Nhận định này gây ngạc nhiên vì 2 lẽ: Hội đồng trường là một tổ chức liên quan đến nhiều bên, trong đó có một đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp và tác động không nhỏ đến sự phát triển của một trường ĐH là SV. Thậm chí có thể nói đây là lực lượng quan trọng nhất trong trường ĐH, vì nếu không có SV thì không thể diễn ra hoạt động đào tạo, nghiên cứu… Hơn nữa, ở lứa tuổi SV, không ai có thể nói họ chưa đủ chín chắn để tham gia đóng góp, xây dựng vào một tổ chức nào đó. Vì thế, đối với nhiều nước, lẽ đương nhiên SV là một lực lượng trong tổ chức hội đồng trường. Làm việc trong môi trường tiếp xúc với SV hằng ngày, chẳng lẽ giảng viên này không thấy rằng người trẻ ngày nay đã rất khác thế hệ trước, họ thừa sức làm nhiều việc mà “người lớn” không dám hoặc không làm được.
Trong khi hiện nay trên thế giới có nhiều lãnh đạo quốc gia, công ty lớn hoặc tỉ phú ở độ tuổi 30 mà chúng ta vẫn còn suy nghĩ SV chưa đủ chín chắn. Chính suy nghĩ này khiến sự sáng tạo, đột phá ít có cơ hội phát triển.
Và chính suy nghĩ này mà khi đưa ra một chính sách hay quyết định nào đó trong giáo dục, các cơ quan chức năng thường bỏ qua khâu tìm hiểu quan điểm, lấy ý kiến của SV, học sinh. Nói cho đúng, lẽ ra đây là lực lượng đáng được lắng nghe trong bất kỳ thay đổi nào của giáo dục.
Xem SV, học sinh như trẻ con hiện vẫn là lối suy nghĩ phổ biến của nhiều người, thể hiện qua nhiều việc cụ thể từ chuyện ra đề thi có vượt quá khả năng của học sinh hay không đến chuyện giữ hay bỏ một tác phẩm văn học nào đó ra khỏi chương trình giáo dục. Trong cuộc tranh luận này, đối tượng mọi người quan tâm chính là người học, nhưng một điều mà không ai lưu ý là những người tranh luận đã quên lúc ở độ tuổi này họ như thế nào. Khi ấy chắc hẳn họ cũng từng mong muốn được mọi người thừa nhận đã trưởng thành với những suy nghĩ độc lập.
Người lớn cần xem trọng người trẻ chứ đừng đánh giá thấp họ.
Theo Thanh niên