Rất khó xử lý nếu thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình đúng quy định nhưng không lo làm bài thi, chỉ chăm chăm tìm tiêu cực để “tác nghiệp”.
Nhiều lãnh đạo Sở GD&ĐT các tỉnh, thành chia sẻ rằng dù Bộ GD&ĐT có hướng dẫn nhận diện các thiết bị ghi âm, ghi hình được phép mang vào phòng thi nhưng cán bộ coi thi vẫn khó khăn, lúng túng trong việc nhận diện các loại thiết bị này.
Trao đổi với PV, ông Trần Việt Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Quy định trong Thông tư 04 của Bộ GD&ĐT ngày 26-5 đã quá rõ, thí sinh đăng ký mang những thiết bị đúng như quy định vào phòng thi và giám thị phải kiểm tra các thiết bị đó theo hướng dẫn của quy chế. Phạm quy thì thí sinh có thể bị đình chỉ thi, trường hợp phức tạp có thể mời an ninh cùng giám sát.
Coi thi nghiêm túc không sợ bị tố cáo tiêu cực
Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông, nói: Bộ cũng hướng dẫn khá cụ thể về thiết bị được mang vào phòng thi. Tuy nhiên, không phải giám thị, cán bộ coi thi nào cũng nhận biết được các thiết bị đó và không hẳn thí sinh nào vào phòng thi cũng báo cáo với giám thị. Các thiết bị ghi âm, ghi hình hiện nay được ngụy trang rất tinh vi. Nó có thể là cái cúc áo, cái nắp viết, thậm chí là chiếc nhẫn hay đồng hồ đeo tay có chức năng ghi hình thì giám thị cũng khó mà phát hiện. “Nếu ở một hội đồng thi nào đó bị tố cáo tiêu cực sau môn thi hay sau kỳ thi thì xử lý như thế nào? Xác định trách nhiệm quản lý của cán bộ coi thi và định mức kỷ luật theo quy chế… Tất cả tình huống đó đều có thể xảy ra. Nhưng chúng tôi vẫn chỉ đạo là thực hiện khâu coi thi thật nghiêm túc. Khi tập huấn cán bộ coi thi nghiêm túc thì sẽ không lo sợ bị tố cáo tiêu cực” - ông Hòa chia sẻ.
Một giáo viên có kinh nghiệm nhiều năm coi thi tốt nghiệp THPT ở tỉnh Đồng Tháp bày tỏ: Những thiết bị quy định theo quy chế đã rõ như máy tính thì có số hiệu, mã để nhận biết rất rõ ràng, còn thiết bị ghi âm, ghi hình để chống tiêu cực thì thiên hình vạn trạng cũng đang là mối lo lắng. Không biết giám thị không phát hiện được thì có bị kỷ luật gì không. Thông thường, chuyện tố cáo tiêu cực thường xuất hiện sau kỳ thi. Tức là kỳ thi đã kết thúc.
Lúc này ai ghi hình, thiết bị gì… thì chỉ có người quay biết và an ninh làm việc với người tố cáo mới biết. Thế nhưng trách nhiệm của chủ tịch hội đồng coi thi rất quan trọng. Một khi chủ tịch hội đồng coi thi thực hiện nghiêm túc kỳ thi thì sẽ không có tiêu cực xảy ra. “Chúng ta nên chống và đấu tranh cho cái gốc. Tuy nhiên, cũng rất khó xử lý nếu thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình đúng quy định nhưng không lo làm bài thi, chỉ chăm chăm tìm tiêu cực để “tác nghiệp”. Nếu có tình huống này thì Bộ GD&ĐT cũng chưa có hướng dẫn để giám thị xử lý (vì các em không vi phạm quy chế)” - giáo viên này băn khoăn.
Nhờ công an xác định thiết bị
Ông Nguyễn Đức Hiền - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang cho biết Sở đã có có văn bản (số 405/SGDĐT- KTKĐCLGD) gửi Công an tỉnh Bắc Giang, Sở Thông tin và Truyền thông về việc đề nghị hỗ trợ, tổ chức các kỳ thi năm 2013. Trong đó, Sở đề nghị các đơn vị này giúp đỡ việc xác định các loại thiết bị, máy ghi âm và ghi hình có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh và hình ảnh trực tiếp nếu không có các thiết bị hỗ trợ khác; các thiết bị hỗ trợ để giúp phát hiện các thiết bị, máy ghi âm và ghi hình không được phép mang vào phòng thi.
Theo ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội, Sở không có chủ trương cho thí sinh ký cam kết về việc đem các thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi. “Các em dùng thiết bị để chống tiêu cực, chúng tôi rất ủng hộ. Nhưng trước khi vào phòng thi, giám thị cũng sẽ phải dặn thí sinh là chống tiêu cực nhưng phải giữ trật tự phòng thi và không làm ảnh hưởng đến bạn khác” - ông Thống nói. Cũng theo ông Thống, trong trường hợp thí sinh rời phòng thi sớm vì các lý do đặc biệt như ốm đau, cấp cứu… thì thiết bị ghi âm, ghi hình các em đem vào sẽ được niêm phong giữ lại cho đến hết buổi thi.
Với tốc độ phát triển của khoa học công nghệ hiện nay thì thiết bị nghe nhìn và phát truyền thông tin luôn cải tiến và thay đổi ngày càng hiện đại, trong khi khả năng tiếp cận của chúng ta chưa nhiều. Do đó, đây là vấn đề khó khăn cho giáo viên làm công tác coi thi. Mặt khác, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của thí sinh đến trường thi là để thi. Cho nên quan điểm của chúng tôi là động viên học sinh xác định đúng nhiệm vụ của mình.
Ông TRẦN THANH LIÊM - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp
Các trường linh động xử lý
Quan điểm của chúng tôi là các trường cứ thực hiện việc coi thi nghiêm túc, đúng quy chế thì không việc gì phải sợ thí sinh quay clip, cũng như thí sinh gian lận. Trong trường hợp có những bất thường, khó xử, giám thị có thể báo ngay cho lãnh đạo hội đồng coi thi, tùy thuộc vào tính chất, mức độ mà lãnh đạo hội đồng thi đó quyết định việc phối hợp với các đơn vị chuyên môn, trong đó có thể có công an tham gia hoặc thông tin cho Bộ. Nói chung, các trường có thể linh động xử lý trên cơ sở thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Bộ được thể hiện trong hướng dẫn.
Tôi cũng nhấn mạnh thí sinh được quyền thực hiện việc giám sát của mình nhưng không được gây mất trật tự, ảnh hưởng đến phòng thi, nếu xét thấy hành động đó đã vi phạm Điều 21 của Quy chế thi thì giám thị coi thi có quyền xử lý kỷ luật. Năm nay, Bộ cũng thành lập 10 đoàn thanh tra hoạt động theo hình thức không báo trước.
Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT - NGUYỄN HUY BẰNG
Thông tin cần biết:
Danh sách đáp án đề thi mới nhất
Tin bài gốc: phapluattp
Kenhtuyensinh
Theo: phapluattp