TUYỂN SINH | TƯ VẤN TUYỂN SINH | ĐIỂM THI ĐẠI HỌC | ĐIỂM CHUẨN ĐẠI HỌC

Chưa năm nào nguồn tuyển sinh của nhiều trường ĐH lại bết bát như năm vừa qua.

Nguyên nhân một phần do điểm sàn chưa hợp lý. Vì vậy, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Bộ đang tính đến việc thay đổi cách xác định điểm sàn trong năm tới.

 

Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013: Có thể thay đổi cách tính điểm sàn 1
Thí sinh sau giờ thi trong kì tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012.
Ảnh: Hạnh Nguyên.

Thí sinh dư,  trường không tuyển đủ


Theo ông Nguyễn Văn Bao - Hiệu trưởng ĐH Tây Bắc, việc thi 3 chung như hiện nay rất tốt. Đề thi như vài năm trở lại đây đã giúp định lượng được học sinh đầu vào. Đặc biệt, việc xác định điểm sàn là ngưỡng để các trường nhìn nhận “đại cục” trong tuyển sinh 2013. Điểm sàn này được xác định căn cứ trên phổ điểm các trường báo về sau khi chấm thi. Tuy nhiên, Bộ cần có cách xác định sao cho hợp lý.

Con số Bộ GD&ĐT đưa ra cho thấy, năm 2012 tất cả các trường chỉ tuyển được 83% chỉ tiêu, thiếu đến 17% chỉ tiêu. Ông Trần Trung - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên cho rằng, theo báo cáo của Bộ GD&ĐT đưa ra, các trường tỉnh lẻ gặp khó khăn khi áp dụng chung một điểm sàn với trường ở thành phố nhiều điều kiện hơn, hấp dẫn thí sinh hơn. Trong khi đó, nhiều trường tốp trên tuyển sinh điểm rất thấp, lấy hết thí sinh của trường khác về mình. Vì vậy, nên chăng Bộ xác định điểm sàn theo từng khu vực?

Ông Nguyễn Kim Vui - Giám đốc ĐH Thái Nguyên cũng đồng tình với việc cần có cách tính điểm sàn uyển chuyển, linh động hơn. Đặc biệt, cần tính đến yếu tố vùng miền để nhiều ĐH vùng không quá bất lợi.

Ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH dân lập Hải Phòng nhận định, cách tính điểm sàn như của Bộ GD&ĐT trong một số năm qua chưa chính xác khiến ít thí sinh trên điểm sàn. Trong khi đó, các trường lại quá thiếu sinh viên. Tuy nhiên, TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng, theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm vừa qua cả ba bậc học (ĐH, CĐ và trung cấp chuyên nghiệp) đều không tuyển đủ, vậy thí sinh đi đâu? Điều đó chứng tỏ hoặc điểm sàn quá cao hoặc chỉ tiêu quá cao. Nhưng nếu điểm sàn cao thì thí sinh phải vào trung cấp chuyên nghiệp thay vì vào ĐH. Như vậy, do các trường xác định chỉ tiêu cao quá. Các trường phải tự điều chỉnh chứ không phải hoàn toàn do điểm sàn.


Theo nhóm trường hay theo khối thi?

Nhiều lãnh đạo trường ĐH, CĐ cho rằng, điểm sàn rất cần thiết để bảo đảm chất lượng, nhưng cần xác định theo từng nhóm: nhóm ĐH tốp trên, ĐH tốp giữa và ĐH tốp dưới.

Ông Nguyễn Văn Bao khẳng định, cần thiết phải có điểm sàn vì đơn giản đây là ngưỡng chất lượng để các trường xoay quanh nó khi tuyển sinh. Tuy nhiên, nếu xác định theo nhóm như trên sẽ có một số bất cập. Chẳng hạn, trường tốp trên đương nhiên sẽ không quan tâm đến điểm sàn vì họ lấy trên cao xuống cũng quá dư nguồn tuyển. Trường tốp dưới mong điểm sàn thấp hơn nhưng hạ nữa thì chất lượng sẽ đi về đâu? Các trường không nên chăm chú đủ người học mà cần quan tâm đến uy tín, chất lượng mới lôi kéo được thí sinh. Ông Bao cho rằng, mức điểm sàn như hiện nay không quá cao, Bộ GD&ĐT nên giữ ổn định như hiện nay. Nếu hạ thấp hơn nữa để một số trường tốp dưới tuyển đủ, e rằng không thể đào tạo nổi và chuẩn đầu ra không đảm bảo.

Bất cập không phải nằm ở điểm sàn đại học

Bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen khẳng định, bao giờ còn duy trì một kì thi, một kiểu thi cho tất cả các loại trường, các ngành học khác nhau thì bất cập nằm ở chỗ cứng nhắc đó chứ không phải do điểm sàn. Nên theo bà Phượng, sửa điểm sàn cũng không có thay đổi căn bản trong tuyển sinh. Bà Phượng phân tích, hiện nay, điều người ta thấy không yên tâm nhất trong tuyển sinh là sự thiếu đồng nhất. Sau phổ thông, người học cần nhiều con đường để đi. Nếu vậy, cần có nhiều thứ để học.

Chính vì hiện nay, người học chưa có nhiều sự lựa chọn và sẽ thấy thiệt thòi khi chọn trường nghề thay cho việc vào ĐH một cách cổ điển nên thiếu sự đa dạng sau chương trình phổ thông. Chúng ta cứ loay hoay cải tiến điểm sàn, thời gian nộp hồ sơ… trong khi, Bộ GD&ĐT vẫn đang giữ một kì thi duy nhất thì rất khó có thay đổi căn bản.

Theo bà Phượng, kì thi cần ổn định về các giải pháp kĩ thuật.

Hoặc có thay đổi, nên cân nhắc kĩ trước kì thi. Bộ GD&ĐT cứ thay đổi các giải pháp kĩ thuật thường xuyên như hiện nay, dễ dẫn đến nhưng hy vọng “ảo” để rồi thất vọng. Chẳng hạn, vừa qua, Bộ GD&ĐT cho phép các trường tự do xác định thời gian nhận hồ sơ. Giữa chừng, Bộ can thiệp ngược lại, yêu cầu các trường không được vượt quá ngày nọ, ngày kia… khiến các trường bị “sốc” tâm lý. Chính những thay đổi kĩ thuật nhỏ lẻ này không mang đến sự thay đổi căn bản trong tuyển sinh mà khiến các trường bị động.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, việc xác định điểm sàn lâu nay dựa trên số lượng thí sinh dự thi ÐH, tính toán cân đối một lượng dôi dư nhất định thí sinh đạt điểm sàn trở lên so với chỉ tiêu để giúp các trường tuyển đủ. Tuy nhiên, thực tế cách tính này không phù hợp khi số thí sinh trên điểm sàn dư mà các trường vẫn tuyển không đủ chỉ tiêu. Vì vậy, Bộ GD&ĐT đang tính đến phương án thay đổi cách xác định điểm sàn theo phổ điểm từng môn thi, trên cơ sở điểm thi trung bình thí sinh đạt được. Với cách tính điểm sàn này, điểm sàn có thể sẽ thấp hơn bình thường khoảng 1 điểm nhưng sẽ phù hợp với thực tế. Chẳng hạn, thay vì điểm sàn khối A năm 2012 là 13 điểm, khối B là 14 điểm thì cách tính điểm sàn dựa theo phổ điểm, mỗi khối sẽ có điểm sàn thấp hơn từ 0,5-1 điểm.