Sở GD - ĐT các địa phương cũng đang rốt ráo tập rượt cho học sinh lớp 12 làm quen với phương thức kiểm tra trắc nghiệm mới ngay từ bài kiểm tra học kỳ 1 sắp tới.
Được đăng ký nhiều nguyện vọng trong đợt xét tuyển lần 1
Trao đổi tại cuộc tọa đàm về phương án tuyển sinh ĐH 2017, Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Bùi Văn Ga cho biết, dự kiến trong đợt xét tuyển đại học đầu tiên năm 2017, thí sinh sẽ được lựa chọn nhiều hơn 4 nguyện vọng so với kỳ tuyển sinh năm 2016 dù có tiên lượng tỷ lệ “ảo” trong tuyển sinh sẽ tăng cao hơn năm trước.
Bởi theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Bộ GD-ĐT dự kiến dùng phần mềm lọc “ảo” hỗ trợ các trường trong tuyển sinh. Phần mềm này đã được chuẩn bị từ năm 2014 song các trường còn ngần ngại nên chưa áp dụng. Bên cạnh đó, Bộ GD - ĐT cũng yêu cầu các trường phải chủ động có giải pháp khắc phục tình trạng thí sinh “ảo” như: Xác định lại chỉ tiêu phù hợp với năng lực đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động; nâng cao chất lượng đào tạo; làm tốt hơn công tác truyền thông, để thí sinh hiểu hơn về các chuyên ngành thế mạnh đào tạo của mỗi trường.
Chia sẻ thêm về vấn đề chống “ảo” trong tuyển sinh, TS. Sái Công Hồng - Giám đốc Trung tâm Khảo thí thuộc Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, tỷ lệ ảo là tất yếu trong các kỳ tuyển sinh. Nhiều đại học Mỹ gọi đến 300% nhưng chỉ đạt được 60% chỉ tiêu. Phương án lọc thí sinh “ảo” duy nhất là tuyển sinh theo phần mềm chung, sẽ đụng chạm đến quyền tự chủ của các trường, nhưng không còn cách nào khác. Chưa kể, nếu ứng dụng rộng rãi trong cả nước thì phải có lộ trình cụ thể bởi cần lượng máy tính khá lớn và chênh lệch giữa thành thị, nông thôn.
Cũng theo thông tin từ Bộ GD - ĐT, năm 2017, các trường ĐH, CĐ sẽ có nhiều phương thức để lựa chọn tuyển sinh gồm: Xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia; sơ tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh; xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT hoặc phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh. Với cách tổ chức thi như vậy, các cơ sở giáo dục ĐH có thể yên tâm sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để làm căn cứ tuyển sinh.
Song để chủ động, nhiều trường sớm lên phương án tuyển sinh dự kiến cho năm 2017. Đơn cử như nhóm GX (gồm 12 trường ĐH do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì) sau cuộc họp bàn về công tác tuyển sinh năm 2017 mới đây vẫn quyết định tiếp tục phương án tuyển sinh riêng theo nhóm ngành và vẫn lấy kết quả thi THPT quốc gia như năm 2016 làm căn cứ xét tuyển (năm 2016, tỷ lệ thí sinh ảo của nhóm chỉ khoảng 30%, thấp hơn dự kiến). Ngoài ra, nhóm cũng sẽ mở rộng, kết nạp thêm thành viên để nâng tổng số các thành viên của nhóm GX lên 20 trường. Tương tự, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đã đưa ra phương hướng tuyển sinh năm 2017 với việc chuẩn bị kỹ hơn thông qua việc rà soát, bổ sung số lượng, chất lượng câu hỏi của ngân hàng đề thi, gia tăng tính chất đánh giá năng lực của bộ đề và tăng cường yếu tố bảo mật đề thi, tiếp tục hoàn thiện các phần mềm cho việc thi và xét tuyển của 20 trường thành viên. Đồng thời, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ các đơn vị ngoài trường, nếu có mong muốn sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội để phục vụ tuyển sinh của các trường trong năm 2017.
Thí sinh tập dượt làm quen cách thi mới
Đề thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ gồm các câu hỏi ở các cấp độ cơ bản phục vụ mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và các câu hỏi phân hóa phục vụ mục đích xét tuyển ĐH, CĐ. Nội dung thi nằm trong chương trình lớp 12 THPT (Còn theo lộ trình như Bộ GD - ĐT đã công bố, từ năm 2018, nội dung thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT và từ năm 2019 trở đi, nội dung thi nằm trong chương trình của cả 3 lớp cấp THPT). Riêng đối với một số trường có tính đặc thù về năng khiếu, thuộc nhóm nghiên cứu hoặc những trường yêu cầu tuyển sinh với mức độ cao thì có thể đưa ra phương án tổ chức thi riêng hoặc sử dụng thêm các hình thức khác để tuyển chọn thí sinh.Tuy nhiên, số lượng thí sinh tham gia dự thi theo nhóm này chỉ chiếm số lượng nhỏ.
Để chuẩn bị ứng phó với những thay đổi của kỳ thi năm 2017, ngành Giáo dục của nhiều địa phương đã sớm hướng dẫn các trường lập kế hoạch giảng dạy, ôn tập và kiểm tra đối với học sinh khối 12 theo hình thức thi mới. Cụ thể, tại Hà Nội, Sở GD- ĐT Hà Nội đã có công văn yêu cầu tổ chức thi học kỳ I cho học sinh lớp 12 trên toàn thành phố theo phương thức giống kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Ông Ngô Văn Chất - Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở GD - ĐT Hà Nội) cho biết, kỳ thi học kỳ I lớp 12 của học sinh năm nay sẽ diễn ra trong 2 ngày 14-15/12. Học sinh trên toàn thành phố làm bài cùng một giờ, thi theo cụm trường, đúng quy trình của thi THPT quốc gia. Đề thi do Sở Giáo dục Hà Nội ra, bám sát chương trình sách giáo khoa lớp 12 tính đến khi kết thúc học kỳ 1. Học sinh hệ THPT sẽ làm 4 bài thi, gồm 3 bài bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Bài tự chọn là một trong 2 bài thi Khoa học tự nhiên (tổ hợp Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Còn học sinh hệ giáo dục thường xuyên sẽ thi 3 bài gồm 2 bài bắt buộc là Toán, Ngữ văn và chọn một trong hai bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội. Học sinh học các môn Ngoại ngữ khác (không phải tiếng Anh), Sở sẽ giao cho các trường chủ động kiểm tra.
Được biết, trước đó Sở cũng tập huấn cho giáo viên môn Toán, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân các trường THPT về đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá, xây dựng ma trận và biên soạn đề kiểm tra trắc nghiệm. "Chúng tôi yêu cầu các trường thông báo việc đổi mới phương thức thi THPT tới giáo viên, học sinh để thầy trò nắm rõ, có phương án dạy học phù hợp. Với khối 10, 11, chúng tôi khuyến khích giáo viên cho học sinh làm bài kiểm tra trắc nghiệm để các em từng bước làm quen với phương thức thi mới", ông Chất cho hay.
Theo LĐTĐ, nguồn: http://laodongthudo.vn/chu-dong-ung-pho-voi-nhung-thay-doi-45109.html