Vì dịch Covid-19, đã có chính sách miễn giảm học phí được ban hành. Tuy nhiên, vẫn có trường học tăng học phí khiến nhiều phụ huynh phàn nàn, bức xúc. Vậy Bộ GD-ĐT nói gì?
Học sinh TP.HCM học trực tuyến do ảnh hưởng dịch Covid-19. Địa phương này miễn 100% học phí học kỳ 1 cho học sinh các cấp
Từ tháng 10, một số chính sách mới về giáo dục chính thức có hiệu lực, trong đó nội dung đáng chú ý nhất là chính sách học phí (HP) mới.
Có nhiều địa phương miễn, giảm học phí
Theo điều 17 Nghị định 81 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 15.10.2021), “tùy theo mức độ và phạm vi thiệt hại, các địa phương được quyết định không thu HP trong thời hạn nhất định đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh (HS) phổ thông công lập, học viên giáo dục thường xuyên thuộc vùng bị thiên tai, dịch bệnh, vùng xảy ra các sự kiện bất khả kháng”. Căn cứ vào quy định này, năm học mới bắt đầu trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khá nhiều địa phương đã có chính sách miễn giảm HP cho HS phổ thông.
Ghi nhận cho thấy, đến thời điểm này mỗi nơi có cách thức hỗ trợ khác nhau, nơi miễn HP học kỳ 1, nơi miễn HP 50%, nhưng cũng nhiều địa phương quyết định miễn toàn bộ HP cả năm.
Ngày 3.9, UBND TP.HCM ban hành quyết định về việc miễn 100% HP học kỳ 1 cho HS năm học 2021 - 2022, trừ các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài.
Tại Hà Nội, HS khối công lập, tư thục đều được hỗ trợ 50% mức HP hằng tháng trong năm học 2021 - 2022. Là địa phương có số HS lớn nhất cả nước nên tổng kinh phí thực hiện chính sách này của Hà Nội lên tới 892 tỉ đồng (trong đó năm 2021 là 396 tỉ đồng, năm 2022 là 496 tỉ đồng).
Một loạt các tỉnh, thành như Bắc Ninh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Long An quyết định không thu HP học kỳ 1 với trẻ em, HS trong cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập. Ngoài ra, một số tỉnh như Bắc Ninh còn hỗ trợ học phí 4 tháng học kỳ 1 đối với trẻ em và HS tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông ngoài công lập, mức hỗ trợ bằng mức thu HP các trường công lập trên cùng địa bàn.
UBND tỉnh Quảng Nam sẽ xem xét miễn HP cho HS ở những địa bàn thực hiện giãn cách xã hội như TX.Điện Bàn, TP.Hội An và hỗ trợ cả những HS ở các tỉnh, TP có dịch Covid-19 về học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Mức hỗ trợ dự kiến là hơn 13 tỉ đồng.
Một vài trường tư tăng học phí
Trong khi đó, một số trường tư thục không những không miễn giảm mà còn tăng HP, dù Bộ GD-ĐT và địa phương đã có văn bản đề nghị giữ nguyên mức thu của năm trước.
Hơn 200 phụ huynh của Trường Greenfield School (Hưng Yên) đã viết đơn khiếu kiện về việc trường này tăng HP năm học 2021 - 2022 trái với yêu cầu của Chính phủ và Bộ GD-ĐT về việc giảm hoặc giữ ổn định mức HP để chia sẻ khó khăn với người dân vì dịch bệnh.
Trong đơn, phụ huynh cho biết đầu tháng 6, họ nhận được email của nhà trường thông báo về các khoản phí đóng đầu năm, trong đó thông báo tăng mức HP năm 2021 - 2022 vào khoảng 10%. Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, nhiều phụ huynh đã liên hệ trực tiếp và email phản đối quyết định trên nhưng không nhận được phản hồi thỏa đáng từ phía nhà trường. Sau khi nhận được phản ánh của phụ huynh, ngày 10.9, Sở GD-ĐT tỉnh Hưng Yên có Công văn số 1654 yêu cầu Trường Greenfield School không được tăng HP trong năm học 2021 - 2022 theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT tại Công văn 3277 ngày 4.8.2021; không thu các dịch vụ HS không sử dụng trong thời gian học trực tuyến và hoàn trả nếu phụ huynh đã đóng các khoản phí dịch vụ này. Tuy nhiên, đơn kiến nghị của phụ huynh khẳng định: “Chúng tôi vẫn chưa thấy Greenfield School có thông báo điều chỉnh lại mức HP để phù hợp với quy định ban hành”.
Phụ huynh một số trường ở Hà Nội như Nguyễn Siêu, Phổ thông Song ngữ liên cấp Wellspring... dù đang học trực tuyến từ tháng 8 và đã thu toàn bộ HP theo học kỳ hoặc ít nhất gần 3 tháng/lần, nhưng không thông báo phương án HP học trực tuyến ra sao so với học trực tiếp, nếu có thì hoàn trả như thế nào...
Tăng HP là không hợp lý và không thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ
Xung quanh các phản ánh, kiến nghị về HP, Bộ GD-ĐT mới đây có văn bản cho biết, đối với các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, mức thu HP thực hiện theo quy định tại luật Giáo dục 2019. “Tuy nhiên, việc tăng HP trong thời điểm hiện nay là không hợp lý và không thực hiện đúng tinh thần và chủ trương của Chính phủ, đề nghị các cơ sở giáo dục chia sẻ khó khăn với HS trong bối cảnh dịch Covid-19.còn diễn biến hết sức phức tạp”, văn bản của Bộ nêu.
Bộ GD-ĐT đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành chỉ đạo và quán triệt các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý nghiêm túc thực hiện các ý kiến của Bộ GD-ĐT, xem xét giữ ổn định HP năm học 2021 - 2022, không tăng so với năm học 2020 - 2021, đồng thời trích một phần nguồn thu HP để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cần có chính sách miễn, giảm, gia hạn thời gian đóng HP và các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động GD-ĐT với thủ tục đơn giản và phù hợp với yêu cầu giãn cách xã hội ở một số địa phương để hỗ trợ người học.
Chỉ tăng học phí từ năm học 2022-2023Nghị định 81/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý HP đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm HP, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực GD-ĐT chính thức có hiệu lực từ ngày 15.10.2021. Cụ thể, Nghị định 81 đã lên lộ trình tăng HP từ năm học 2022-2023 trở đi với cả giáo dục mầm non, phổ thông và ĐH. Đối với trẻ mầm non và HS phổ thông, trong năm học 2022-2023, các địa phương sẽ thu HP mức sàn - mức trần do Bộ GD-ĐT quy định. Từ năm học 2023-2024 trở đi, khung HP được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp, nhưng không quá 7,5%/năm. |
Trước đó ngày 4.8.2021, Bộ GD-ĐT ban hành Công văn 3277 gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư và các cơ sở GD-ĐT về việc thực hiện chia sẻ khó khăn, hỗ trợ HS, sinh viên và phụ huynh trong tình hình dịch bệnh Covid-19, trong đó đề nghị giữ ổn định mức HP năm học 2021 - 2022 như năm học 2020 - 2021.
> Một trường Đại Học ở TP.HCM không tăng học phí, tăng số lượng học bổng
> Dự kiến sinh viên TP.HCM sẽ học trực tuyến đến hết học kỳ 1
Theo Thanh Niên