Tiến sĩ toán học Nguyễn Ngọc Chu - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Đông Á vừa có bài viết gửi Báo NTNN bàn về việc thi cử và tổ chức thi cử ở Việt Nam.

Ông cho rằng cách học, cách thi hiện nay thể hiện những thể thức lỗi thời của nền giáo dục nước nhà...

Năm 2013 vẫn thi tuyển như năm 1970

Hiện nay, chúng ta vẫn giữ nguyên cách thi vào đại học của những năm 70 thế kỷ trước. Đó là cách thức kiểm tra kiến thức phiến diện, nặng về hàn lâm của thời kỳ thiếu thông tin và kém công nghệ. Cách thi cử này hoàn toàn không phản ánh đúng khả năng của học sinh với mục đích đào tạo nghề nghiệp cho tương lai.

Nếu bây giờ chúng ta nghe nói một sinh viên đại học không biết được rằng “tổng các góc trong một tam giác bằng 180 độ” thì nhiều người sẽ cười chê, thậm chí còn đặt câu hỏi về chất lượng giáo dục phổ thông. Nhưng hãy thử hỏi cái kiến thức “tổng các góc trong một tam giác bằng 180 độ” đó giúp ích gì được trong suốt cuộc đời bạn? Và nữa, đến bây giờ chúng ta vẫn dạy cho học sinh cách dựng hình bằng thước và compa khi mà học sinh Mỹ đang tìm cách bắn tên lửa lên cao nhất!

Chúng ta ra đề thi đại học, bắt học sinh phải nhớ và vận dụng các công thức lượng giác ngoằn ngoèo mà cả đời họ không cần đến, và nếu cần thì máy tính bảng sẽ hiển thị ngay trước mắt họ!

Bởi vậy, các nước tiên tiến không thi tuyển như ta mà xét tuyển vào đại học. Học sinh phổ thông Mỹ và Úc nếu thi đại học khối A (toán, lý, hóa) của ta thì trượt quá nửa, nhưng đừng vội kết luận rằng học sinh họ dốt. Đơn giản là họ học và không thi giống ta.

Cách xét tuyển của họ đánh giá sát khả năng và thiên hướng cũng như nguyện vọng đam mê của học sinh hơn cách thi cử của ta nhiều lắm. Các đại học hàng đầu như Harvard, Princeton, MIT, Stanford chỉ xét tuyển mà chọn được học sinh rất giỏi đâu cần phải ra các đề thi thật khó.

Cái điểm sàn xét tuyển đại học của nước ta mà những người phải quyết định đang đau đầu là cắt ở bao nhiêu điểm, còn công chúng lại lo sợ rằng nếu hạ thấp sẽ làm giảm chất lượng giáo dục, thì thực ra cái điểm sàn ấy chỉ cần cho một nhóm nhỏ các học sinh theo con đường hàn lâm. Cái điểm thi đó không phản ánh đúng khả năng của số đông theo con đường tác nghiệp.

Các trường tư thục của Mỹ khi xét tuyển, họ chú trọng vào tìm hiểu năng lực thực sự của học sinh, những mặt mạnh có thể phát huy và ước vọng của chính học sinh. Biết được các yếu tố này để hướng nghiệp, mở rộng khả năng phát huy sáng tạo trong quá trình giáo dục. Bởi vậy, những cử nhân sáng chế của họ thực sự là những người sáng chế, còn những cử nhân tác nghiệp thì đích thực là những người tác nghiệp.

Mô hình đào tạo bất cập

Các mô hình đạo tạo nghề, đào tạo trung cấp, đào tạo cao đẳng hiện nay đều xuất phát từ thập niên 60 của thế kỷ trước, nhưng đến nay vẫn không hề thay đổi. Điều đó giải thích tại sao các trường thuộc diện này rất khó tuyển sinh. Việc kéo dài thời gian đào tạo, học nhiều điều thừa, không học đủ những điều thiết thực cho việc làm, lại nhận được những bằng bị xem là “thấp cấp”, là nguyên nhân ngoảnh mặt của học sinh với các mô hình đào tạo này. Cần sáng suốt và dũng cảm để thực hiện một bước cải cách đột phá cho các mô hình đào tạo.

Như đã đề cập ở trên, học sinh, sinh viên hiện nay nhờ tiến bộ công nghệ mà có một lượng kiến thức nhiều hơn học sinh, sinh viên cùng lứa tuổi trước đây. Phương thức tiếp thu kiến thức “giao diện – chạm” là một ưu thế vượt trội trong học tập, làm việc và nghiên cứu. Thiết bị công nghệ đa phương tiện cho phép con người cùng một lúc có thể xử lý nhiều công việc khác nhau. Vì thế nhịp sống và cường độ làm việc của giai đoạn hiện nay lớn hơn trước đây rất nhiều.

Mặt khác, tính thực tiễn, tính hiệu quả là xu thế áp đảo trong xã hội hiện đại. Mọi hình thức giáo dục đào tạo đều phải song hành cùng thực tiễn. Càng nhiều thực tiễn hiệu quả càng cao. Bởi vậy đào tạo đại học của các nước tiên tiến đều có xu thế tăng tính thực tiễn của chương trình và cắt giảm thời gian đào tạo. Ở Anh đào tạo đại học hiện chỉ còn 3 năm. Nếu so sánh sau cùng 4 năm thời gian, cử nhân của nước Anh đã làm việc được 1 năm và cử nhân của nước ta vừa tốt nghiệp đại học thì sẽ thấy được sự thua thiệt về trình độ chuyên môn.

 

Xem thêm bài:
Giáo dục Việt Nam đang bị lạc hậu và bế tắc

 

Xem tin gốc tại: Dân Việt

Kenhtuyensinh

Theo: Dân Việt