Khó tinh giản biên chế vì cán bộ nào cũng thạc sĩ, tiến sĩ!
P.T là giáo viên giỏi của một trường THPT ở Hà Nội, mặc dù rất bận rộn dạy trong dạy ngoài nhưng cũng cố gắng sắp xếp thời gian để có thể vừa làm vừa đi học lấy bằng thạc sĩ. P.T giải thích: “Gần như cả trường tôi ai cũng có bằng thạc sĩ nên tôi thấy mình không thể không có. Tôi lại là người vẫn thường được sở GD-ĐT huy động đi thanh tra, kiểm tra chuyên môn. Mà nếu mình chỉ là giáo viên quèn, đi thanh tra kiểm tra toàn thạc sĩ cũng thấy ngượng nên đi học”, P.T giải thích.
Một cán bộ quản lý cấp sở khác của Hà Nội cũng hồ hởi khoe anh vừa nhận bằng tiến sĩ. Vị cán bộ này phân trần: “Công việc của mình không cần cái bằng tiến sĩ, nhưng thành ủy có chương trình rồi thì cán bộ phải chấp hành”.
Chương trình mà vị cán bộ trên nhắc đến được Thành ủy Hà Nội ban hành ngày 18.8.2011 mà nội dung quan trọng của nó là nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chất lượng đảng viên và năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền, trong đó đặt ra một số mục tiêu cụ thể về trình độ đào tạo của cán bộ.
Theo báo cáo của Thành ủy Hà Nội về việc thực hiện chương trình này, đến năm 2015 số công chức khối sở, ngành, huyện, quận có trình độ tiến sĩ là 60, thạc sĩ là 980 người; số công chức cấp xã trình độ thạc sĩ là 66 người, ĐH là 3.990 người. Cũng trong báo cáo này, Thành ủy Hà Nội tiếp tục đặt chỉ tiêu cho giai đoạn 2016 - 2020 là 40% cán bộ diện ban thường vụ Thành ủy quản lý có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.
Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội, từng than phiền tại một hội nghị rằng do Hà Nội đã chuẩn hóa cán bộ, kể cả cán bộ phường cũng có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ nên rất khó tinh giản biên chế!
Một chuyên gia làm công tác cán bộ nhiều năm cho biết đối với công chức, hiện nay quy định tuyển dụng được thực hiện theo Nghị định 24/2010/NĐ-CP. Theo đó, những người tốt nghiệp thủ khoa, hoặc tốt nghiệp ĐH và sau ĐH loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài sẽ được áp dụng chính sách tuyển dụng đặc biệt. Bên cạnh đó, chế độ lương trong thời gian tập sự cũng có những ưu đãi lớn người có bằng cấp cao hơn. Còn đối với viên chức, chính sách ưu tiên cho những người có bằng cấp cao càng thể hiện rõ hơn. Cụ thể, tại điều 14, Nghị định 29/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng quản lý viên chức nêu rõ: Những người tốt nghiệp ĐH loại giỏi, tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước có chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng sẽ được xét tuyển đặc cách.
Xu hướng không cần bằng cấp
Ngược lại với khối hành chính công và đơn vị sự nghiệp, trong khối doanh nghiệp hiện nay đã bắt đầu xuất hiện xu hướng tuyển dụng không cần bằng cấp hoặc bằng cấp không là tiêu chí tiên quyết.
Theo ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT ĐH FPT, trên thế giới, nhiều doanh nghiệp khi tuyển dụng không nói tới việc phải có bằng ĐH, trong đó Google đi theo cách này từ rất lâu. Tiên phong cho xu hướng này là các doanh nghiệp công nghệ thông tin, lĩnh vực có những doanh nghiệp mà ngay cả người sáng lập cũng không có bằng ĐH.
ại VN, gần đây có một thông báo tuyển dụng của Viettel trong đó hồ sơ của ứng viên không liệt kê bằng ĐH. Chia sẻ với PV, bà Vũ Thị Mai, Phó ban Tổ chức nhân lực Tập đoàn Viettel, xác nhận: “Khi tuyển dụng nhân sự, chúng tôi quan tâm nhiều nhất là năng lực của ứng viên. Năng lực đó được thể hiện qua 2 nhóm tín hiệu. Thứ nhất là thông qua hồ sơ của ứng viên (bằng ĐH, hồ sơ xin việc, thư giới thiệu…). Thứ hai là thể hiện thông qua các bài kiểm tra”. Bà Mai cũng cho biết ở Viettel đã có nhiều trường hợp các ứng viên không đáp ứng được tiêu chí đầu (như bằng ĐH) nhưng lại thể hiện sự phù hợp cao thông qua các bài kiểm tra năng lực, do đó họ vẫn được lựa chọn để ký hợp đồng.
Bà Mai nói thêm: “Bằng chứng là những người không có bằng cấp vẫn đang làm rất tốt các công việc ở tập đoàn”.
