So với năm 2016 chỉ có 4 môn thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan thì kỳ thi THPT quốc gia năm nay, 2017, tất cả sẽ thi trắc nghiệm trừ môn Văn.

Thế giới đã làm từ lâu

Trắc nghiệm khách quan không mới trên thế giới bởi nó được Kelly sử dụng lần đầu từ năm 1914 (Bracey, 2001. Thinking about the test). Kể từ đó, trắc nghiệm khách quan được ứng dụng ở rất nhiều nước và tất cả các lĩnh vực từ Toán đến Khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Trong nghiên cứu của mình, Gatfield và Larmar – ĐH Griffith, Australia (2006) cũng chỉ rõ kết quả thi trắc nghiệm khách quan không phụ thuộc vào cách học, tư duy kể cả tư duy toán học và văn hóa của các dân tộc khác nhau, cho nên ý kiến cho rằng trắc nghiệm chỉ phù hợp với văn hóa của các nước phương Tây và không phù hợp với văn hóa Á đông là không đúng.

Một minh chứng rõ ràng là nước Mỹ đã áp dụng thi trắc nghiệm khách quan cho hầu hết các môn học ở bậc THPT cũng như kiểm tra đầu vào cho xét tuyển ĐH trong kỳ thi SAT (Scholastic Aptitude Test) từ năm 1926. Trong các kỳ thi Olympic Toán thế giới từ năm 1973 đến nay đoàn Mỹ rất ít khi rời khỏi top 3 (nên nhớ là Mỹ không có luyện gà để đi thi như một số nước) vì thế không có lý do gì để khẳng định trắc nghiệm khách quan làm giảm tư duy toán học của học sinh.

Chuyển thi trắc nghiệm khách quan cho hầu hết các môn học trong năm 2017 thực chất là một cuộc cách mạng trong đánh giá để thực hiện Nghị quyết 29, phù hợp với xu thế của thời đại ngày nay khi kiểm tra, đánh giá trên máy tính và online dần phổ biến trong kỷ nguyên số. Thi tại nhà (At home examination), thi trên điện thoại thông minh (on smart phone examination) là những khái niệm chưa từng có trước đây nhưng giờ đã bắt đầu phổ biến.

Không mới ở Việt Nam

Ở Việt Nam, trắc nghiệm khách quan cũng không hề mới vì đã được sử dụng từ trước giải phóng ở miền nam, sau đó áp dụng cho kỳ thi 3 chung từ 2006 với các môn Anh, Lý, Hóa, Sinh. Trong 10 năm qua, các em học sinh THPT gần như đã quen thuộc với cách thi này.

Cách đây 10 năm, khi PGS-TS Nguyễn An Ninh (Cục trưởng Cục Khảo thí lúc bấy giờ) lần đầu công bố thi trắc nghiệm cho một số môn thì dư luận xã hội, báo chí cũng xôn xao phản ứng, công kích và sau 10 năm thì ai cũng thấy rõ đó là việc làm đúng và cần làm. Thế mới thấy, công cuộc cải cách và đổi mới giáo dục nước nhà vô cùng gian khó bởi tìm được sự đồng thuận của các bên liên quan cũng khá gian truân.

Thi trắc nghiệm tạo công bằng, chống tiêu cực

Là một người lãnh đạo thi và chấm thi nhiều năm nay, tôi khẳng định, thi trắc nghiệm khách quan sẽ tạo công bằng và chống tiêu cực trong tuyển sinh. Mặc dù Bộ GD- ĐT có nhiều cải tiến trong khâu tổ chức thi và chấm thi tự luận trong những năm qua nhưng trên thực tế, tôi vẫn trăn trở bởi hàng ngàn thí sinh mỗi năm đã bị rớt một cách oan uổng do cách chấm thi tự luận. Dù có chấm hai lần rồi chấm kiểm tra, phúc tra đi nữa nhưng có một thực tế (chuyện bây giờ mới kể) là tùy theo cách nhìn nhận và cảm nhận vấn đề của giáo viên chấm thi, mặc dù có thang điểm chi tiết đi nữa thì khi phúc khảo luôn có sự chênh lệch từ 0.25 -1.0 điểm mà chính cái sự chênh lệch “nhỏ nhoi” này sẽ quyết định đậu hay rớt, có nghĩa là ảnh hưởng đến cuộc đời các em! Thậm chí nếu chúng ta so kết quả chấm của cán bộ chấm thi đang dạy ĐH và kết quả chấm của cán bộ chấm thi là giáo viên các trường THPT sẽ thấy sự bất công này càng hiện rõ. Trắc nghiệm khách quan do máy chấm sẽ loại bỏ hoàn toàn yếu tố này. Vấn đề tiêu cực khi thi nhất là tại các kỳ thi tổ chức tại địa phương cũng là trăn trở của nhiều người trong suốt những năm qua. Năm nào mà chẳng có tình trạng mang tài liệu vào phòng thi, giấu tài liệu trong toilet, phao thi… Còn nhìn bài, chép bài lẫn nhau của các thí sinh thì khỏi phải nói, chuyện thường ngày ở huyện! (Lúc trước có em thí sinh thi Toán tốt nghiệp 10 điểm nhưng thi ĐH chỉ được 1 điểm nhờ chép bài của bạn).

Chúng tôi sẽ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc giaThí sinh dự thi THPT quốc gia

Với cách thi dự kiến năm nay (mỗi em sẽ có một mã đề), tình trạng tiêu cực nêu trên chắc chắn sẽ bị loại bỏ và tôi tin chắc là các giảng viên đại học tham gia giám sát kỳ thi năm nay sẽ không có nhiều việc để làm. Bên cạnh đó, chi phí cho việc chấm thi sẽ giảm hàng tỷ đồng là điều chắc chắn.

Chuyển sang thi trắc nghiệm khách quan ở nhiều môn thi và thi theo tổ hợp môn còn giúp ngăn chặn tình trạng học tủ, học lệch vì đề thi sẽ bao quát kiến thức trên phạm vi khá rộng. Thêm vào đó, trong giai đoạn hiện nay, xuất hiện khá nhiều ngành nghề mới cần sinh viên đầu vào phải có kiến thức tổng hợp nên nhiều tổ hợp môn thi truyền thống trở nên lỗi thời. Đơn cử ngành Kỹ thuật Y sinh (BME – Bio Medical Engineering, ĐH SPKT TP.HCM mở năm rồi) yêu cầu thí sinh phải thông thạo cả Toán, Lý, Hóa, Sinh nên tổ hợp Toán và KHTN năm nay sẽ rất phù hợp để xét tuyển cho ngành này.

Tin vào kết quả thi THPT quốc gia

Và câu hỏi các trường ĐH có tin tưởng vào kết quả kỳ thi THPTQG do Sở GD- ĐT tổ chức và có xét tuyển dựa trên kết quả này không?

Như đã phân tích ở trên, những đổi mới tuyển sinh 2017 phù hợp với xu thế của thời đại và chắc chắn sẽ có kết quả thi thể hiện chính xác trình độ kiến thức và năng lực thí sinh. Kết quả thi THPT quốc gia sẽ khá công bằng và hạn chế các tiêu cực đã diễn ra trong những năm vừa qua. Thêm vào đó, bài thi tổ hợp sẽ có điểm thành phần của từng môn thi để các trường ĐH, CĐ vẫn có thể xét tuyển theo tổ hợp truyền thống, chính vì vậy, tôi tin rằng đại đa số các trường sẽ sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển.

Theo Vietnamnet, nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/331412/chung-toi-se-su-dung-ket-qua-thi-thpt-quoc-gia.html