Liệu robot có thể trở thành một cảnh sát, một hướng dẫn viên du lịch, một MC hay một phiên dịch viên? Con người có còn nhiều cơ hội làm việc đúng ngành nghề chuyên môn khi có sự xuất hiện của robot?
Sự phát triển như vũ bão của cách mạng công nghiệp 4.0
Những năm gần đây, người ta hay nhắc đến cụm từ “Cách mạng công nghiệp 4.0”. Cụm từ này xuất hiện lần đầu tiên năm 2013 trong báo cáo của chính phủ Đức đề cập đến sự kết hợp của công nghệ cao, phát triển các ngành sản xuất mà không cần sự tham gia của con người.
Cách mạng công nghiệp 4.0 là thuật ngữ không còn xa lạ với công dân toàn cầu - Ảnh minh họa: Internet
Từ 3 ngành khoa học mũi nhọn: Vật lý, kỹ thuật số, công nghệ sinh học, cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực khác như: Sản xuất – tự động hóa, tài chính – ngân hàng, giáo dục, y tế, dịch vụ khác…
Cách mạng công nghiệp 4.0 với đặc điểm đặc trưng là sự kết hợp của trí tuệ nhân tạo, mạng internet kết nối vạn vật và điện toán đám mây sẽ hỗ trợ, phục vụ con người, đưa con người tiến xa trong thế giới hiện đại.
“Cô nàng” robot đầu tiên được cấp quyền công dân - Ảnh minh họa: Internet
Tháng 10/2017, Ả Rập đã cấp quyền công dân cho cô người máy Sophia. Sự kiện này đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0.
Sức lao động của con người có bị robot thay thế?
Cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là thách thức, vừa là cơ hội đối với các quốc gia trên thế giới đặc biệt là các quốc gia đang phát triển.
Sự tham gia của robot sẽ tác động không nhỏ đến thị trường lao động. Quá trình tự động hóa sẽ được thay thế bằng máy móc, hoạt động của robot thay thế sức lao động của con người. Hệ quả là tỉ lệ người thất nghiệp ngày càng tăng cao.
Mặt trái của Cách mạng công nghệ 4.0 là tỉ lệ thất nghiệp tăng cao - Ảnh minh họa: Internet
Cô người máy Sophia có thể đối thoại với người khác, làm việc nhà, chăm sóc người già và trẻ em. Liệu cô có thay thế vị trí của những người giúp việc?
Ở một góc nhìn tích cực, nhiều chuyên gia cho rằng robot, máy móc chỉ giải phóng một phần sức lao động của con người. Con người vẫn là chủ thể sáng tạo nên các giá trị vật chất.
Chia sẻ với PV, ThS (NCS) Nguyễn Duy Cường – Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Văn Hiến (TP.HCM) cho biết: “Phát minh ra robot là thành tựu vượt trội của loài người. Robot chỉ đóng vai trò là sản phẩm trong hoạt động sáng tạo của con người nhằm phục phụ khoa học và cuộc sống. Robot có thể giúp con người xuống những vực sâu dưới đáy biển tìm kiếm khoáng sản hoặc bay vào vũ trụ chinh phục không gian nhưng Robot không thể thay con người làm toàn bộ công việc”.
“Tôi không nghĩ là robot có thể đứng trên bục giảng giảng bài cho sinh viên thay các thầy cô giáo vì robot không thể truyền cảm xúc, truyền động lực trong bài giảng, truyền kinh nghiệm cuộc sống trong bài giảng. Robot thông thạo nhiều ngôn ngữ nhưng cũng khó có thể bằng một phiên dịch viên. Thậm chí, nếu một chương trình do robot làm MC thì tôi không tưởng tượng được sẽ thế nào….” – PGS.TS Trần Thị Kim Xuyến – Phó Trưởng khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn trường Đại học Văn Hiến (TP. HCM) chia sẻ quan điểm.
Thị trường lao động luôn cần những nguồn nhân lực chất lượng cao - Ảnh: Đại học Văn Hiến
Xu thế chọn ngành trong thời đại công nghệ 4.0
Theo dự báo của một số chuyên gia, đến năm 2020, Việt Nam sẽ mất 5 triệu việc làm vì chất lượng nhân lực còn hạn chế. Nguồn nhân lực Việt Nam chủ yếu thiếu hụt về trình độ ngoại ngữ và kỹ năng mềm.
Thống kê của Trung tâm dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết 8 nhóm ngành ở nước ta cần nguồn nhân lực trong giai đoạn tới bao gồm: Khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, công nghệ kỹ thuật, kinh tế dịch vụ, chăm sóc sức khỏe, văn hóa – thể dục – thể thao, công nghệ cao trong công nghiệp.
Thị trường lao động luôn cần những nguồn nhân lực chất lượng cao - Ảnh: Đại học Văn Hiến
PGS.TS Trần Thị Kim Xuyến – Phó Trưởng khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn trường Đại học Văn Hiến (TP. HCM) cho biết: “Cách mạng 4.0 với sự phát triển của robot và trí tuệ nhân tạo vẫn không thay thế được con người. Do đó, không tác động nhiều đến khối ngành khoa học xã hội. Hàng năm, lượng sinh đăng ký theo học các bộ môn ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn tại trường chúng tôi vẫn chiếm tỉ lệ cao. Trong đó, bộ môn Tâm lý học có số lượng thí sinh đăng ký cao nhất”.
Trước xu thế toàn cầu hóa và ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0, con người càng phải không ngừng trau dồi bản thân, nâng cao kiến thức để không bị tụt hậu với thời đại, đặc biệt là thế hệ học sinh, sinh viên.
“Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình” chính là mục đích học tập được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đề cập đến, đặc biệt là trong thời đại 4.0 hiện nay. Việc chọn ngành, chọn nghề và ra sức học tập để làm chủ công nghệ, phát minh ra những thành tựu cho nhân loại luôn là tôn chỉ phát triển của xã hội.
Trên cơ sở đó, Việt Nam với tư cách là một quốc gia đang phát triển cũng đã, đang và sẽ hướng đến xây dựng một nền giáo dục 4.0 sánh ngang với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Chương trình đào tạo của các trường học Đại học vì thế cũng đổi mới gắn liền với thực tiễn, hỗ trợ sinh viên tiếp cận với thực tế nghề nghiệp nhiều hơn. Hành trang kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên sẽ vững chắc hơn trong thời đại công nghệ số.
Theo Hồng Ngân