Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của Tiến sĩ Dương Xuân Thành, thành viên Ban Nghiên cứu và phân tích chính sách - Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
Ở bài viết này, ông nêu quan điểm của mình về chính sách xét điểm ưu tiên và làm tròn điểm trong kỳ thi quốc gia vừa qua.
Xin được trân trọng giới thiệu.
Với ngành Giáo dục, năm 2017 đã khép lại một kỳ thi hai chung vừa dùng để xét tốt nghiệp trung học phổ thông vừa dùng để tuyển sinh đại học.
Thật khó để nói rằng kỳ thi này được xã hội đón nhận như một tiến bộ vượt bậc, thể hiện tư duy đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo nước nhà.
Nói gì thì nói, chúng ta phải công nhận một thực tế, đã là kỳ thi tuyển chọn tất phải có người đỗ người trượt, sự thiệt thòi của một số người và việc hưởng lợi của số khác do những quy định đã công bố trước là không thể tránh khỏi. Vấn đề quan trọng là tính khoa học, hợp lý của các quy định.
Ngoài những vấn đề như tổ chức thi, hình thức thi, người viết cho rằng có hai việc cần nghiên cứu thêm là làm tròn điểm và chính sách ưu tiên.
Làm tròn điểm là việc bắt buộc phải làm, xuất phát từ số lượng câu hỏi trắc nghiệm (hai bài tự nhiên và xã hội) chưa hợp lý, điều này sẽ phân tích kỹ ở phần sau.
Việc sử dụng các tiêu chí phụ, cộng điểm ưu tiên như thế nào để vừa đảm bảo chính sách ưu tiên vùng miền, đối tượng con em các gia đình có công và những thí sinh thực sự có năng lực lại là chuyện cần bàn cho thấu đáo.
Sự việc bị đẩy lên đến mức bức xúc là việc xét tuyển không nhất quán giữa một số trường, có trường dựa vào điểm gốc chưa làm tròn, có trường dựa vào điểm đã làm tròn, về điều này Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có quy định áp dụng chung cho tất cả các trường tham gia xét tuyển. Báo Thanhnien.vn đưa tin: [1]
“Về vấn đề làm tròn điểm, theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), việc sử dụng tiêu chí phụ nào là quyền tự chủ của các trường. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của thí sinh, Bộ đã từng có thư điện tử khuyến khích các trường nên sử dụng tiêu chí phụ là điểm số chưa làm tròn”.
Là cơ quan quản lý nhà nước, khi đã tổ chức kỳ thi quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể “khuyến khích các trường nên sử dụng tiêu chí phụ là điểm số chưa làm tròn” như lời ông Phó Cục trưởng mà chỉ có thể ban hành một quy định thống nhất toàn quốc, mang tính pháp quy chứ không phải ai thích thì theo, ai không thích thì tùy.
Căn cứ vào Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; Tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 05/2017/TT-BGDĐT thì có 2 loại điểm ưu tiên: theo đối tượng và theo khu vực.
Nhóm ưu tiên 1 (gồm các đối tượng: 01, 02, 03, 04) được cộng 2 điểm; nhóm ưu tiên 2 (đối tượng 05, 06 và 07) được cộng 1 điểm. Các đối tượng định cư theo Khu vực 1, 2 và Khu vực 2 nông thôn được cộng tối đa 1,5 điểm, tối thiểu 0,5 điểm.
Như vậy, nếu một thí sinh đồng thời thỏa mãn cả hai tiêu chí “đối tượng” và “khu vực”, có thể được cộng thêm tối đa 3,5 điểm, tối thiểu 1,5 điểm.
Việc cộng điểm ưu tiên theo đối tượng và theo khu vực nên có sự bàn thảo thêm để đảm bảo tiêu chí công bằng xã hội. Về ưu tiên vùng miền (khu vực), không phải không có bất cập, như báo Tienphong.vn đưa tin:
“Cùng học trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), cơ sở 1 ở nội thành không được cộng điểm, nhưng cơ sở 2 ở ngoại thành lại được cộng 0,5 điểm”.
Theo quy định Khu vực 2 gồm: Các thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; các thị xã, huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương (trừ các xã thuộc Khu vực 1), khu vực này được cộng thêm 0,5 điểm. Trong khi đó
Khu vực 2 - nông thôn gồm: Các địa phương không thuộc Khu vực 1, Khu vực 2, Khu vực 3 được cộng thêm 1 điểm.
Như vậy, sẽ có một số học sinh ngoại thành Hà Nội, khu vực tỉnh Hà Tây cũ giáp Thái Nguyên, Hòa Bình, Phú Thọ (trừ những xã thuộc Khu vực 1 và Khu vực 2 - nông thôn) chỉ được cộng 0,5 điểm ngang bằng với học sinh thành phố Bắc Ninh, Hà Nam - những địa phương chỉ cách trung tâm Thủ đô chừng 30 cây số và có điều kiện văn hóa xã hội phát triển hơn.
Trong các đối tượng ưu tiên, đối tượng 02: “Công nhân trực tiếp sản xuất đã làm việc liên tục 5 năm trở lên, trong đó có ít nhất 2 năm là chiến sĩ thi đua được cấp tỉnh trở lên công nhận và cấp bằng khen” theo người viết là chưa công bằng.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê được tác giả Phan Văn Giang [2] thu thập thì năm 2014 số lượng công nhân trong các loại hình doanh nghiệp như sau: nhà nước - 1.537.600 người; ngoài nhà nước - 7.148.400 người; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI): 3.449.000 người.
