Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, lớp 12T1 của trường có 46 học sinh thì một em đạt 30 điểm, 4 em 29 điểm, 19 em đạt 27 điểm. Những học sinh còn lại cũng đạt từ 24 điểm trở lên.


thành tích học sinh giỏi vùng huyện

Chỉ xếp sau trường chuyên của tỉnh

Ngoài ra cũng tại kỳ thi này, lớp 12T1 còn có 10 điểm 10 ở một số môn thi. Em Nguyễn Hải Đăng đạt 30/30 điểm khối B và là một trong 10 học sinh đạt điểm tuyệt đối của cả nước.

Thầy hiệu trưởng Lê Văn Dỵ cho biết kỳ thi THPT quốc gia 2017, Trường THPT Quảng Xương 1 chỉ xếp sau Trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) về số học sinh có điểm xét tuyển ba môn từ 27 điểm trở lên. Đây là năm đầu tiên trường có học sinh đạt điểm tuyệt đối ở ba môn xét tuyển ĐH.
Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh trong năm, học sinh trường này cũng đoạt một giải nhất, sáu giải nhì, bảy giải ba và năm giải khuyến khích ở các môn.
Không chỉ học giỏi, học sinh trường còn tham gia nhiều hoạt động của tỉnh và đoạt giải cao. Như em Lê Trọng Quân vô địch cuộc thi Âm vang xứ Thanh. Em Trà My đạt huy chương vàng giải cờ vua cấp tỉnh.


Thành tích đáng nể là vậy nhưng thầy hiệu trưởng cho biết hầu như học sinh chỉ học giáo viên trong trường mà không đến bất kỳ “lò luyện nào”.
“Nhà trường dạy ôn cho học sinh trước hết là theo tinh thần tự nguyện. Sau đó các em được sắp xếp vào các lớp theo trình độ giỏi, khá, trung bình và yếu. Học sinh tự đăng ký vào từng lớp ôn sao cho phù hợp với trình độ của mình. Học phí nhà trường chỉ thu 8.000 đồng/học sinh/buổi” - thầy Dỵ nói.
Khi nghe chúng tôi thắc mắc về học phí 8.000 đồng, thầy hiệu trường chia sẻ: “Mức sống của người dân nông thôn nơi này còn thấp. Học phí này chỉ mang tính chất động viên tinh thần thầy cô giáo là chính”.

“Theo” học sinh từ lớp 10

Để có được thành tích như vậy, thầy Dỵ cho biết giáo viên trong trường được bố trí dạy từ lớp 10 đến lớp 12. “Thầy cô sẽ theo học sinh từng lớp để chịu trách nhiệm chất lượng từ đầu vào đến đầu ra. Nhờ việc bố trí chuyên môn thế này, giáo viên có trách nhiệm cao nên chất lượng giảng dạy luôn được nâng lên” - thầy Dỵ nói.

Còn cô Lương Thị Thanh - giáo viên chủ nhiệm lớp 12T1 - cho biết: “Học sinh lớp chọn có học lực giỏi trở lên. Các em rất ham học hỏi, say mê tìm tòi nhiều kiến thức khó, nhiều cách giải khác nhau. Bởi thế, để dạy được các em tốt đòi hỏi giáo viên phải có sự đầu tư nhiều, tầm nhìn rộng, biết bao quát để hệ thống những kiến thức cần cung cấp cho các em”.

Ngoài ra, cô Thanh “bật mí” thêm: “Hằng tuần, giáo viên thường dành một buổi chỉ để giải quyết các thắc mắc của học sinh. Những câu hỏi thầy trò đưa ra vừa xoay quanh kiến thức cơ bản, vừa nâng cao để xem các em nắm vấn đề vững chưa, nắm ở mức độ nào để thầy cô tiếp tục hỗ trợ”.

Một số học sinh gia cảnh khó khăn cũng được thầy cô ưu tiên cấp học bổng, miễn giảm nhiều khoản đóng góp và miễn toàn bộ tiền học ôn luyện trong ba năm học. Điển hình như em Nguyễn Văn Quang. Nhờ sự chăm lo của thầy cô, em đã vượt qua gia cảnh khó khăn và đạt 29,15 điểm khối A ở kỳ thi THPT quốc gia. Đây là số điểm khối A cao nhất của trường.


“Hằng tuần, giáo viên thường dành một buổi chỉ để giải quyết các thắc mắc của học sinh. Học sinh thường có nhiều câu hỏi hóc búa đôi khi thầy cô phải suy nghĩ vài ngày. Không chỉ trò hỏi, thầy cô cũng hỏi để các em trả lời. Lớp học lúc này không còn khoảng cách giữa thầy và trò, mà như những người bạn đang trao đổi học tập". Cô Lương Thị Thanh cho biết.

Giáo viên giỏi mới có học sinh giỏi

bà Phạm Thị Hằng, giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa, cho biết: “Hơn 10 năm qua, Trường THPT Quảng Xương 1 (huyện Quảng Xương) luôn là đơn vị dẫn đầu trong khối THPT của tỉnh Thanh Hóa.
Năm nào nhà trường cũng đứng nhì (sau Trường THPT chuyên Lam Sơn) về số học sinh đoạt giải cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, số học sinh thi THPT đạt điểm cao từ 27 điểm (ba môn) trở lên và số học sinh đỗ thủ khoa vào các trường ĐH”.
Cũng theo bà Hằng, nhà trường xác định phải có đội ngũ giáo viên giỏi mới có học sinh giỏi nên đội ngũ giáo viên luôn được tạo điều kiện tốt nhất để trau dồi kiến thức, học nâng cao chuyên môn.

“Sở luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để trường được tuyển dụng đội ngũ giáo viên giỏi, có tâm với nghề, nhằm phát huy truyền thống hiếu học của người dân địa phương và thành tích vốn có của nhà trường” - bà Hằng nói.


Theo báo Tuổi trẻ.