nhu cầu của ngành từ nay đến năm 2020, cấp THPT cần giảm khoảng 1 nghìn GV/năm, trong đó vùng Đồng bằng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung là nơi thừa nhiều GV nhất, cần giảm 350 người/năm.

Đây là cấp học duy nhất cần giảm số lượng GV trong thời gian tới, các cấp học còn lại đều phải bổ sung hằng năm, trong đó mầm non mỗi năm cần thêm 2 nghìn GV và hơn một nửa số này là để tăng cường cho các tỉnh Đồng bằng sông Hồng; cấp tiểu học cần 4.800 GV/năm (1/3 số này để bổ sung cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long), THCS cần 9 nghìn GV/năm (chủ yếu cho vùng Đồng bằng sông Hồng).

Do đâu mà có "sự lạ"?

Về nguyên nhân thiếu giáo viên, ông Hoàng Đức Minh (Cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ GD-ĐT) cho rằng chủ yếu là do sự phát triển về số lượng HS và yêu cầu bổ sung nội dung giáo dục liên quan đến chương trình phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, dạy học 2 buổi/ngày, đề án dạy và học ngoại ngữ… Mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục đặt ra yêu cầu nhà trường bổ sung GV chuyên trách các môn chuyên biệt chứ không thể để GV kiêm nhiệm.

Trên thực tế, tình trạng thừa - thiếu GV hiện nay còn do một số nguyên nhân, tồn tại từ nhiều năm nay mà điển hình là việc dự báo nhu cầu nhân lực và việc đào tạo "không gặp nhau"; sinh viên sư phạm tốt nghiệp không quay trở về địa phương công tác mà tập trung tìm việc ở nơi thuận lợi, chủ yếu là đô thị lớn; các trường, khoa sư phạm có xu hướng tăng chỉ tiêu tuyển sinh để tăng nguồn thu và thường là có gì thì đào tạo nấy chứ không phải đào tạo theo nhu cầu thừa - thiếu thực tế (về số lượng, cơ cấu môn học, cấp học…).

Các trường học tại Hà Nội là nơi được nhiều cử nhân sư phạm quan tâm, song lại có yêu cầu khắt khe về trình độ và kỹ năng sư phạm, không phải ai cũng dễ dàng được chọn. Số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển GV của Hà Nội năm nào cũng cao gấp đôi, thậm chí gấp ba so với chỉ tiêu, nhưng số được tuyển chọn chưa hẳn đã đạt đủ chỉ tiêu. Có năm, số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển lên tới hơn 14 nghìn thí sinh, song các nhà trường chỉ tuyển được hơn 4.400 GV trong khi chỉ tiêu tuyển dụng là hơn 5 nghìn người.

chỉ tiêu mà không tuyển được GV là chuyện không hiếm ở các trường. Điển hình là ở cấp học mầm non, do đặc thù công việc nhiều áp lực, mức thu nhập được cho là chưa tương xứng nên việc tuyển GV thường vất vả hơn nhiều so với các cấp học khác. Cách đây vài năm, một số quận, huyện tại Hà Nội rơi vào tình trạng báo động khi hàng loạt GV mầm non chuyển nghề, hoặc chuyển từ công lập sang ngoài công lập… Một phó chủ tịch quận trung tâm Hà Nội cho biết, chỉ trong một năm, bà đã buộc lòng phải ký đơn cho hơn 10 GV mầm non chuyển công tác. Lãnh đạo quận Hoàng Mai từng đau đầu với bài toán tìm nguồn tuyển bởi có thời gian đăng tải nhu cầu tuyển dụng GV mầm non trên hơn chục ấn phẩm báo chí mà không nhận được một hồ sơ dự tuyển nào.

Thực tế, những trường ở địa bàn thuận lợi thường có số lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển cao và ngược lại, không có nhiều thí sinh mặn mà với những địa bàn khó khăn, gây nên tình trạng "người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra" và nhiều khi là nguyên nhân khiến cung - cầu không gặp nhau. Tại mỗi kỳ tuyển dụng, Hà Nội đều tổng hợp số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào từng trường/từng môn và công bố công khai. Căn cứ vào số liệu này, thí sinh có thể biết được tỷ lệ chọi của trường/môn mình đăng ký cao thấp ra sao để quyết định thay đổi nguyện vọng nhằm đạt cơ hội trúng tuyển cao hơn, nhà trường cũng có thêm điều kiện để chọn được GV phù hợp yêu cầu. Tuy nhiên, số lượng hồ sơ xin đổi nguyện vọng không nhiều. Ban giám hiệu Trường THPT Kim Liên cho biết, vào năm ngoái, trường có 19 hồ sơ đăng ký dự tuyển GV môn ngữ văn, trong khi chỉ tiêu là 1 người, còn môn thể dục chỉ có 1 hồ sơ đăng ký/1 chỉ tiêu.

Thực tế trên cho thấy nhu cầu về GV của các nhà trường còn rất lớn. Trong khi đó, mỗi năm có tới hàng nghìn cử nhân sư phạm tốt nghiệp và không ít người trong số đó chưa tìm được việc làm. Liệu có phải công tác đào tạo ở các trường sư phạm đang có vấn đề, hay nguyên nhân nằm ở cách thức tuyển dụng?

Theo tác giả Hồng Hạnh, Báo Hà Nội Mới