Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga vừa ký văn bản gửi các sở GD&ĐT, đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên, Cục Nhà trường thuộc Bộ Quốc phòng, Cục Đào tạo thuộc Bộ Công an về tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy năm 2018.

Theo đó, từ năm 2018 đến 2020, kỳ thi THPT quốc gia được giữ ổn định như năm 2017.

Từ năm 2021, các bài, môn thi được thiết kế phù hợp lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Nếu điều kiện cho phép, thí sinh có thể làm bài trên máy tính.

Bộ GD&ĐT tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, từng bước định hướng nội dung theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Rà soát các nhóm đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên để điều chỉnh mức điểm ưu tiên trong tuyển sinh cho phù hợp điều kiện thực tế và thực hiện tốt hơn công bằng xã hội.

Cũng theo nội dung văn bản trên, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát, quy hoạch lại hệ thống các trường sư phạm; đổi mới phương thức xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với nhóm/ngành đào tạo giáo viên dựa trên nhu cầu sử dụng giáo viên của các địa phương và điều kiện đảm bảo chất lượng của từng trường.

Chốt phương án thi THPT Quốc gia năm 2018 - Ảnh 1

Bộ cũng triển khai các giải pháp đồng bộ khác để nâng cao chất lượng đào tạo, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các cấp, bậc học.

Trước đó, tháng 8/2017, Bộ GD&ĐT gửi văn bản tới các trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên để lấy ý kiến về phương án thi THPT quốc gia 2018 và việc xét tuyển dựa trên kết quả từ kỳ thi này.

Bộ này đề xuất hai phương án thực hiện bài thi tổ hợp và lấy ý kiến đóng góp từ các trường tuyển sinh nhóm ngành đào tạo giáo viên trước khi thống nhất. Phương án thứ nhất là giữ nguyên bài thi tổ hợp với 3 đầu điểm cho từng môn thi thành phần (như năm 2017).

Phương án thứ hai, mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của 3 môn thành phần nhưng được bố trí thành một bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với một đầu điểm thống nhất toàn bài thi (không tách thành 3 đầu điểm theo từng môn thi thành phần như năm 2017).

Nếu theo phương án 2, các trường có thể chọn hai hoặc ba bài thi trong số các bài thi của kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển (trong đó bắt buộc phải có một bài thi Toán hoặc Ngữ văn); một bài thi Văn hoặc Toán và một hoặc hai đầu điểm thi năng khiếu/điểm đánh giá năng lực do trường tổ chức hoặc điểm khác do trường lựa chọn, quy định trong đề án tuyển sinh.

Tại hội nghị tổng kết của Bộ GD&ĐT ngày 21/8, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - đề xuất các trường nên tự chủ trong tuyển sinh đại học. Ý kiến này nhận được sự ủng hộ từ nhiều trường. Một số lãnh đạo trường đại học cho rằng việc tách hai kỳ thi là cần thiết và đúng đắn.

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo của ĐH Quốc gia TP.HCM, nêu quan điểm nếu tách thành 2 kỳ thi riêng, công tác tổ chức, quản lý, giám sát nên giao về địa phương đối với thi tốt nghiệp THPT. Các trường đại học lo thi tuyển sinh.

Như vậy, Bộ GD&ĐT không nên làm tuyển sinh mà chỉ đưa ra nguyên tắc và kiểm tra các trường làm đúng hay không.

Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cũng cho rằng đã đến lúc Bộ GD&ĐT nên trả kỳ thi đại học về cho các trường vì họ mới biết mình muốn tuyển sinh thế nào.