Công ty Cốc Cốc cũng không khắt khe về chuyện bằng cấp với các ứng viên khi tuyển dụng. Bà Đỗ Thu Hương, Giám đốc nhân sự của đơn vị này, cho biết việc lựa chọn nhân sự được kết hợp giữa tiêu chí học vấn và kinh nghiệm. Bên cạnh những người đã tốt nghiệp ĐH, công ty này cũng có chính sách tuyển dụng toàn thời gian với các sinh viên và cả những người chưa có bằng ĐH.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính yêu cầu ứng viên phải có bằng ĐH nhưng đó chỉ là yêu cầu tối thiểu để lọc hồ sơ. Còn khi đã bắt đầu hành trình tuyển dụng, năng lực của ứng viên mới là quan trọng.
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC VN, nói: “Chúng tôi không trả lương theo bằng cấp. Khi được tuyển dụng, người lao động sẽ được hưởng lương theo vị trí công việc và năng lực của mình. Việc thăng tiến của họ hoàn toàn dựa vào năng lực chuyên môn hay năng lực quản lý và điều đó thể hiện qua hiệu quả công việc, chứ không phải do trong hồ sơ có bằng nọ bằng kia”. Bà Vân cũng cho biết thêm, khi lọc hồ sơ ứng viên, công ty không phân biệt bằng của trường nào, trong nước hay nước ngoài, trường nổi tiếng hay trường vô danh cấp. Với những người có bằng do trường nước ngoài cấp, công ty cũng không yêu cầu họ phải công nhận văn bằng.
“Vào công ty có làm được việc hay không mới là quan trọng. Vào mà không làm được thì dù có bằng Harvard đi nữa chúng tôi cũng không ký tiếp hợp đồng”, bà Vân chia sẻ.
Ý kiến Ngộ nhận bằng cấp có liên quan đến năng lực Nhiều người tin rằng người có bằng cấp cao sẽ là những ứng viên tốt nhất cho một công việc nào đó chỉ vì họ có bằng cấp. Thực ra điều này không đúng vì nhà tuyển dụng không cần bằng cấp mà là kinh nghiệm làm việc thực sự. Ngay cả nếu như ứng viên có đủ loại bằng cấp thì điều đó cũng không có nghĩa họ sẽ có những kỹ năng hoặc kinh nghiệm phù hợp cho công việc của họ. Tác hại tiếp theo của việc xem trọng bằng cấp là tạo ra sự ngộ nhận rằng bằng cấp có liên quan đến năng lực và tạo ra một ảnh hưởng tiêu cực đến toàn xã hội, khi các nhà tuyển dụng luôn đòi hỏi các ứng viên phải có các bằng cấp kèm theo, dù những tấm bằng đó không thực sự cần thiết cho công việc. Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh (Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ VN) Nghĩ bằng cấp cao là oai Người ta vẫn thường nghĩ cử nhân ĐH oai hơn tốt nghiệp CĐ, trung cấp; thạc sĩ oai hơn cử nhân; tiến sĩ lại oai hơn thạc sĩ… Vì thế, lúc nào cũng muốn có được thứ giúp mình “oai” mà không nghĩ rằng việc học cao lên trước hết là để phát triển công việc, mở mang tư duy chứ không phải thể hiện mình học cao hơn người khác. Có những người không cần sở hữu bằng cấp, năng lực của họ vẫn nổi trội và vẫn được người khác nể phục. Ông Nguyễn Thành Hiệp (nguyên Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) Trường CĐ, TC không tuyển sinh được do tâm lý chuộng bằng Do tâm lý chuộng bằng cấp của người Việt nên bậc CĐ, TC khó tuyển dẫn đến phân luồng không được. Theo số liệu từ Bộ LĐ-TB-XH, sau 5 năm thực hiện chiến lược đào tạo nghề, tỷ lệ tuyển sinh vào bậc TC nghề và CĐ nghề mới chỉ đạt 53,4%, tính đến năm 2015. Trong khi đó, theo đánh giá của Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB-XH), tỷ lệ học viên có việc làm các hệ TC, CĐ nghề luôn đạt 75%, có ngành đạt 90%. Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa (Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) Gây gian dối trong tuyển sinh, đào tạo, bổ nhiệm… Tâm lý chuộng bằng cấp đã làm tha hóa cả một số trí thức là người hướng dẫn và những người cầm cân nảy mực trong việc đo lường đánh giá giá trị học vấn của người học. Thị trường thiếu lượng hóa năng lực của người lao động để tuyển dụng và cơ quan sẵn tâm lý sính bằng cấp sẽ là những tác nhân gây gian dối trong tuyển sinh, đào tạo, đánh giá và bổ nhiệm. Việc tuyển dụng, bổ nhiệm trong các cơ quan hành chính dù không nói ra về tiêu chuẩn bằng cấp nhưng đều ngầm hiểu là nếu có tiến sĩ hay thạc sĩ, sẽ dễ lọt vào mắt lãnh đạo hơn và có nhiều lợi thế hơn. Vô hình trung đẩy công chức vào cuộc chạy đua bằng cấp chưa biết khi nào dừng lại. Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh (nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT) |
Theo Thanh niên