Chọn cụm thi THPT quốc gia 2015: Nhiều học sinh biết lượng sức mình

Chỉ còn hơn 1 tuần nữa (ngày 1.4) thí sinh cả nước sẽ bắt đầu đăng ký nộp hồ sơ tham dự kỳ thi THPT quốc gia và bước vào ngã rẽ đầu tiên khi phải chọn cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH, CĐ tổ chức, hay cụm thi tỉnh do địa phương tổ chức. Khác với lo ngại thí sinh ồ ạt đăng ký thi cụm thi ĐH-CĐ, khảo sát ban đầu cho thấy tỷ lệ thí sinh chọn cụm thi tỉnh khá lớn.

Học sinh vùng khó chọn cụm thi tỉnh

Phân loại cụm thi là điểm “lạ lẫm” và quan trọng nhất đối với hầu hết thí sinh sẽ tham dự kỳ thi THPT quốc gia. Nếu như phần lớn thí sinh ở các thành phố lớn chọn cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH chủ trì để lấy kết quả xét tuyển “2 trong 1”, thì cụm thi địa phương dành cho thí sinh chỉ muốn xét tốt nghiệp lại là lựa chọn của đa số thí sinh nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Năm nay, em Lò Thị Mai - Trường THPT Hạ Hòa (Hạ Hòa, Phú Thọ) sẽ tham dự kỳ thi THPT quốc gia nhưng chỉ với mục đích đỗ tốt nghiệp. Mai cho biết: “Sức học của em chỉ ở mức trung bình nên bố mẹ và thầy cô cũng định hướng cố gắng để đủ điểm đỗ tốt nghiệp, vì vậy em chọn thi ở cụm thi tỉnh để đỡ đi lại vất vả. Nếu kết quả tốt em sẽ gửi hồ sơ xét tuyển vào các trường nhận thí sinh thi cụm địa phương, không được thì em đi học nghề”.

Là một tỉnh miền núi, Sở GDĐT tỉnh Lai Châu dự kiến năm nay sẽ có khoảng 52% thí sinh dự thi lấy kết quả xét tốt nghiệp tại tỉnh, còn 48% dự thi cụm liên tỉnh. Ông Đinh Trung Tuấn - Phó Giám đốc Sở GDĐT cho biết: “Sở đã hướng dẫn các trường định hướng cho học sinh tùy theo năng lực, nguyện vọng của thí sinh và điều kiện gia đình để đăng ký dự thi. Hầu hết thí sinh đã biết “tự phân luồng” theo nhu cầu và khả năng của mình”.

Trường THPT Bắc Sơn (Kim Bôi, Hòa Bình) có 125 học sinh lớp 12, nhưng qua khảo sát chỉ có 17 học sinh có nguyện vọng thi THPT quốc gia để lấy điểm xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, số còn lại chỉ muốn thi để đỗ tốt nghiệp. Lãnh đạo trường này cho biết, trường đã phân nhóm các em theo nguyện vọng nộp hồ sơ để ôn tập và định hướng chọn môn thi phù hợp với lực học của học sinh để có kết quả thi cao nhất.

Sở GDĐT tỉnh Hòa Bình cũng đã tiến hành khảo sát nguyện vọng đăng ký cụm thi của tất cả học sinh lớp 12 trên toàn tỉnh, kết quả cho thấy có tới 40% thí sinh của tỉnh này không có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH-CĐ. Lãnh đạo Sở này cho biết, mọi năm số lượng thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH- CĐ cũng ở mức tương tự. Học sinh đã được phân luồng từ sớm, lực học của học sinh miền núi cũng không được như ở vùng đồng bằng và các thành phố lớn, đăng ký thi cụm thi tỉnh là lựa chọn hợp lý của nhiều em.

Tương tự, tại Hải Dương các trường có lượng thí sinh dự kiến sẽ chỉ thi tại cụm địa phương chủ yếu ở khu vực nông thôn, ví dụ THPT Cẩm Giàng II (Cẩm Giàng) có 30% thí sinh nhóm này, các trường top thường như THPT Nguyễn Du (TP.Hải Dương) là 20%...

Trường đại học ngóng thí sinh

Trong khi đó, các trường ĐH, CĐ được chọn tổ chức cụm thi liên tỉnh lại đang trong tâm trạng ngóng chờ thí sinh. Ông Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho biết: “Chúng tôi đã ký hợp đồng với 11 địa điểm tổ chức thi, với khoảng 30.000 thí sinh, dù thực tế trách nhiệm được Bộ GDĐT giao chỉ là 25.000 thí sinh. Tất cả các địa điểm thi này đều tập trung ở quận Thủ Đức và quận 9. Tuy nhiên, hiện trường vẫn chưa rõ sẽ tiếp nhận thí sinh ở địa phương nào và phải chờ quyết định chính thức từ Bộ GDĐT”.

Một số trường ĐH khác như: ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Sài Gòn… thì cho biết, việc bố trí điểm thi năm nay sẽ dựa trên cơ sở dữ liệu hồ sơ thực tế được bàn giao vào ngày 20.5 của các sở GDĐT. TS Nguyễn Quốc Chính - Trưởng ban ĐH và sau ĐH (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết: “Chúng tôi nghe thông tin rằng sẽ đảm đương tổ chức thi cho thí sinh ở khu vực tỉnh Đồng Nai, quận Tân Bình và quận Bình Thạnh (TP.HCM) chứ chưa nghe thông tin gì khác. Tất cả phải đợi đến ngày bàn giao hồ sơ”.

Trước những băn khoăn của các trường, ông Trần Văn Nghĩa -Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định- Chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết: Đối với TP.HCM và Hà Nội, kể cả Hải Phòng, sẽ có những quy định cụ thể cho các trường biết được cụm thi của mình sẽ có thí sinh ở tỉnh, quận, huyện nào. Việc bố trí điểm thi như thế nào thì dựa trên cơ sở dữ liệu thực tế được bàn giao vào ngày 20.5 của các Sở GDĐT. Lúc đó các trường đảm nhận cụm thi sẽ lên phương án tổ chức điểm thi.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng nhấn mạnh: “Không có sự phân biệt hai loại hình cụm thi về công tác tổ chức, chấm thi, coi thi… Để đảm bảo chất lượng, khách quan cho các cụm thi tại tỉnh, sẽ có sự phối hợp của thành viên các trường ĐH, CĐ, số lượng bao nhiêu do các Sở GDĐT đề xuất”. Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các cụm thi này để đảm bảo công bằng.

Sau khi công bố 38 cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH chủ trì, ngày 23.3, Bộ GDĐT cũng chính thức công bố 65 cụm thi địa phương do các Sở GDĐT chủ trì dành cho thí sinh thi chỉ lấy kết quả xét tốt nghiệp. 65 cụm thi này được đặt ở 64 tỉnh, thành cả nước và có 1 cụm thi đặc thù do Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) chủ trì dành cho khối trường quân đội.

Theo báo Dân Việt, tin gốc: http://danviet.vn/thoi-su/chon-cum-thi-thpt-quoc-gia-2015-nhieu-hoc-sinh-biet-luong-suc-minh-561467.html