Đặc thù công việc sau này cụ thể là làm gì? Ngoài Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông thì còn trường công lập nào đào tạo ngành truyền thông đa phương tiện không? (trangxuan…@gmail.com)

Công nghệ truyền thông khác truyền thông đa phương tiện?

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển ĐH năm 2015. Ảnh: TTO

Chào bạn,

Ngành công nghệ truyền thông gồm các chuyên ngành: Phát triển ứng dụng đa phương tiện, Thiết kế đa phương tiện và Truyền thông đa phương tiện.

Kiến thức cần học

Phần kiến thức chuyên ngành Phát triển ứng dụng đa phương tiện trang bị cho sinh viên kiến thức chuyên sâu để thực hiện các dự án phần mềm ứng dụng; các kiến thức cơ bản liên quan đến cơ sở dữ liệu, lập trình hướng đối tượng, lập trình mạng và lập trình website, game; các ứng dụng đầu cuối di động, hệ thống hỗ trợ đào tạo đa phương tiện; hệ thống cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông.

Phần kiến thức chuyên ngành Thiết kế đa phương tiện trang bị cho sinh viên kiến thức chuyên sâu liên quan đến lĩnh vực thiết kế các sản phẩm đồ họa 2D/3D; lý thuyết cơ sở về quảng cáo; các kiến thức liên quan đến thiết kế và biên tập các chương trình truyền hình, hoạt hình 2D/3D, video clip quảng cáo và các nội dung đào tạo thông qua đa phương tiện.

Phần kiến thức chuyên ngành Truyền thông đa phương tiện trang bị cho sinh viên kiến thức chuyên sâu liên quan đến lĩnh vực truyền thông như văn hóa, tâm lý, ngôn ngữ, pháp luật và đạo đức truyền thông; các kiến thức nền tảng về biên tập các văn bản báo chí, các chương trình truyền hình và truyền thông trên Internet; thiết kế và biên tập các nội dung quảng cáo, các bộ nhận diện thương hiệu; các kiến thức về xây dựng và phát triển thương hiệu, hoạch định chiến lược và tổ chức các sự kiện truyền thông.

Trong khi đó, ngành truyền thông đa phương tiện tập trung trang bị kiến thức cơ sở về công nghệ đa phương tiện như nhiếp ảnh, quay phim, thiết kế đồ họa, kỹ thuật âm thanh, dựng video, kỹ xảo âm thanh hình ảnh, hoạt hình và nền tảng báo chí truyền thông, tâm lý học truyền thông, văn hóa truyền thông, nhập môn quan hệ công chúng, nhập môn cơ sở quảng cáo…

Khối kiến thức chuyên ngành trang bị cho sinh viên nghiệp vụ chuyên môn về truyền thông như hoạch định chiến lược truyền thông, thu thập tin bài, phỏng vấn,  thiết kế và biên tập báo chí, truyền thanh, truyền hình…

Các vị trí làm việc

Sinh viên có thể làm việc tại các vị trí cụ thể ở các cơ quan nhà nước về truyền thông; các nhà máy, công ty hoạt động trong các lĩnh vực như game, thiết kế, quảng cáo, điện ảnh, truyền hình.

Cũng có thể đảm nhiệm vị trí chuyên viên truyền thông tổng hợp (bao gồm các vị trí giám đốc sản xuất, giám đốc sáng tạo, đạo diễn, biên tập viên, người dẫn chương trình, chuyên viên quan hệ công chúng...), kỹ sư phát triển phần mềm dịch vụ và ứng dụng (game, web, ứng dụng di động…), chuyên gia thiết kế (quảng cáo, hoạt hình, đồ họa game, mẫu mã bao b,…).

Sinh viên tốt nghiệp ngành truyền thông đa phương tiện có thể ứng dụng các kỹ thuật và công cụ đa phương tiện để sản xuất lư liệu đa phương tiện phục vụ truyền thông, có kỹ năng cơ bản của phóng viên, biên tập viên.

Bạn cũng có thể làm việc trong các cơ quan truyền thông, các tập đoàn, doanh nghiệp, phụ trách truyền thông, quảng cáo, quan hệ công chúng…

Như vậy, ngành công nghệ truyền thông tập trung vào việc xây dựng, lập trình các ứng dụng, thiết kế các ứng dụng phục vụ cho ngành truyền thông. Trong khi đó ngành truyền thông đa phương tiện vận dụng các thiết bị đa phương tiện có sẵn để sản xuất chương trình, xây dựng chương trình truyền thông.

Hiện nay ngoài Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cũng có nhiều trường đào tạo ngành truyền thông đa phương tiện, như ĐH quốc tế Hồng Bàng, ĐH Công nghệ TP.HCM...

Theo Tuổi trẻ, nguồn: http://tuyensinh.tuoitre.vn/tin/tuyen-sinh-247/chuyen-gia-tu-van/20160329/cong-nghe-truyen-thong-khac-truyen-thong-da-phuong-tien/1075528.html


Xem thêm các thông tin tuyển sinh, tuyển sinh năm 2016, điểm thi tốt nghiệp 2016 tại kenhtuyensinh.vn