Cuối thế kỷ 19, trường tiểu học được thiết lập tại mỗi lỵ sở địa hạt (sau này là tỉnh). Cuối bậc tiểu học (năm thứ ba), học sinh toàn quản hạt được sát hạch. Học trò trường tư được dự sát hạch với điều kiện ghi tên trước ở nơi dự thi.
Tốt nghiệp tiểu học có thể đi làm công chức
Kỳ sát hạch tiểu học gồm hai phần, viết và vấn đáp. Các đề thi viết đều do Ủy ban thường trực giáo dục công cộng gửi từ Sài Gòn. Mỗi thành viên của Ủy ban này sẽ chủ tọa lần thi vấn đáp ở các trường, hiệu trưởng và giáo viên phối hợp tham gia. Bài làm được đưa về Ủy ban chấm và công bố kết quả, xếp hạng trên Gia Định báo.
Thí sinh đỗ sẽ được cấp chứng chỉ, có thể xin làm công chức cấp dưới trong các cơ quan thuộc quản hạt với mức lương vài trăm Francs mỗi năm. Ai giành thứ hạng cao có thể làm đơn xin vào học trường trung học bản xứ Sài Gòn.
Ngày 9/1/1878, kỳ thi tốt nghiệp theo phương thức mới được áp dụng chung cho học sinh tiểu học khắp xứ Nam Kỳ. Hai trường được đăng cai tổ chức kỳ thi này gồm tiểu học Sài Gòn dành cho thí sinh thuộc hạt miền Đông và tiểu học Vĩnh Long cho thí sinh các hạt thuộc tỉnh Định Tường cũ và ba tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên).
Học sinh tư thục muốn dự thi phải làm đơn gửi viên tham biện địa hạt nơi đặt điểm thi, có xác nhận của tham biện địa phương về trình độ kiến thức. Thí sinh đủ điểm được cấp bằng tốt nghiệp, có thể xin việc làm công chức cấp dưới.
Theo chương trình Pháp - Việt, học sinh tốt nghiệp trung học (cấp hai) được cấp bằng khả năng, có thể xin làm giáo viên với mức lương 600 Francs hoặc thông ngôn, phụ tá thư lại hạng nhất với lương 1.000 Francs mỗi năm. Người điểm cao được xem xét cho sang Pháp học.
Năm 1879, khi thống đốc Nam Kỳ ban hành nghị định cải tổ nền giáo dục Nam Kỳ, Ủy ban giáo dục công cộng sẽ lo ba kỳ thi sát hạch ở từng cấp học. Mỗi kỳ thi vẫn duy trì hai phần, viết và vấn đáp như trước đây.
Nếu ở cấp một, thi vấn đáp sẽ diễn ra trước hội đồng gồm đại diện giám đốc Nha nội chính (chủ tịch) và hai hội viên là những giáo sư thì cấp hai và ba, phần thi này căng thẳng hơn. Ngoài chủ tịch hội đồng là đại diện giám đốc Nha nội chính, các thành viên sẽ là hiệu trưởng và nhiều giáo sư.
Học xong cấp hai, nếu học sinh đạt kết quả trong kỳ thi vào trường cấp ba thì được cấp bằng cơ bản, có thể xin làm công chức bậc dưới trong cơ quan nhà nước với ngạch học sĩ, thông ngôn, thư ký hành chính, giáo viên hạng thấp nhất (ngạch tư học)...
Nếu học tiếp cấp ba và tốt nghiệp, học sinh được cấp bằng cao đẳng (còn gọi là cao học), có thể đi làm thông ngôn, thư ký, học sĩ chính ngạch hoặc giáo viên bản xứ.
Học ở Việt Nam lấy bằng tú tài bản xứ tương đương tú tài Pháp
Khi chương trình học chính Pháp - Việt (1917-1945) được thiết lập, các khoa thi tổ chức bài bản, nghiêm ngặt hơn. Bằng tú tài được nhiều người mơ ước bởi Pháp quan niệm nó vừa là bằng tốt nghiệp chương trình phổ thông, vừa là cấp bậc đại học đầu tiên. Người có bằng tú tài có thể ghi danh theo học lên cao ở các trường cao đẳng, đại học.
Với chương trình Pháp bản xứ, bằng cơ bản (dành cho học sinh trên 16 tuổi học xong trung học) và bằng cao đẳng được coi tương đương với bằng tú tài Pháp. Hồi đó, ở Sài Gòn có Chasseloup Laubat, ở Hà Nội có Albert Sarraut dạy tú tài Pháp, năm 1935 có thêm Lycée Yersin Dalat. Chương trình ở các trường này chủ yếu dành cho học sinh Pháp và một số con nhà giàu người Việt.
Ở chương trình Pháp bản xứ, học sinh học hết lớp đệ nhị niên (tương đương lớp 11 ngày nay) được lấy bằng tú tài phần một. Có bằng này mới được học tiếp lớp đệ nhất niên (lớp 12), rồi kết thúc để thi lấy bằng tú tài toàn phần.
Ban đầu trường Pétrus Ký (Sài Gòn) và trường Bưởi (nay là THPT Chu Văn An, Hà Nội) dạy chương trình tú tài bản xứ. Do nhu cầu của nền hành chính thuộc địa cần những chuyên viên cao cấp từ tú tài trở lên, nhiều tỉnh thành như Hải Phòng, Huế, Quy Nhơn... mở thêm lớp trung học, luyện thi tú tài.
Chương trình học và thi tú tài bản xứ rất khó, ngoài học triết, toán, khoa học giống tú tài Tây còn phải học thêm văn chương, triết học Việt Nam, Đông Dương, Cận Đông, Viễn Đông...
Nhiều học sinh sau khi lấy bằng thành chung (tốt nghiệp cao đẳng tiểu học) thì học thêm một năm nữa là thi đậu tú tài Pháp, đủ để sang Pháp du học mà không cần học hết ba năm trung học bản xứ (tú tài). Từ sự thuận lợi này mà ít năm sau không mấy người theo học đủ chương trình tú tài bản xứ.
Năm 1930, Pháp ban bố sắc lệnh các bằng tú tài bản xứ có giá trị tương đương tú tài chính quốc. Người có bằng tú tài bản xứ được vào các đại học ở Đông Dương, Pháp nhưng phải thông qua thống sứ Bắc Kỳ, khâm sứ Trung Kỳ, thống đốc Nam Kỳ, toàn quyền Đông Dương hoặc Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Paris.
Sau tháng 8/1945, người Pháp quay lại tái chiếm Sài Gòn rồi đánh lan ra khắp Nam Kỳ để lập lại chế độ thuộc địa. Gặp sự phản kháng mạnh mẽ từ người dân, Pháp không thể thiết lập nền cai trị trọn vẹn, trong đó có giáo dục. Khoảng hai năm sau đó, Pháp mới khởi động tổ chức việc học, bằng việc thu nạp học sinh, mở thêm nhiều lớp ở các trường trung học có sẵn để cấp bằng tú tài.
Theo VnExpress.net