ThS Phạm Thái Sơn (phó giám đốc trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) phát biểu tại buổi tọa đàm về tuyển sinh 2017 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Hơn 20 chuyên gia đến từ các trường ĐH, THPT ở TP.HCM và Bình Dương đã ngồi lại trong tọa đàm góp ý phương án thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH 2017, được tổ chức tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sáng 13-9.
Giáo viên, học sinh đều lúng túng
Theo TS Lê Thị Thanh Mai - trưởng ban công tác sinh viên ĐHQG TP.HCM, đề thi các môn thi nằm trong khối kiến thức học sinh đã học ở THPT. Tuy nhiên, với các bài thi khoa học tự nhiên và bài thi khoa học xã hội, học sinh đang lo lắng vì các em phải làm quen với việc học tích hợp các môn này lại trong thời gian quá ngắn.
Bộ GD-ĐT cần công bố sớm, trong bài thi tổ hợp này chấm từng môn riêng lẻ hay tổng hợp bài các môn. Hiện nay học sinh đã quen hình thức thi theo môn và chưa từng làm một bài thi gồm ba khối kiến thức ghép lại. Đặc biệt, các em đã định hướng cho mình theo khối thi gắn với tổ hợp xét tuyển.
Bà Thanh Mai còn cho rằng với cách thi mới này, tổ hợp xét tuyển chắc chắn sẽ thay đổi, nhưng hiện học sinh vẫn chưa có thông tin nên sẽ ảnh hưởng tới định hướng nghề nghiệp của học sinh. Các giáo viên cũng sẽ lúng túng trong việc giúp học sinh làm quen với cách ra đề theo tổ hợp.
“Trong khi theo quy định, các trường ĐH phải công bố tổ hợp xét tuyển mới trước ba năm. Với phương án bài thi tổ hợp áp dụng ngay, liệu có thực hiện đúng “luật chơi” này?” - bà Mai nói.
Theo ông Nguyễn Hùng Khương - phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), sau khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo phương án thi THPT quốc gia năm 2017 thì học sinh, phụ huynh và cả giáo viên của trường ông đều hoang mang, lo lắng.
“Trường chúng tôi hiện đang dạy theo chương trình chuẩn, có nâng cao một số môn theo các khối thi truyền thống của các trường ĐH.
Nếu trong kỳ thi tới áp dụng bài thi tổng hợp, các em dự định xét tuyển vào các trường kinh tế (ngoài việc học các môn khối A) giờ phải học thêm môn sinh, khối B học thêm môn lý để hoàn thành bài thi tổ hợp. Với học sinh theo khối D1 và A1 năm nay phải chọn thêm nhiều môn xã hội hoặc tự nhiên, sẽ rất bất lợi.
Chúng tôi mong Bộ GD-ĐT sớm công bố phương án thi chính thức, và các trường ĐH cũng sớm công bố phương thức xét tuyển 2017 để các trường THPT cũng như học sinh có sự chuẩn bị tốt hơn” - ông Khương kiến nghị.
Thi tổ hợp học sinh sẽ học lệch
TS Lê Thị Thanh Mai còn cho rằng với bài thi tổ hợp, nếu các trường lấy điểm từng môn sẽ rất khó. Một bài thi tổ hợp có thời gian làm bài 90 phút với ba môn lý, hóa, sinh; giả sử thí sinh không làm phần môn sinh (vì không liên quan đến tổ hợp xét tuyển), thì trong thời gian này thí sinh tập trung làm hai bài thi lý và hóa.
Việc thí sinh làm hai môn trong 90 phút khác với thí sinh phải làm ba môn trong cùng thời gian. Vì vậy, kết quả bài thi này không cùng một căn cứ để các trường xét tuyển.
Trong khi đó, TS Trần Thế Hoàng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng mục tiêu tuyển sinh phải đảm bảo công khai, công bằng để tuyển chọn được thí sinh phù hợp.
Ông Hoàng cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT ban hành quy chế thi chính thức càng sớm càng tốt để thí sinh, phụ huynh an tâm. Bên cạnh đó, ông Hoàng cũng tỏ ra băn khoăn bài thi tổ hợp.
“Bài thi môn khoa học tự nhiên chỉ có 60 câu thì khó đánh giá được thí sinh. Vì vậy có thể tăng lên 90 câu và tăng thêm thời gian làm bài ở cả hai tổ hợp tự nhiên và xã hội” - ông Hoàng nói.
TS Ngô Hồng Điệp, phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương), cũng băn khoăn về bài thi tổ hợp.
“Bài thi tổ hợp có đủ độ đo (giá trị bài thi) đạt được hai mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH? Nếu với cách thức thi mới này năm 2017, các trường ĐH sẽ không thể xét tuyển theo khối thi truyền thống được. Bài thi tổ hợp cũng sẽ dẫn đến việc học lệch trong học sinh” - ông Điệp cảnh báo.
Còn ThS Cổ Tấn Anh Vũ - trưởng phòng tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM - kiến nghị Bộ GD-ĐT cần có định hướng lâu dài hơn trong vấn đề thi cử, không nên thay đổi mỗi năm.
“Trước đây, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường ĐH muốn thay đổi tổ hợp xét tuyển truyền thống phải công bố trước ba năm. Trong khi nay bộ đưa ra hai bài thi tổ hợp - khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, các trường ĐH sẽ xét tuyển như thế nào?” - ông Vũ nói.
Chia sẻ về kỳ kiểm tra năng lực đã được thực hiện tại Trường ĐH Luật TP.HCM, ThS Lê Văn Hiển - phó trưởng phòng đào tạo nhà trường - cho biết: để tổ chức được kỳ thi này trong năm nay, nhà trường đã phải xây dựng đề án tuyển sinh riêng từ năm 2014.
“Nhà trường đã thành lập rất nhiều tổ công tác để xây dựng đề án. Để làm xong một bộ đề đánh giá năng lực, nhà trường phải mất hơn tám tháng. Việc xây dựng đề kiểm tra năng lực chung của tất cả các trường ĐH sẽ rất khó, chúng ta chỉ có thể xây dựng đề thi theo nhóm ngành (kinh tế, luật, kỹ thuật...). Nếu sử dụng đề chung của ĐHQG Hà Nội, tôi nghĩ các trường sẽ không mặn mà tổ chức kỳ kiểm tra năng lực” - ông Hiển nói.
Cần có định hướng lâu dài cho chiến lược giáo dụcTheo TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, hầu hết khách tham dự buổi tọa đàm đều ủng hộ có kỳ thi chung, có đầu mối tổ chức, với đề thi mang tính đánh giá năng lực thí sinh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến rất băn khoăn về các bài thi, đề thi với cấu trúc, nội dung, thời gian như vậy liệu có đánh giá đúng năng lực của học sinh. Trong trường hợp cần tổ chức thêm kỳ kiểm tra đánh giá năng lực thì không nên tổ chức thi lại môn thi giống kỳ thi THPT quốc gia, để tránh tình trạng luyện thi tràn lan. Nếu có kỳ thi đánh giá năng lực cũng nên có đầu mối đứng ra tổ chức. Nếu có quyết tâm, trong vòng ba tháng tới sẽ có ngân hàng đề thi đánh giá năng lực, nhưng tất nhiên phải thử nghiệm chứ không thể áp dụng ngay trong năm 2017. Tất cả khách tham dự tọa đàm đều mong muốn Bộ GD-ĐT sớm công bố phiên bản cuối cùng quy chế thi THPT quốc gia năm 2017, có định hướng lâu dài cho chiến lược giáo dục nói chung và kế hoạch tuyển sinh nói riêng. |
Theo Tuổi trẻ, nguồn: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20160914/cong-bo-phuong-an-thi-khong-dung-luat-choi/1171080.html