Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Từ năm 2000 đến nay, chương trình học bổng Phát triển nguồn nhân lực Nhật Bản (JDS) - của Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam thông qua viện trợ ODA không hoàn lại - đã cấp học bổng thạc sĩ cho 424 sinh viên Việt Nam theo học tại Nhật Bản.
Những học viên này sau khi tốt nghiệp về nước đã có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như quan hệ hai nước. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Trưởng đại diện JICE tại Việt Nam, ông Kojiro Yoshioka:
|
- Trước tiên xin ông cho biết điểm khác biệt giữa học bổng JDS với học bổng của các nước khác tại Việt Nam như thế nào ?
- Đây là năm thứ 15 học bổng JDS tuyển sinh tại Việt Nam, với 30 sinh viên cho khóa đào tạo thạc sĩ bằng tiếng Anh 2 năm tại Nhật Bản trong năm học 2015-2016. Chính phủ Nhật Bản tài trợ cho Việt Nam hai học bổng toàn phần, bao gồm MEXT (bậc đại học và sau đại học) và JDS. Trong đó, học bổng JDS được cấp cho Việt Nam qua cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và JICE là đơn vị thực hiện. Điểm khác biệt lớn là học bổng JDS chỉ dành cho cán bộ, công chức đang làm việc tại các cơ quan nhà nước Việt Nam có năng lực để theo học chương trình thạc sĩ. Đây sẽ là những nhà lãnh đạo trẻ của Việt Nam. Vì thế, chương trình trang bị cho họ những kỹ năng phân tích và quản lý hiện đại để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực sau khi tốt nghiệp.
Để hỗ trợ Chính phủ Việt Nam phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, học bổng JDS ưu tiên các ngành học như: Kinh tế, chính sách công, hành chính công, quản trị doanh nghiệp, giao thông vận tải, quy hoạch đô thị, nông nghiệp và phát triển nông thôn… Sinh viên JDS được hưởng chế độ học bổng toàn phần, bao gồm phí nhập học và toàn bộ học phí tại các trường đại học tại Nhật Bản, sinh hoạt phí khoảng 1.500 USD/tháng; được hỗ trợ các chi phí và thủ tục từ khi nộp hồ sơ đến khi nhập học và trong quá trình học tập tại Nhật Bản. Ngoài ra sinh viên còn được hỗ trợ tối đa 5.000 USD/năm để tham gia hội thảo, đi thực tế ở nước khác ngoài Nhật Bản, tiền mua tài liệu học tập… nếu có nhu cầu.
- Ông đánh giá như thế nào về chất lượng sinh viên Việt Nam tham gia học bổng JDS ?
- Học bổng JDS được Chính phủ Nhật Bản cấp cho 13 quốc gia trong khu vực, vì thế quá trình tuyển sinh ở các quốc gia giống nhau. Các sinh viên thi học bổng JDS phải qua 3 vòng, trong đó kiểm tra tiếng Anh và toán là bắt buộc. Qua các mùa tuyển sinh chúng tôi nhận thấy, sinh viên Việt Nam có ưu thế về môn toán và kỹ năng tiếng Anh, đặc biệt là kỹ năng về môn toán. Trong quá trình học, sinh viên Việt Nam rất chăm chỉ, tuân thủ các quy định của nhà trường cũng như các giáo sư… nhưng đôi khi chưa có kinh nghiệm tự lập kế hoạch học tập và nghiên cứu cho bản thân.
Từ năm 2000 đến nay đã có 424 sinh viên Việt Nam được nhận học bổng JDS, trong đó 359 sinh viên hiện đã tốt nghiệp về nước làm việc. Theo kết quả điều tra của JICE, sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp tại Nhật Bản đã cải thiện nhiều nhất ở 5 kỹ năng như: Nghiên cứu khoa học, đàm phán, các kiến thức học thuật, giao tiếp và giải quyết vấn đề. Tất cả các sinh viên JDS sau khi về nước đều đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam nói chung. Một số sinh viên được bổ nhiệm vào các vị trí cao tại các bộ, ban, ngành quan trọng.
- Theo ông, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt với các nhà lãnh đạo trẻ của Việt Nam, có ý nghĩa thế nào khi Cộng đồng ASEAN hình thành vào năm 2015 ?
- Năm 2015 khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được hình thành, Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội việc làm. Thế nhưng, liệu lao động Việt Nam có "thua" trên sân nhà hay không, khi sự cạnh tranh về nguồn lực chất lượng cao giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN là điều nhiều người quan tâm. Trong bối cảnh đó, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua các nhà lãnh đạo trẻ không chỉ giúp Việt Nam hội nhập tốt hơn mà còn tăng khả năng cạnh tranh trong khu vực.
Các sinh viên Việt Nam tham gia học bổng JDS tại Nhật Bản không chỉ có năng lực, đáp ứng được các kỹ năng cần thiết trong hội nhập quốc tế mà còn xây dựng cho mình một mạng lưới hợp tác với sinh viên các quốc gia trong khu vực khi cùng học tập tại Nhật Bản. Ngoài ra, trong quá trình học tập tại Nhật Bản, các sinh viên Việt Nam có cơ hội được tiếp xúc và học tập phong cách và thái độ làm việc trong môi trường học thuật của người Nhật.
- Xin trân trọng cảm ơn ông !
Đình Hiệp, http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/711187/hop-tac-dao-tao-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao