TUYỂN SINH - TUYỂN SINH 2013 - THÔNG TIN TUYỂN SINH
>> Tuyển giáo viên Philippines về dạy tiếng Anh tại TPHCM
>> Tuyển giáo viên tiếng anh Philippines sẽ gây khó nhiều trường
Nộp 1 triệu đồng/tháng để học tiếng Anh với giáo viên Philippines
Bắt đầu từ tháng 11.2012, Sở GDĐT TPHCM chính thức triển khai việc tuyển 100 giáo viên người Philippines để hỗ trợ cho việc học sinh phổ thông (từ tiểu học đến THPT) nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh. Có thể xem đây là một biện pháp mới về dạy tiếng Anh cho HS trong thời “hội nhập”.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia giáo dục thì cũng còn không ít điều cần phải xem xét cẩn thận…
Chi phí để học tiếng Anh cùng giáo viên Philippines? - Hình: Báo Tuổi tẻ
Vì sao lại là giáo viên Philippines?
Đó là câu hỏi không chỉ của phụ huynh học sinh các trường trên địa bàn TPHCM trong thời gian gần đây, từ khi chương trình tuyển giáo viên Philippines dạy tiếng Anh cho HS phổ thông tại TPHCM, được Sở GDĐT công bố bắt đầu “chạy thử” từ tháng 11 này. Không chỉ thế, ngay chính những thầy - cô giáo - người trực tiếp tham gia vào công tác đào tạo tại các trường công lập - đang trong “tầm ngắm” của chương trình cũng thắc mắc: Việc tuyển dụng này liệu có đồng nghĩa với việc phải nhìn nhận một thực tế giáo viên VN hiện đang yếu về năng lực? Và những giáo viên người Philippines có đủ năng lực, kỹ năng chuyên môn cũng như kinh nghiệm để công tác giảng dạy cho học sinh VN được hiệu quả hơn?...
Lý giải những băn khoăn này, GĐ Sở GDĐT TPHCM - ông Lê Hồng Sơn - cho rằng: Chương trình tuyển giáo viên người Philippines là kết quả của một đợt khảo sát do Sở GDĐT thực hiện. Bởi, khi so sánh trong cùng khu vực thì giáo viên người Philippines có trình độ và cách phát âm tiếng Anh chuẩn nhất và mức lương của họ chỉ bằng 2/3 so với lương trung bình của giáo viên Anh ngữ bản xứ đang dạy tại VN.
Chi phí cao hay thấp?
Theo thông tin từ Sở GDĐT thì ngoài những loại giấy tờ tối thiểu khác như giấy phép lao động, giấy khám sức khỏe... đúng theo luật pháp hiện hành của nước ta, ở góc độ chuyên môn, để được tuyển dụng, các ứng viên người Philippines phải đạt những chuẩn như: Có bằng ĐH, có kỹ năng sư phạm và kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh cho người Châu Á, năng lực tổ chức hoạt động ngoại khóa...
Những giáo viên này- song song với công tác giảng dạy tiếng Anh trực tiếp (20 tiết đứng lớp), họ còn tham gia sinh hoạt chuyên môn, tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho HS (tương đương 15 tiết)... nhằm tới mục đích cuối cùng là nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho HS lẫn giáo viên VN.
Khi tròn trách nhiệm, mức lương giáo viên người Philippines được hưởng là 2.000USD/tháng - đã là mức chi phí thấp hơn so với mức lương trung bình hiện khoảng 3.000USD/tháng. Cũng theo tính toán từ cán bộ chuyên trách cấp phòng thuộc Sở GDĐTTP: Để thụ hưởng chương trình này, mức phí mỗi HS sẽ phải đóng thêm chỉ 120.000 đồng/HS (!?). Mức này được Sở GDĐT tính thí điểm với một trường có 10 lớp tham gia chương trình.
Tuy nhiên, khi tính toán cụ thể hơn, một giáo viên Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3) không khỏi lo lắng: Theo thông báo của sở thì trước mắt, năm nay chi phí của chương trình sẽ thực hiện theo chủ trương xã hội hóa, có nghĩa là trường (cụ thể là phụ huynh) chịu hoàn toàn. Vậy, nếu với mức lương phải trả cho 1 giáo viên người Philippines là 2.000USD/tháng, trong khi giáo viên này chỉ đứng lớp 20 tiết cộng thêm 15 tiết ngoại khóa (trung bình khoảng 57USD/tiết) là mức khá cao chứ không hề thấp. Tương đồng với ý kiến này, cô Nguyễn Thị Tuyết Trinh - giảng viên tiếng Anh của Trung tâm Ngoại ngữ ĐH Sư phạm TPHCM - tính cụ thể hơn: Nếu “bổ đồng” trên từng HS cho một lớp học trung bình 35 - 40 HS thì khoản phí từng HS phải “cõng” thêm mỗi tháng xấp xỉ 1 triệu đồng - một mức không nhỏ so với thu nhập trung bình hiện nay.
Cần giải pháp căn cơ
Khi “bình luận” chủ trương này, Hiệu trưởng Trường THPT quốc tế Việt - Úc - thầy Cao Huy Thảo - dè dặt: Chỉ nên xem đây là giải pháp tình thế. Bởi, mức sống trung bình của ta hiện nay chưa thể bắt phụ huynh gánh một khoản phí quá nặng như vậy. Có thể nói, sự khác biệt giữa giáo viên Philippines với giáo viên tiếng Anh người VN hiện nay- nếu có- chỉ là ở phương pháp giảng dạy và khả năng giao tiếp.
Với đánh giá về thực tế như trên, vị hiệu trưởng này kiến nghị: Giải pháp căn cơ mà ngành giáo dục cần triển khai là chủ động đào tạo đội ngũ giáo viên đủ năng lực bằng nhiều hình thức. Từ việc tuyển dụng nguồn giáo viên gắt gao hơn; kèm theo đó là những chương trình đào tạo nâng cao năng lực, chuyên môn ở nước ngoài cho đội ngũ giáo viên này một cách thường xuyên hơn để họ tiếp cận được những phương pháp giảng dạy mới, hiện đại hơn, hiệu quả hơn. Song song đó là những ưu đãi về lương bổng (thiết nghĩ chỉ cần bằng nửa số lương mà ta đang trả cho giáo viên Philippines hiện nay đã là đủ)...
Nếu thực hiện tốt những điều này, ta sẽ có trong tay một nguồn nhân lực chuyên môn ổn định về chất lẫn lượng. Như vậy, ta sẽ chủ động hơn trong việc triển khai ứng dụng những giải pháp mới, còn cứ tiếp tục đi “thuê mướn” như hiện nay, e rằng kết quả (nếu có) cũng sẽ rất bấp bênh.
Theo kế hoạch niên học 2012-2013, Sở GDĐT TPHCM tuyển dụng 762 giáo viên môn tiếng Anh người VN và 100 giáo viên bản ngữ có bằng cử nhân sư phạm và một trong các chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh cho người nước ngoài như: TESOL, TKT, TEFL.. để dần hiện thực hóa chủ trương nâng cao năng lực, kỹ năng sử dụng ngoại ngữ cho HS phổ thông, với mục đích đạt chuẩn chung so với các nước trong khu vực vào năm 2020. T.U (Nguồn: Sở GDĐT)
Những tin tức được quan tâm nhiều nhất:
Du học anh, Du học Mỹ, tuyển sinh, tuyển sinh 2013, trường quốc tế, cao đẳng quốc tế, điểm thi đại học 2013, diem thi dai hoc, tieng anh, học tiếng anh
Kênh Tuyển Sinh ( Theo Nguười Lao Động)