Tình hình dịch Covid-19 phức tạp, nếu học sinh vào lớp 1 phải học trực tuyến, cha mẹ cần chú ý điều gì để giúp con thích nghi và học tập tốt hơn?
Dịch bệnh căng thẳng, nhiều phụ huynh lo lắng con sẽ bắt đầu năm học bằng hình thức trực tuyến
Con mới vào lớp 1, chưa biết gì, liệu có thể học trực tuyến?
Đó là lo lắng của rất nhiều phụ huynh có con vào lớp 1 năm nay trước tình hình dịch Covid-19 ngày càng gia tăng. Nhiều người lo lắng, với tình hình này con có thể bắt đầu năm học mới hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến.
Với nhiều bậc học khác, học sinh đã có thời gian làm quen với bạn bè, trường lớp, thầy cô trước đó. Riêng với lứa lớp 1 năm nay, các em đã kết thúc năm học từ đầu tháng 5, sau đó dịch kéo dài liên tục nên việc các em cũng không có thời gian làm quen vớ kỹ năng “tiền lớp 1” ở trên trường mầm non hay các trung tâm bên ngoài.
“Với đứa đầu, vào khoảng thời gian này con đã được chuẩn bị đầy đủ từ kỹ năng đến tinh thần, ngoài những kỹ năng cần thiết được giáo viên dạy trên lớp, gia đình còn có thời gian cho con rèn thêm kỹ năng ngôn ngữ, toán học ở bên ngoài. Dù không nhiều nhưng khi chuẩn bị bước vào năm học mới con rất háo hức khi được cùng mẹ mua sắm sách vở, đồ dùng học tập. Còn năm nay, với bé út mọi thứ khó khăn hơn và con không có được bước đệm như chị của mình trước đây”, chị Nguyễn Thị Thu Hoà (phường 14, quận Gò Vấp) chia sẻ.
Theo chị Hoà, theo kết quả tuyển sinh, con gái chị được phân về Trường tiểu học Lê Quý Đôn, nhưng vì tình hình dịch phức tạp quận này vẫn đã tạm hoàn hoàn toàn việc tuyển sinh nên cả gia đình chị vẫn tiếp tục chờ thông tin, thông báo về việc hoàn tất thủ tục, nộp hồ sơ.
Bé nghỉ học lâu, trong khi cả gia đình vừa bận rộn công việc vừa lo lắng trước tình hình dịch bệnh nên mọi “công tác” chuẩn bị cho con vào lớp 1 cũng đều bị hoãn lại. “Bé ở nhà chơi 2 tháng nay nên gần như quên hết những kỹ năng ở lớp mầm non được dạy trước đó, mà chúng tôi cũng không biết chính xác con có thể đến trường vào thời gian nào và cần chuẩn bị cho con thế nào trước tình hình hiện tại”, chị Hoà lo lắng nói.
Cũng có con vào lớp 1 năm nay, không ít phụ huynh lên các diễn đàn phụ huynh có con vào lớp 1 để hỏi thăm tình hình tuyển sinh của nhau. Trong khi một số quận huyện vẫn thực hiện truyển sinh trực tuyến và đã trả kết quả phân tuyến, phụ huynh đã nắm được thông tin con mình sẽ học ở trường nào thì cũng nhiều nơi, việc tuyển sinh bị tạm hoãn hoàn toàn khiến nhiều người lo lắng.
Ngụ tại phường Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú), là một trong những quận tạm ngưng hoàn toàn việc tuyển sinh vì dịch, chị Đào Thị Thuý An cùng chung nỗi lo với nhiều phụ huynh khác. “Mình có dành thời gian cho con học làm quen với chữ cái, số đếm nhưng còn mãi chơi lắm. Nếu cứ như này mà vào học thì chắc chắn lứa lớp 1 năm nay lại khó khăn hơn nhiều”, nữ phụ huynh này chia sẻ.
Cha mẹ cần chủ động chuẩn bị gì cho con?
Đồng cảm với lo lắng của phụ huynh trước tình trạng hiện tại, bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, nghiên cứu sinh ngành thiết kế và lãnh đạo giáo dục tại Đại học Illinois (Mỹ), đồng thời là nhà sáng lập nhiều tổ chức giáo dục lớn ở TP.HCM, cho rằng, thay vì lo lắng phụ huynh hoàn toàn có thể chủ động chuẩn bị cho con.
Theo bà Uyên Phương, năm trước, với những bé vào lớp 1 các con vẫn con vẫn có thời gian để khai giảng và bắt đầu vào năm học mới, dù sau đó phải nghỉ một thời gian để phòng bệnh. Tuy nhiên, năm học này, khi tình hình dịch bệnh nếu không tiến triển khả quanthì chún g ta không loại trừ khả năng trẻ sẽ phải bắt đầu năm học mới bằng hình thức trực tuyến. Nếu điều này xảy ra, thì với học sinh lớp 1 trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn.
Chưa kể, trước đó trẻ đã ở nhà trong nhiều tháng liền các con không có thời gian để thích nghi với nếp sinh hoạt mới khi chuyển cấp. Sự chú ý của gia đình với việc học của con cũng sẽ bị phân tán trong thời gian này. Trẻ cũng dễ mất cảm xúc, hào hứng khi bước vào năm học mới.
Tuy nhiên, theo bà Uyên Phương, trải qua nhiều mùa dịch, các trường học cũng đã có kinh nghiệm trong việc chuyển đổi mô hình dạy – học. Lứa trẻ em sau này cũng dễ dàng thích nghi và được tiếp cận với các thiết bị công nghệ từ rất sớm nên phụ huynh nên chuẩn bị sẵn tinh thần cho chính mình, để hỗ trợ con.
“Thực ra người cần chuẩn bị tinh thần là phụ huynh, còn bọn trẻ nếu được tiếp cận và dạy học đúng phương pháp, các con sẽ thích nghi rất nhanh”, bà Uyên Phương chia sẻ.
Trong khi đó, là người có nhiều năm dạy lớp 1, trong đó có 2 năm dạy trực tuyến do ảnh hưởng của dịch, cô Bùi Thị Tuyết Trinh, khối trưởng khối lớp 1 Trường tiểu học ICS (TP. Thủ Đức) cho rằng cách giao tiếp và ấn tượng ban đầu của giáo viên rất quan trọng. Dù học trực tiếp hay trực tuyến, thì ấn tượng ban đầu với học sinh sẽ quyết định nhiều đến việc dạy học sau đó.
Theo cô Trinh, khi giao tiếp, nếu giáo viên cởi mở, hài hước và biết cách giúp học sinh hứng thú với tiết học thì dù có khó khăn khi học trực tuyến vẫn có thể giúp trẻ nhanh chóng làm quen được với nhịp học mới khi chuyển cấp.
Dĩ nhiên, trong mỗi lớp học sẽ có những trường hợp học sinh khác nhau, có học sinh được phụ huynh hỗ trợ hết mình và các em cũng thích nghi tốt, nhưng cũng sẽ có những em phải tự mày mò học trực tuyến vì ba mẹ bận công việc, hoặc khả năng tiếp thu chậm hơn. Do vậy, ngoài việc chuyển thể một bài dạy tốt từ dạy trực tiếp qua trực tuyến thì với lớp 1, giáo viên cũng cần phải nắm bắt được khả năng của từng em để có điều chỉnh phù hợp.
> TP.HCM: Các trường tuyển sinh đầu cấp như thế nào trước Chỉ thị 16?
> Tuyển sinh lớp 1 Hà Nội: Gần 129.000 học sinh được tuyển bằng hình thức trực tuyến
Theo Thanh Niên