Tốt nghiệp ngành Kế toán – Hệ cao đẳng HV Ngân Hàng đã 4 năm, sắp có trong tay tấm bằng thứ 2 của trường ĐH Ngoại Thương, từng bươn trải với đủ nghề nghiệp nhưng chị Trần Thị Thương Thu (27 tuổi) vẫn đang “vật vã” trong những tháng ngày đầy khó nhọc vì thất nghiệp.

Gập ghềnh tìm việc làm

Dáng người nhỏ nhắn như một học sinh trung học, nhưng thực ra, Thu gần như là trụ cột trong gia đình. Cô vừa học, vừa làm phụ giúp mẹ ở quê và nuôi 2 em nhỏ đứa vào cấp 3, đứa học đại học. Gia đình thuần nông, xác định mưu sinh ở đất Hà Thành, Thu luôn cố gắng hết sức vừa làm, vừa học. Vậy mà con đường lập thân, lập nghiệp của cô quá đỗi gập ghềnh.

Tốt nghiệp hệ cao đẳng ĐH Ngân Hàng, chuyên ngành Kế toán, nhờ chủ động đăng tin tìm việc lên website nên Thu tìm được việc làm ngay khi mới ra trường.

“Công việc đầu tiên của tôi là làm Kế toán kho. Sau đó, nhờ chị gái giới thiệu, tôi chuyển vào một công ty khác, vừa học vừa làm Kế toán thuế” – Thu chia sẻ.

Công việc này mang cho Thu thu nhập khoảng 3 triệu đồng. Những năm 2008 – 2009, cô vẫn thu vén đủ để lo cho mẹ và các em. Nhưng cũng chỉ được 2 năm thì công ty nơi chị làm việc phải thu hẹp quy mô do kinh tế sa sút, Thu mất việc.

Thật may mắn, đúng vào lúc Thu mỏi mắt tìm việc thì một người bạn giới thiệu cô vào làm Trợ lý dự án cho một công ty xây dựng của nước ngoài. Công việc hoàn toàn mới mẻ, đòi hỏi tiếng Anh và một khả năng chịu áp lực cực cao. Thu đã bắt nhịp và làm rất tốt.

“Một mình lo một mảng, hầu như tôi “chạy” việc suốt ngày, xoay như chong chóng từ sáng đến 7- 8 giờ tối. Bù lại, tôi được trải nghiệm nhiều, học hỏi được nhiều và làm việc mê say với mức thu nhập tốt 5-6 triệu đồng/ tháng” – Thu nhớ lại.

Vậy mà, bất chấp những nỗ lực đó, một lần nữa, tháng 12/2012, Thu lại bị sa thải với lý do thay đổi dự án và không cần đến vị trí của Thu nữa, công việc mà Thu làm sẽ được chuyển cho các Giám sát chịu trách nhiệm, cô mất việc một lần nữa.

Đến nay, đã nửa năm trôi qua nhưng cô gái trẻ vẫn chưa thể tìm được một công việc mới.

Hai bằng đại học – ngậm ngùi sống nhờ bạn

Căn phòng trọ nhỏ xíu, nằm chơi vơi trên tầng 3 một khu nhà trọ ở gần Sân Vận động Quốc gia – đó là nơi ở của Thu suốt từ thời còn là một sinh viên. Mùa hè, phòng nóng hầm hập và chật chội nhưng cô vẫn chưa có điều kiện chuyển đi. Thu kể, vì bố mẹ yếu, đồng ruộng chẳng có là bao nên 4 chị em trong nhà từ nhỏ đã tự giác học hành, tin rằng đó là con đường duy nhất để thoát nghèo. Lớn lên, mấy chị em tự bảo ban, vừa học vừa làm nuôi nhau, đỡ bố mẹ. Học đến lớp 12, bố mất, chị gái lớn đi lấy chồng, Thu trở thành trụ cột trong gia đình.Sau khi bước chân ra Hà Nội học, thời gian đầu khi chị gái chưa đi lấy chồng, chị gái Thu vẫn là trụ cột vững chắc cho gia đình, sau khi chị đi lấy chồng, em trai lên cấp 3, em gái học đại học, Thu bắt đầu phải lo lắng đến những điều nhỏ nhất của gia đình, từ việc nuôi em gái học đại học đến tiền học của em trai học cấp 3.

Tốt nghiệp hệ cao đẳng Học viện Ngân Hàng, Thu đi làm, rồi tiếp tục thi tại chức Đại học Ngoại thương vì nghĩ rằng ngành học của trường Ngoại thương sẽ hỗ trợ tốt nhất cho công việc của cô sau này. Vậy mà nay, chuẩn bị thi tốt nghiệp, lấy tấm bằng thứ 2 thì lại quay trở về điểm khởi đầu: Đi xin việc.

Cô chia sẻ, đã mấy tháng rồi mình phải sống dè sẻn bằng khoản tiết kiệm ít ỏi mình dành dụm được và sống nhờ rất nhiều vào một người bạn của mình.

“Từ ngày ra trường mình hầu như không mua sắm bất cứ thứ gì cho bản thân, kể cả quần áo, dày dép. Có thu nhập đều đặn đã phải chi tiêu eo hẹp hết sức, nay còn thất nghiệp kéo dài, chẳng biết tính sao đây… Bạn giúp nhiều để mình vượt qua những ngày tháng khó khăn, nhưng mình cũng biết, không thể nhờ bạn mãi được” – Thu não nuột tâm sự.

Một điều khiến Thu đau đầu là do hạn chế về chiều cao, hình thể nên cô rất khó tìm những công việc lao động tạm thời như tạp vụ, bán hàng… Cách duy nhất là học và tự học, làm đẹp hồ sơ với trình độ tiếng Anh, kinh nghiệm làm việc để thuyết phục nhà tuyển dụng.

Buồn, lo là vậy, nhưng Thu vẫn gắng lạc quan. Cô cho biết, mình đang tự vạch ra nhiều kế hoạch kiếm tiền nho nhỏ như mở lớp gia sư tiếng Anh học phí rẻ, nhận thiết kế web giá “mềm”… với suy nghĩ đơn giản: “Dù có lúc mệt mỏi, bế tắc nhưng nhìn vào mẹ, vào các em, nhìn vào tình hình khó khăn chung lại tự động viên mình. Phải tự mình vực mình lên, thế thôi”.

 

Tin cần biết:

Sinh viên tốt nghiệp chật vật tìm việc làm

Website giúp sinh viên tìm chỗ thực tập

 

Theo: vietnamnet

Kenhtuyensinh

Theo: veitnamnet