“Việc các thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia 2015 chỉ với mục đích tốt nghiệp có thể sử dụng các chứng chỉ quốc tế có uy tín để được miễn thi môn ngoại ngữ và sẽ được điểm tối đa là hoàn toàn bất hợp lý và không công bằng cho các bạn khác. Thang điểm 20 cũng không hợp lý, có thể gây áp lực cho tụi em khi chưa kịp thích nghi với những yêu cầu mới”.
Đó là ý kiến của em Lê Đăng Phương Thảo, lớp 12B4 trường THPT Thành Nhân (quận Tân Phú, TPHCM) khi được nhà trường khảo sát ý kiến học sinh khối 12 về Dự thảo Quy chế kỳ thi quốc gia 2015 vừa được Bộ GD&ĐT công bố.
Bất hợp lý, thiếu công bằng
Về việc miễn thi và cho điểm tối đa với học sinh có các chứng chỉ quốc tế, Nguyễn Thái Thảo Ly, lớp 12A3 cho biết, đâu phải bạn nào cũng có điều kiện học môn ngoại ngữ, những bạn ở các tỉnh lân cận cũng vậy. Điều kiện học ngoại ngữ không có nhiều nên các chứng chỉ ngoại ngữ dùng để thay thế môn Anh văn là bất hợp lý.
Cùng quan điểm, Nguyễn Thanh Sang, lớp 12B1 cho rằng có chứng chỉ hay không thì vẫn phải thi với mọi người, thậm chí người có chứng chỉ đi thi chưa chắc gì đã đạt điểm tối đa. “Nếu miễn thi thì sẽ không công bằng cho những người không có điều kiện học các chứng chỉ và những người ở vùng sâu, vùng xa", Sang nói. Còn bạn Nguyễn Hoàng Phúc cho rằng, hiện có xu hướng kinh doanh các chứng chỉ ngoại ngữ. Việc vượt qua 5.0 IELTS là bình thường. Hay bạn Trần Công Tráng đặt vấn đề có tình trạng gian lận, mua các chứng chỉ để đạt điểm 10. “Thật bất hợp lý, nếu bỏ tiền ra mua một cái chứng chỉ ngoại ngữ để đạt điểm tối đa thì chẳng khác gì mua điểm”, Tráng nói… Về thang điểm 20, Phan Phương Vy, lớp 12A2 cho rằng, không cần thiết thay đổi vì thực chất cũng chỉ là thang điểm 10 nhân đôi. Khi chấm điểm có phần khó hơn với các môn tự luận, điều này làm học sinh phân tâm, lo lắng. Bạn Đoàn Thị Thanh Thảo, lớp 12A3 cho rằng, thang điểm 20 học sinh chưa được tiếp xúc nhiều. “Các kỳ thi, kiểm tra trước đây chúng em toàn làm thang điểm 10. Vì vậy, không có kinh nghiệm và sự hiểu biết về các môn thi thang điểm 20 sẽ khiến chúng em bối rối, nên cần có nhiều bài kiểm tra để chúng em làm quen”, Thảo nói.
Hay nhưng vẫn còn băn khoăn
Về thang điểm 20, ông Nguyễn Đình Độ, Phó hiệu trưởng trường THPT Thành Nhân cho rằng, thang điểm có lợi cho học sinh, đặc biệt là học sinh trung bình bởi nó cụ thể hóa, chi tiết hóa từng ý nhỏ khi chấm.
“Với thang điểm này, khi dạy, thầy cô sẽ phải yêu cầu học sinh không được làm tắt, viết tắt hoặc bỏ qua các bước tính toán, nhất là các em học sinh giỏi vì rất dễ mất điểm với thang điểm này”, ông Độ nói.
Về phần xét điểm học bạ lớp 12 để tốt nghiệp, ông Độ cho rằng, hợp lý vì đánh giá được năng lực cả quá trình học của học sinh. “Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng chấm điểm giống nhau, có địa phương cho điểm dễ, có địa phương cho điểm khó, gây thiệt thòi cho thí sinh. Thậm chí, có nơi sẽ nhẹ tay khi chấm điểm học sinh trong quá trình học. Điểm học bạ chỉ nên là cơ sở, là cái chuẩn đủ điều kiện để thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển thôi”, ông Độ băn khoăn. >>Lấy điểm trung bình lớp 12 để xét tốt nghiệp: Coi chừng "chạy" điểm tràn lan
TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, trường đại học Nông Lâm TPHCM cho rằng, tăng số lượng cụm thi giúp thí sinh và phụ huynh ít phải di chuyển hơn. Điều chỉnh thời gian từ 9 đến 12/6 sang 1 đến 4/7 là hợp lý vì không ảnh hưởng đến kế hoạch học tập, thi cử của các trường ĐH- CĐ, THPT. Chuyển thang điểm 10 sang 20 là để phân hóa tốt hơn và chấm điểm chi tiết hơn.
Tuy nhiên, TS Lý băn khoăn, nhiều đề án của một số trường có một số môn tích hợp thành các khối thi không theo khối thi truyền thống sẽ phải thay đổi. Vì theo dự thảo điều này phải công bố trước (từ 2015 đến 2017 không thay đổi). “Nếu dự thảo quy chế ra sớm, các trường sẽ không phải bổ sung khối thi “mới” này, và không phải băn khoăn. Lo lắng ảo khi có đến 16 nguyện vọng. Nếu có sự sắp xếp và xử lý tốt theo thứ tự ưu tiên 4 giấy chứng nhận thì các trường sẽ yên tâm việc giảm ảo”, TS Lý nói.
Nguồn tin: Tiền phong, http://www.tienphong.vn/giao-duc/co-chung-chi-quoc-te-mien-thi-la-khong-cong-bang-803303.tpo