Để thành công trong việc chọn ngành học, ngoài việc tự đánh giá bản thân, cần tìm hiểu xu thế chọn ngành dự thi, đối chiếu với quy hoạch nguồn nhân lực của VN đến năm 2020 cũng như sự chuyển dịch lao động khi VN gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Năm 2015, VN sẽ gia nhập AEC và theo đó, sự chuyển dịch lao động giữa các nước sẽ gia tăng, trong đó yêu cầu về kỹ năng cao đối với nhiều ngành nghề như nha sĩ, kế toán, kỹ sư...

Nhìn lại xu hướng chọn ngành

Cả nước hiện có khoảng 300 ngành học được tổ chức tuyển sinh tại 530 cơ sở giáo dục ĐH, CĐ (bao gồm các phân hiệu), với gần 5.000 chương trình tuyển sinh. Xu thế chọn ngành học có thay đổi nhưng qua sáu năm (2009-2014), các nhóm ngành có nhiều thí sinh lựa chọn nhất theo thứ tự từ cao xuống thấp là kinh doanh 12,12%; đào tạo giáo viên 9,75%; kế toán - kiểm toán 8,08%; tài chính - ngân hàng - bảo hiểm 7,02%; xây dựng 3,64%; luật 3,45%; y học 3,44%; công nghệ thông tin 3,38%; chế biến lương thực, thực phẩm và đồ uống 3,3%; nông nghiệp 3,24%.

Xu hướng chọn ngành nghề của học sinh trong vòng 4 năm gần đây

Các nhóm ngành được thí sinh lựa chọn nhiều nhất giai đoạn 2010-2014

Xu thế hội nhập tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới, nên sự lựa chọn của thí sinh cũng có nhiều thay đổi ở một số nhóm ngành, như nhóm ngành ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài, năm 2010 tỉ lệ thí sinh dự thi 2,93% (vị trí 11 trên tổng số 69 nhóm ngành) thì tỉ lệ này tăng dần đến 4,52% năm 2014 (vị trí 5).

Nhóm ngành đào tạo giáo viên có xu hướng gia tăng từ năm 2013, 2014 (13,35%) sau thời gian sụt giảm từ 10,8% năm 2010 còn 8,59% năm 2012.

Mặc dù vẫn là những nhóm ngành thu hút số đông thí sinh, nhưng có thể nhận thấy tác động của sự cảnh báo về bão hòa một số ngành nghề, nên tỉ lệ thí sinh chọn các nhóm ngành kinh doanh, kế toán - kiểm toán, tài chính - ngân hàng - bảo hiểm sụt giảm nghiêm trọng.

Chọn ngành vừa sức học

Kết quả tuyển sinh ĐH mỗi năm cho thấy dù có thay đổi ít nhiều về số lượng, nhưng những nhóm ngành/ngành có đông thí sinh dự thi thường có điểm trung bình không cao. Nếu so với các ngành khác, điểm trung bình của thí sinh dự thi những ngành được coi là “thời thượng” thường chỉ ở tốp giữa.

Đơn cử, điểm trung bình các ngành này từ năm 2010-2014 chỉ ở vị trí khoảng 100 trên tổng số 300 ngành học, trong đó điểm trung bình ngành quản trị kinh doanh ở vị trí 147 (năm 2010), 145 (năm 2011), 112 (năm 2012), 134 (năm 2013), 135 (năm 2014); tương tự, với ngành công nghệ thực phẩm là 176 - 130 - 112 -134 - 135, ngành kế toán là 126 - 157 - 113 - 137 - 130, ngành công nghệ thông tin 144 - 203 - 150 - 154 - 168, ngành luật 83 - 105 - 77 - 102 - 118...

Thực tế cũng cho thấy điểm trung bình của thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên của các ngành này chênh lệch với điểm trung bình của thí sinh dự thi năm 2014 thấp hơn những năm trước, chứng tỏ ngày càng nhiều thí sinh chọn trường dựa trên đúng thực lực của mình.


Nếu nhìn vào từng nhóm ngành, sẽ thấy sự chọn trường của học sinh cũng có nhiều thay đổi. Nhóm ngành kinh doanh luôn là sự lựa chọn cao nhất trong năm năm qua, trong đó cả nước có đến 90 trường ĐH có tuyển sinh một/nhiều ngành thuộc nhóm ngành này (quản trị kinh doanh, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, marketing, bất động sản, kinh doanh quốc tế, kinh doanh thương mại, thương mại điện tử).

Nhưng các trường thu hút nhiều thí sinh giỏi là Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM) và Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM).

Xu hướng chọn ngành nghề của học sinh trong vòng 4 năm gần đây

Các ngành học được học sinh lựa chọn nhiều nhất

Nhu cầu nhân lực lớn

Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2016-2020 cơ cấu kinh tế của Việt Nam sẽ chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng ngành dịch vụ (56,4-57,4%), kế là ngành công nghiệp - xây dựng (41,6-42,6%), ngành nông - lâm - ngư nghiệp (0,94-0,95%). Sự chuyển dịch này sẽ khác nhau ở mỗi địa phương.

Ví dụ TP.HCM tỉ trọng ngành dịch vụ, ngành công nghiệp - xây dựng, ngành nông - lâm - ngư nghiệp lần lượt là 58,16-60,07%; 39,19-41,07%; 0,74-0,78%; Bình Phước 37,5%; 43%; 19,5%; Tây Ninh 39-39,5%; 45-45,5%; 15-15,5%...

Như vậy, tại Bình Phước, Tây Ninh nếu tốt nghiệp các ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, người học có nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn so với các lĩnh vực khác.

Chiến lược nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020 đặt ra các chỉ tiêu chủ yếu về nhân lực có trình độ cao trong các lĩnh vực đột phá chủ yếu bao gồm: quản lý nhà nước, hoạch định chính sách và luật quốc tế; giảng viên ĐH, CĐ; khoa học - công nghệ; y tế, chăm sóc sức khỏe; tài chính - ngân hàng; công nghệ thông tin.

Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020, phấn đấu tăng nhanh tỉ lệ nhân lực qua đào tạo trong nền kinh tế dưới các hình thức, trình độ khác nhau từ mức 40% năm 2010 lên mức 70% năm 2020, trong đó tỉ lệ nhân lực qua đào tạo ngành nông, lâm ngư nghiệp tăng tương ứng từ 15,5% lên 50%, ngành công nghiệp từ 78% lên 92%, ngành xây dựng từ 41% lên 56%, ngành dịch vụ tăng từ 67% lên 88%.

Như vậy, thời kỳ hội nhập sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm với nhiều yêu cầu cao hơn đối với người lao động. Các nhóm ngành như kinh doanh, kinh tế, luật, môi trường, đô thị... vẫn có xu hướng phát triển trong tương lai với tiêu chí tuyển dụng cao hơn, đòi hỏi người xin việc phải có nhiều kỹ năng khác ngoài kiến thức chuyên môn như khả năng giao tiếp và sử dụng vi tính, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng báo cáo..

Báo Tuổi trẻ, http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20150118/chon-nganh-hoc-theo-xu-the-hoi-nhap/700164.html