Quay cuồng luyện thử
Năm nay, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức thi trắc nghiệm ở hầu hết các môn (trừ Ngữ văn). Đặc biệt thí sinh sẽ phải làm 3 môn khác nhau trong một bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (KHTN) hoặc Khoa học Xã hội (KHXH). Thời điểm này, nhiều trường đang gấp rút hoàn thiện chương trình học cơ bản và chờ đợi Bộ công bố đề thi thử nghiệm trong tháng 5 để tổ chức thi thử nhằm giúp học sinh làm quen với kỳ thi sắp tới.
Một học sinh trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho biết: “Trong thời gian này em phải lo ôn thi 6 môn để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp.
Năm nay nhiều môn thi, đến ngay thầy cô cũng “mông lung” không thể hướng dẫn hết được cho học sinh, nên bạn nào yếu môn nào thì thầy cô sẽ củng cố cho môn đó. Bản thân em tập trung ôn các môn theo khối D là chính, còn với các môn thi dùng để xét tốt nghiệp như bài thi tổ hợp xã hội thì em chủ yếu tự ôn ở nhà vì chỉ cần tránh điểm liệt là được. Ở lớp em cũng có đến 70% các bạn chọn bài thi tổ hợp KHXH. Bởi các bạn quan niệm, bài thi tổ hợp KHXH dễ ăn điểm hơn nên chỉ cần học thuộc lòng và “tán” thêm thì chắc chắn đạt trên 5 điểm”. Đây cũng chính là lý do khiến thí sinh quyết định chọn bài thi khoa học xã hội nhiều như năm nay.
Thầy Trịnh Hùng Sơn, Hiệu trưởng trường THPT Lý Thái Tổ (Hà Nội) cho biết: Theo thống kê của trường thì có 60% chọn bài thi KHXH và 40% chọn bài thi KHTN. Lường trước những thay đổi trong thi cử nên từ đầu năm nhà trường đã tổ chức thi thử 7 lần, theo hình thức thi trắc nghiệm ở các môn để các con quen với cách thi mới.
Giáo viên đổi mới cách dạy học cũng như kiểm tra, sau mỗi lần kiểm tra năng lực của các con tốt hơn. Qua đợt khảo sát vừa qua của Hà Nội thì học sinh lớp 12 của trường đạt tổng điểm khá tốt vì các con có sự chuẩn bị chu đáo.
Còn TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cũng cho biết, ngay từ khi kết thúc học kỳ I trường đã bố trí tăng 2 - 3 tiết/tuần đối với các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cho học sinh lớp 12 vào các ca học thứ 2 trong ngày. Sau khi dạy đủ nội dung chương trình theo quy định thì nhà trường sẽ tổ chức cho học sinh ôn tập theo nguyện vọng của học sinh.
Còn ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên cho biết, kỳ thi năm nay, toàn tỉnh có 5.341 thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi THPT Quốc gia. Để chuẩn bị tốt cho, từ 23 - 26/4, Sở đã tổ chức thi thử cho 4.500 học sinh khối 12.
Việc tổ chức thi thử nhằm giúp học sinh rèn luyện kỹ năng làm bài và tự đánh giá năng lực học tập của mình để có kế hoạch tự ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi. Qua đợt kiểm tra này, giáo viên bộ môn sẽ đánh giá năng lực học tập của học sinh để có kế hoạch bồi dưỡng, ôn tập phù hợp hơn cho từng đối tượng học sinh. Hiện chúng tôi cũng đang đợi Bộ công bố đề thi thử nghiệm để các em bám sát ôn tập theo dạng đề này tránh bỡ ngỡ khi bước vào kỳ thi.
Mong đề thi đạt độ chuẩn hóa cao
Theo dự kiến, giữa tháng 5 Bộ sẽ công bố đề thi thử nghiệm nên thời điểm này học sinh và các trường đang rất mong chờ đề thi thử nghiệm để có hình dung rõ nhất về đề thi THPT Quốc gia cả về hình thức, cấu trúc lẫn cách thức phân hóa.
Chỉ còn hơn một tháng nữa nên điều thầy trò đều quan tâm là liệu đề thi có điều chỉnh gì so với lần trước hay không. Quan trọng hơn, do trước đây công bố đề thi từng môn độc lập, nay xếp thành bài thi tổ hợp thì học sinh mới thực sự được “thử sức” với việc làm một lúc cả ba môn trong một bài thi. Lúc bấy giờ mới biết liệu có xảy ra tình trạng quá tải như có ý kiến lo ngại hay không?
Học sinh lớp 12 ở nhiều trường THPT Hà Nội chia sẻ, đến thời điểm này các em khá lo, nếu đề thi thử nghiệm tới đây lại khác nhiều so với đề minh họa và đề thử nghiệm lần 1 thì chúng em không còn thời gian để ôn tập.
Cũng theo ý kiến của giáo viên, sau 2 lần thử nghiệm thì đề thi lần này sẽ phải chuẩn chỉnh nhất, đừng khiến học sinh hoang mang vì thay đổi nhiều so với đề thi thử nghiệm công bố lần trước. Cũng không nên thay đổi theo hướng khó hơn hoặc dễ hơn quá nhiều mà chỉ nên tinh chỉnh về mặt kỹ thuật. Đã là đề thi thử nghiệm cho học sinh trước một kỳ thi lớn thì đề thi phải đạt độ chuẩn hóa cao, đặc biệt là về mặt khoa học.
TS. Nguyễn Tùng Lâm, cho biết, ngay sau khi Bộ công bố đề minh họa, nhà trường sẽ cho giáo viên lấy đề thi đó trộn thành nhiều mã đề khác nhau và tổ chức thi thử lần cuối để học sinh được tập dượt cho kỳ thi THPT Quốc gia. Sau đó, nhà trường cũng chỉ còn 1 tháng nữa cho học sinh làm đi làm lại dạng đề thi này để các em không bỡ ngỡ khi vào phòng thi. Trường sẽ tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 đến sát ngày thi nên đề thi thử nghiệm lần tới sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình này.
Trước những băn khoăn, lo lắng nêu trên, đại diện Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, cho biết, đề thử nghiệm đợt này công bố vào giữa tháng 5 vì lúc này học sinh đã học cơ bản đầy đủ kiến thức của lớp 12. Điểm khác biệt so với đề thi minh họa và đề thi thử nghiệm đã công bố trước đó là đề thi sắp tới sẽ theo hình thức của bài thi chứ không theo dạng đề thi của các môn độc lập./.
Theo vov.vn