Trong ngày hôm nay đã có bài phỏng vấn ông Lê Hồng Sơn về hệ thống trường học mầm non và tiểu học năm nay có nhiều đổi mới để đáp ứng được nhu cầu phụ huynh và học sinh.
> TPHCM: Phụ huynh cực khổ tìm mua Sách giáo khoa
> Phụ huynh mong mỏi điều gì trong năm học mới?
Phóng viên: Thưa ông, năm học 2018 - 2019 có thể nói là năm có số học sinh (HS) tăng kỷ lục, đặc biệt ở bậc mầm non và tiểu học. Tính đến thời điểm này, hệ thống trường lớp của TP HCM có đủ đáp ứng cho HS?
- Ông LÊ HỒNG SƠN: Năm học 2018 - 2019, toàn TP HCM tăng 67.234 HS. Cụ thể: mầm non tăng 20.225 HS, tiểu học tăng 26.812 HS, THCS tăng 10.406 HS, THPT tăng 9.791 HS. Nhìn chung, số HS tăng nhiều ở cấp mầm non và tiểu học, tập trung tại các quận 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi - những địa phương đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, nên tình trạng dân số tăng cơ học cao.
Năm học 2017 - 2018, số HS không có hộ khẩu tại TP HCM là 294.239, bình quân mỗi năm tăng khoảng 15.000 em không có hộ khẩu tại TP. Áp lực này làm gia tăng sĩ số HS/lớp, vượt cao so với chuẩn (cấp tiểu học), HS tham gia học 2 buổi/ngày giảm. Điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện… đều co hẹp, ảnh hưởng đến các lớp đang học.
Tuy nhiên, năm học 2018 - 2019, TP HCM vẫn bảo đảm 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học. Để bảo đảm chỉ tiêu đến năm 2020 đạt 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (3 - 18 tuổi) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ X, Sở GD&ĐT đã cùng 24 quận, huyện rà soát về kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 với 722 dự án, quy mô 12.785 phòng học, tổng kinh phí 55.461.627 triệu đồng. Dự kiến số phòng học mới đưa vào sử dụng vào ngày 05/09 sắp tới là 882, trong đó số phòng học tăng thêm là 641, xây thay thế là 241.
TP HCM là địa phương đi đầu trong các vấn đề đổi mới về giáo dục, nhất là hệ thống kiểm tra, đánh giá, đề thi… Vậy trong năm học này, việc đổi mới cụ thể ra sao?
- Trong năm học này, ngành GD&ĐT TP HCM tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy và học tập. Chú trọng hướng dẫn HS phương pháp tự học, tự nghiên cứu, phương pháp làm việc theo nhóm, tự chinh phục kiến thức thay cho việc nhồi nhét kiến thức. Tăng cường tổ chức cho HS tham gia các tiết học ngoài nhà trường nhằm gắn liền lý thuyết với thực tiễn; khuyến khích, hướng dẫn và tạo điều kiện để HS nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống.
Ngành GD&ĐT TP HCM vẫn chú trọng giảm tải chương trình nhằm khắc phục tình trạng quá tải, nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành. Đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, đạo đức của HS theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của người học; chuyển trọng tâm đánh giá nội dung học tập sang đánh giá phẩm chất và năng lực của người học.
Một trong những nhiệm vụ của năm học mới mà ngành GD&ĐT TP hướng đến là tăng quyền tự chủ cho các trường. Ông có thể nói rõ thêm?
- Năm học mới, sở sẽ triển khai tăng cường giao quyền tự chủ cho các nhà trường trong việc thực hiện chương trình trên cơ sở bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng và thời lượng dạy học; tạo điều kiện để các trường tổ chức những chủ đề dạy học, các hoạt động trải nghiệm; đưa phương pháp dạy học theo định hướng giáo dục STEM đến với HS.
Sở sẽ giao quyền cho một số trường đủ điều kiện được tự xây dựng mức thu bảo đảm đủ bù chi, không lợi nhuận. Tuy nhiên, phải thực hiện đầy đủ các công tác báo cáo, kiểm tra, công khai theo quy định của nhà nước trong lĩnh vực tài chính, tài sản. Hiệu trưởng có quyền chủ động trong công tác nhân sự, tự quyết định số giáo viên hằng năm sát với thực tế và điều kiện đặc thù của đơn vị, bảo đảm hoạt động hiệu quả.
