>> Giáo dục, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, nguyện vọng 2

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, hằng ngày các trường phải cập nhật và công bố công khai hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung của thí sinh (TS) trên trang thông tin điện tử của trường.

Tuy nhiên, có một thực tế là hàng loạt trường chỉ cập nhật cho có nên TS không có cơ sở để phân tích, lựa chọn ngành nộp hồ sơ để có cơ hội trúng tuyển cao nhất.

xét tuyển nguyện vọng 2

Các trường ĐH Mở TP.HCM,  ĐH Nông Lâm TP.HCM… đưa tất cả thông tin TS nộp hồ sơ nhưng ở dạng PDF, không thể trích xuất dữ liệu, cũng không có bảng thống kê số hồ sơ từng ngành kèm theo. Chưa kể, không thống kê điểm từ cao xuống thấp, các trường này còn đánh đố TS khi không thống kê theo từng ngành. Thông tin điểm thi, ngành xét tuyển cập nhật loạn xạ nên nhìn vào bảng thống kê này, TS không thể biết được ngành mình xét tuyển có bao nhiêu hồ sơ nộp vào, mức điểm của mình đứng hàng thứ mấy so với chỉ tiêu cần tuyển.

Mặc dù đã thực hiện công khai thông tin nhưng ở nhiều trường, thông tin chỉ là “vỏ”, đánh đố TS. Chẳng hạn Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đưa hẳn danh sách TS xét tuyển ra trang chủ nhưng khi truy cập vào file lại bị lỗi và cuối cùng không có thông tin nào dù đến nay có hơn 6.800 người truy cập tìm thông tin. Trang web của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thì liên tục bị “sập”, không thể truy cập nhưng khi truy cập được thì rất khó theo dõi. Các trường ĐH Ngoại ngữ-Tin học TP.HCM, ĐH Đồng Tháp chỉ công bố tổng số hồ sơ đã nộp mỗi ngày vào từng ngành, còn các thông tin của TS như họ và tên, số báo danh, tổng điểm ba môn thi, số thứ tự hồ sơ... đều không có.

Đáng nói là đến ngày 2-9 vẫn có những trường chưa công khai thông tin nào về hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung của TS như ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, ĐH Văn Lang TP.HCM, ĐH Tây Đô (Cần Thơ), ĐH Đà Lạt, ĐH Đồng Nai, ĐH Quảng Bình, ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi)...

Theo Quốc Dũng, phapluattp - Xem tin gốc