Có nên chọn ngành kinh tế?

Em được biết khối A1 mới mở và đang rất được ưa chuộng vì liên quan trực tiếp đến khối ngành kinh tế, ngoại thương và lượng học sinh chuyển qua thi khối này rất cao. Em có nên thi khối A1 để vào một ngành kinh tế không?Trần Dương Bách ([email protected])

- TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác Sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM, trả lời: Khối thi A1 (toán-lý-Anh văn) mới được bổ sung trong kỳ thi năm 2012 cho nhiều ngành, kể cả kỹ thuật, nhằm giúp thí sinh có sự lựa chọn ngành học phù hợp sở thích và sức của mình và cũng phù hợp với yêu cầu của ngành học và việc làm trong tương lai.

Chính vì vậy, mặc dù là khối thi mới nhưng cũng thu hút nhiều thí sinh dự thi (85.445 hồ sơ, chiếm 4,7% so với tổng số hồ sơ đăng ký dự thi), nhiều trong số đó là các em dự thi đợt 2, khối D1. Như vậy, có thể thấy khối thi A1 đã mở ra nhiều cơ hội chọn ngành nghề cho những em giỏi tiếng Anh.

* Em rất thích những ngành liên quan đến tài chính. Em cũng muốn dự thi vào một trong các ngành có liên quan đến lĩnh vực này ở Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM nhưng nghe nói ngành này đã bão hòa, ra trường rất khó kiếm việc? (Nguyên An, quận 3 - TPHCM)

- TS Lưu Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM, trả lời: Ngành tài chính - ngân hàng tại Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM tuyển sinh khối A, A1, D1 gồm 4 chuyên ngành: Tài chính doanh nghiệp, tài chính - ngân hàng, tài chính thuế, tài chính bảo hiểm... Theo đó, nhà trường xác định chỉ tiêu tương đương năm 2012. Em nên yên tâm về cơ hội việc làm của mình sau này nếu cố gắng trong học tập, rèn luyện, phấn đấu ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường. Không nên quá lo lắng một khi em đã đam mê ngành này.

* Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM (UEF) đào tạo các ngành kinh tế tài chính mà năm nay Bộ GD-ĐT đã cắt giảm chỉ tiêu ở những ngành này vì nhu cầu việc làm không còn. Vậy Ban Tư vấn cho em hỏi em có nên chọn ngành kinh tế nữa hay không? Nếu em học UEF thì cơ hội việc làm thế nào?

- TS Dương Tấn Diệp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM, trả lời: Bộ GD-ĐT không có chủ trương cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh ở khối ngành kinh tế, chỉ không cho các trường mở thêm những ngành này (nếu trước đây chưa từng đào tạo). Nói nhu cầu việc làm ở những ngành này không còn là không hoàn toàn đúng. Thực ra, các công ty, ngân hàng và những định chế tài chính khác vẫn cần nguồn nhân lực có năng lực thực sự. Vấn đề tùy thuộc vào chất lượng đào tạo và kết quả học tập, rèn luyện của bản thân người học.

 

UEF đào tạo theo mô hình chất lượng cao, sinh viên ra trường đạt chuẩn tư duy, kiến thức, kỹ năng và thái độ đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp. Mặt khác, sinh viên tốt nghiệp UEF được giới thiệu việc làm ở những doanh nghiệp có uy tín, kể cả các doanh nghiệp lớn như Big Four. Nhiều sinh viên được nhận vào làm việc ngay trong giai đoạn thực tập.

Theo Người Lao Động