Ngành GD&ĐT TP HCM từng khẳng định giáo viên là lực lượng nòng cốt quyết định sự phát triển của giáo dục TP. Vậy ngành GD&ĐT đã làm gì để thu hút và đãi ngộ họ?
- Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Bên cạnh việc thực hiện kịp thời những chế độ chung, TP HCM còn có nhiều chính sách đặc thù cho đội ngũ giáo viên. Trong đó, TP tiếp tục thực hiện các chế độ, chính sách hỗ trợ ngành học mầm non. Cụ thể, tiếp tục thực hiện hỗ trợ thêm 3 năm đối với giáo viên mầm non mới ra trường được tuyển dụng theo Nghị quyết 113 của HĐND TP HCM. Tháng 07/2017, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết 04 về chính sách hỗ trợ nhằm thu hút giáo viên mầm non công tác tại TP. Chế độ trợ cấp 700.000 đồng/tháng đối với các xã vùng khó khăn, riêng các xã huyện Cần Giờ 950.000 đồng/tháng. Thực hiện chi tiền vượt giờ cho giáo viên mầm non (200 tiết/năm), bình quân 400.000 đồng/tháng.
Trong năm học mới, ngành GD&ĐT TP HCM có mong muốn, đề xuất gì, thưa ông?
- Ngoài những đề xuất về cơ chế giáo dục đặc thù cho TP HCM, ngành GD&ĐT mong muốn TP tiếp tục ưu tiên bố trí vốn nâng cấp, mở rộng và duy tu các phòng học, bảo đảm đến năm 2020 đạt 300 phòng học/10.000 người dân trong độ tuổi đi học. Một vấn đề nữa là hiện nay, các trường mầm non ngoài công lập tại TP đang gặp khó khăn khi quy định về mục đích sử dụng đất phải là đất giáo dục, phù hợp với quy hoạch của địa phương.
Sở GD&ĐT mong muốn UBND TP có chủ trương cho phép các trường mầm non ngoài công lập khi thành lập chỉ cần bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất và đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của địa phương.
Chỉ thị năm học mới: Kiên quyết chống bạo hành trẻ
Bộ GD&ĐT vừa ban hành chỉ thị về nhiệm vụ chủ yếu trong năm học mới 2018-2019.
Về phương hướng chung, Bộ GD&ĐT yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; thực hiện nghiêm kỷ cương, nền nếp, dân chủ trong trường học; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.
Giáo dục mầm non tập trung phát triển trường, lớp ở khu công nghiệp, khu chế xuất; kiên quyết chống hành vi bạo hành trẻ và khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.
Giáo dục phổ thông tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là đối với lớp 1; nâng cao chất lượng kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện, đặc biệt là kỳ thi THPT quốc gia; đổi mới cơ chế quản lý trong các trường phổ thông.
Giáo dục ĐH tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên; tăng tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo.
Giáo dục thường xuyên tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên sau sáp nhập; chấn chỉnh các trung tâm ngoại ngữ, tin học, đào tạo từ xa hoạt động không đúng quy định.
Bộ GD&ĐT cũng nêu rõ 9 nhiệm vụ chủ yếu của năm học 2018 - 2019. Theo đó, rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD&ĐT trong cả nước; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; đổi mới giáo dục mầm non, phổ thông; đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục; đẩy mạnh giao quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đối với các cơ sở GD&ĐT; hội nhập quốc tế trong GD&ĐT; tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động GD&ĐT; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Từ đó, Bộ GD&ĐT đưa ra 5 giải pháp cơ bản gồm: Hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về GD&ĐT; nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp; tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT; tăng cường công tác khảo thí, kiểm định và đánh giá chất lượng giáo dục; đẩy mạnh công tác truyền thông về GD&ĐT.
> Nghỉ học thứ 7: Đề xuất không dễ thực hiện
> 9 kỹ năng sống học sinh Nhật Bản nắm rõ từ tiểu học
Theo Người lao động - Kênh Tuyển Sinh