Số lượng công nhân trong doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm khoảng 12,4% trên tổng số 12.405.000 người và tổng số công nhân chỉ chiếm khoảng 13.5% dân số cả nước.
Số công nhân làm việc trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đa phần là lao động thời vụ, phần lớn họ từ nông thôn đến các khu công nghiệp, nhà máy làm việc và không ít người sau vài năm bỏ việc, chuyển sang nơi khác có thu nhập cao, một số lại quay về nông thôn, trở lại với vai trò nông dân như điểm xuất phát.
Ưu tiên cho công nhân mà không ưu tiên cho nông dân liệu có nên xem xét lại? Công nhân làm việc 05 năm, được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua và cấp tỉnh tặng bằng khen được cộng điểm ưu tiên, vậy nếu nông dân được Thủ tướng tặng bằng khen về thành tích sản xuất, kinh doanh giỏi có cần được khuyến khích? Theo người viết, bằng khen của Thủ tướng rõ ràng là cao hơn so với bằng khen của tỉnh.
Được biết tại Hội nghị Đại biểu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ 4 tổ chức vào ngày 18/5/2012, chỉ có 6 đại biểu được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 92 đại biểu được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Những con số nêu trên cho thấy số nông dân được Thủ tướng tặng bằng khen không nhiều, và họ xứng đáng được ưu tiên nếu có nguyện vọng học tập nâng cao trình độ.
Chính sách ưu tiên, cộng điểm cho các đối tượng nhằm tạo nên sự công bằng trong hưởng thụ thành quả kinh tế, văn hóa, xã hội với tất cả công dân vô hình trung lại làm xuất hiện những bất cập.
Giả sử, điểm chuẩn vào trường là 30, học sinh khu vực nội thành 5 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ đạt 29,75 sẽ không được nhập học trong khi có thí sinh chỉ cần 26,5 điểm là đủ điều kiện nhập học khi được cộng 3,5 điểm ưu tiên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có số liệu tổng hợp về các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội để so sánh giữa các thành phố trực thuộc trung ương và các thành phố trực thuộc tỉnh trước khi quy định học sinh khu vực nội thành 5 thành phố trực thuộc trung ương không được ưu tiên?
Nếu có thì liệu bộ có thể khẳng định học sinh khu vực nội thành thành phố Cần Thơ có các điều kiện hơn hẳn so với các thành phố trực thuộc tỉnh, chẳng hạn Bình Dương, Bắc Ninh, Nam Định…?
Xét về mặt cá nhân từng học sinh khu vực nội thành các thành phố trực thuộc trung ương và thành phố trực thuộc tỉnh, sự ưu tiên theo khu vực rõ ràng là không công bằng.
Điều người viết muốn nói thêm là đề thi năm 2017. Bài thi môn Toán, tiếng Anh đề có 50 câu, bài Khoa học tự nhiên và khoa học xã hội mỗi đề có 24 mã, mỗi mã 40 câu tổng cộng là 120 câu.
Nếu làm đúng n câu thì số điểm tính theo công thức (trong thang điểm 10): Điểm chưa làm tròn = 10*n/120, sau đó làm tròn đến 2 chữ số thập phân bằng công cụ toán học (ký hiệu “*” là phép nhân và “/” là phép chia trong bảng tính điện tử Excel). Để minh họa xin lấy trường hợp 40 câu một mã đề bất kỳ.
Nếu số câu trắc nghiệm 2 bài thi môn tự nhiên và xã hội là 100 câu thì bước làm tròn như trong bảng sẽ không cần thiết vì không có số lẻ.
Có thể thấy ngay trong việc làm tròn tự động này đã có người lợi, người thiệt. Tiếp đó, lại còn một số công đoạn làm tròn khác, chẳng hạn khi xin xét tuyển vào ngành nào đó thì cộng điểm của 3 môn theo yêu cầu của ngành đó (trường hợp không nhân hệ số) sau đó cộng với điểm Khu vực và điểm ưu tiên. Điểm tổng đó sẽ được làm tròn đến 2 số thập phân sau đó lại làm tròn tiếp theo bước 0,25.
Nguyên tắc làm tròn theo bước nhảy 0,25 là lấy lấy giá trị trung bình 0,125. Nếu phần lẻ cần làm tròn nhỏ hơn 0,125 thì sẽ rơi xuống mức dưới, nếu từ 0,125 đến 0,25 nâng lên mức trên. Ví dụ: 27,63 = 27,50 + 0,13. Số 0,13 lớn hơn 0,125 nên điểm đó được tăng thêm 1 bước nhảy (0,25) và điểm chính thức sẽ là 27,75. Chính cách làm tròn điểm nhiều lần đã khiến một số thí sinh “đỗ oan” hoặc “trượt oan”.
Như đã từng kiến nghị trong một số bài viết, nên chăng kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông giao cho các trường phổ thông và sở Giáo dục thực hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể hỗ trợ việc ra đề và giám sát. Việc tuyển sinh sẽ không dựa vào kết quả kỳ thi phổ thông mà là một kỳ thi nghiêm túc do các đại học, cao đẳng thực hiện.
Điều này vừa phù hợp chủ trương tự chủ đại học, vừa tránh được tình trạng “đỗ oan” hoặc “trượt oan” như đã phân tích, mặt khác nó cũng giúp tránh được hệ lụy là thí sinh buộc phải chọn ngành nghề mình không ưa thích chỉ vì sức ép phải đỗ đại học.
Tiến sĩ Dương Xuân Thành