Chất lượng đào tạo có tăng cùng học phí?Tăng học phí có thể làm số lượng sinh viên giảm, nhưng không đáng ngại vì đã đến lúc chúng ta phải chọn được những sinh viên “sáng”. Ảnh: HH

Không đáng ngại

Đón nhận thông tin tăng học phí, lãnh đạo nhiều trường ĐH khẳng định, học phí không thể không tăng, đây là điều kiện để các trường nâng cao chất lượng đào tạo.

GS.TS Nguyễn Văn Khánh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: Để nâng cao chất lượng ĐH cần phải có nhiều nguồn lực, trong đó có nguồn lực tài chính, vì vậy cần thiết phải tăng học phí. Tuy nhiên, mức tăng học phí phải phù hợp với mặt bằng kinh tế chung của đất nước và phải có lộ trình phù hợp.

“Hiện nay chất lượng giáo dục ĐH ở Việt Nam cao hơn nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, nhưng việc đầu tư cho các trường lại chưa nhiều. Học phí tăng sẽ là nguồn vốn để các trường tập trung đầu tư cơ sở vật chất, tăng lương cho giáo viên, đầu tư nghiên cứu khoa học, tăng mức học bổng cho sinh viên…” -  ông Khánh nói.

Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Văn Cương, Hiệu trưởng Trường ĐH Hải Phòng cho rằng: Với mức tăng 10% sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo có phần kinh phí để nâng cao chất lượng đào tạo và dần dần xóa bỏ “bao cấp” bởi mức học phí hiện nay mới chỉ đáp ứng được một phần chi thường xuyên.

Trả lời câu hỏi, tăng học phí có gây khó khăn cho các trường trong công tác tuyển sinh? GS Khánh khẳng định: Tăng học phí ít nhiều gây khó khăn cho các trường, nhưng đây không phải là khó khăn chính. Các trường muốn tuyển sinh được chủ yếu vẫn tùy thuộc vào chất lượng và ngành nghề đào tạo. Những ngành “hot” dù học phí cao vẫn sẽ thu hút thí sinh.

Là trường ĐH đóng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, PGS.TS Cao Văn, Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương chia sẻ: Tăng học phí có thể làm số lượng sinh viên giảm, nhưng không đáng ngại vì đã đến lúc chúng ta phải chọn được những sinh viên “sáng”. Với riêng ĐH Hùng Vương là ĐH công lập, mức tăng học phí chỉ ở mức độ thấp, nên nhà trường không lo sinh viên giảm vì học phí tăng.

Cần ưu tiên

Tăng học phí là cần thiết để tạo điều kiện cho các trường phát triển, tuy nhiên đây thực sự sẽ là gánh nặng không nhỏ đối với không ít sinh viên nghèo.

Lê Thi Vui, sinh viên năm 3 Khoa Kế toán, Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ: Bố mẹ em làm nông, gia đình lại có 4 chị em đang ăn học. Đầu năm học nào bố mẹ cũng phải bán lúa, chạy vạy để lo tiền đóng học cho 4 chị em. Em được biết, từ ngày 1/12/2015, mức học phí sẽ tăng theo lộ trình từng năm học, đây thực sự là gánh nặng đối với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn như em.

Chia sẻ khó khăn với sinh viên, lãnh đạo nhiều trường ĐH cho rằng cần phải có chính sách ưu tiên với sinh viên nghèo, con em gia đình chính sách, vùng sâu vùng xa…

PGS.TS Phạm Văn Cương cho biết: Năm học này, Trường ĐH Hải Phòng sẽ vẫn thu học phí theo mức cũ, học kỳ 2 nhà trường tăng 10% theo quy định. Tuy nhiên, nhà trường sẽ chia sẻ với sinh viên khó khăn. “Chính sách đối với sinh viên nghèo thì Nhà nước đã có rồi. Nhưng nhà trường vẫn sẽ tạo điều kiện cho các em có hoàn cảnh khó khăn bằng cách giới thiệu việc làm thêm. Hiện, trong trường có 1 trung tâm việc làm cho sinh viên và có các câu lạc bộ gia sư giúp cho các em có thể tìm kiếm việc làm thêm để trang trải 1 phần học phí” - PGS Cương thông tin.

Cần chính sách hỗ trợ sinh viên nghèo cũng là ý kiến của PGS.TS Trần Ngọc Liêu, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội). PGS Liêu cho rằng, học phí không thể không tăng, vấn đề là chúng ta ứng xử như thế nào với những đối tượng ưu tiên. Ngoài hỗ trợ của Nhà nước, các trường, địa phương, cũng như doanh nghiệp cần chung tay. Phía nhà trường cần thành lập các quỹ học bổng, địa phương có thể đầu tư xây dựng ký túc xá cho con em mình, ví như ở Cần Thơ đã làm rất tốt việc này, doanh nghiệp thì có thể “săn” sinh viên giỏi ngay từ năm thứ 1 để cấp học bổng và tạo việc làm sau khi ra trường…

PGS Liêu cũng cho biết, năm học này nhà trường chưa tăng học phí, việc tăng sẽ bắt đầu từ năm học 2016 - 2017.

Theo Nghị định 86, mức trần học phí đối với các chương trình giáo dục đào tạo đại trà trình độ ĐH tại các cơ sở công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên được tính theo khối ngành, chuyên ngành đào tạo. Cụ thể:

Với ngành Khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông, lâm, thủy sản, học phí từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2017 - 2018 là 1,75 triệu đồng/tháng; từ năm học 2018 - 2019 đến năm học 2019 - 2020 là 1,85 triệu đồng/tháng; năm học 2020 - 2021 là 2,05 triệu đồng/tháng.

Khối ngành Khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du lịch, học phí từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2017 - 2018 là 2,05 triệu đồng/tháng; từ năm học 2018 - 2019 đến năm học 2019 - 2020 là 2,2 triệu đồng/tháng; năm học 2020 - 2021 là 2,4 triệu đồng/tháng.

Khối ngành Y dược có học phí cao nhất. Từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2017 - 2018 là 4,4 triệu đồng/tháng; từ năm học 2018 - 2019 đến năm học 2019 - 2020 là 4,6 triệu đồng/tháng; năm học 2020 - 2021 là 5,05 triệu đồng/tháng.

Mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ ĐH tại các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư áp dụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo, cụ thể là:

Năm học 2015 - 2016, học phí 3 khối ngành nói trên ở mức lần lượt 610.000 đồng/tháng/sinh viên, 720.000 đồng/tháng/sinh viên và 880.000 đồng/tháng/sinh viên.

Năm học 2016 - 2017, mức học phí tăng lên lần lượt, 670.000 đồng, 790.000 đồng và 970.000 đồng.

Năm học 2017 - 2018, mức học phí tăng lần lượt 740.000 đồng, 870.000 đồng và 1.070.000 đồng.

Năm học 2018 - 2019, mức học phí tăng lần lượt 890.000 đồng, 1.060.000 đồng và1.180.000 đồng.

Năm học 2019 - 2020, mức học phí tăng lần lượt 890.000 đồng, 1.060.000 đồng và 1.300.000 đồng.

Năm học 2020 - 2021, mức học phí tăng lần lượt 980.000 đồng, 1.170.000 đồng và 1.430.000 đồng.

Theo Thanh tra, nguồn: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/giao-duc/chat-luong-dao-tao-co-tang-cung-hoc-phi_t114c8n94176