Năm hết Tết đến, người lao động từ lao động tri thức cho đến lao động chân tay, ai ai cũng mong có một khoản dành dụm trong năm, nếu dư dả thì càng tốt để chi tiêu cuối năm. Chưa bao giờ thôi mong ước về khoản tiền thưởng Tết để trang trải thêm cho cuộc sống nhưng năm nào cũng như năm nào, giáo viên chúng tôi vẫn mãi “mơ ước xa xôi” để rồi “vỡ mộng”.
Cục Quan hệ lao động và tiền lương, Bộ Lao động thương binh và xã hội vừa đưa ra thông cáo phát ra chiều ngày 1/2 về tình hình tiền lương, thưởng Tết năm 2018. Cụ thể, người có mức thưởng Tết nguyên đán Mậu Tuất cao nhất năm 2018 thuộc doanh nghiệp doanh nhân TP.HCM với mức thưởng 855,107 triệu đồng và mức thưởng Tết thấp nhất là 20 ngàn đồng/người tại doanh nghiệp dân doanh ở tỉnh Vĩnh Phúc.
Qua đó, để thấy rằng, các cơ quan dù lớn hay nhỏ hầu như đều có thưởng cho người lao động vào dịp cuối năm. Nhưng nhìn lại đội ngũ giáo viên như chúng tôi thì…
Như mọi năm, năm nay trường học nơi tôi công tác, nằm ở một xã bãi ngang ven biển, không có khoản tiền thưởng vào các ngày lễ lớn cũng như Tết nên khi nghe ngóng thông tin nơi này nơi kia thưởng Tết thì chúng tôi không khỏi ngậm ngùi.
Chia sẻ về chuyện thưởng cuối năm của nghề giáo, một số người cho rằng: “Những ngành lao động khác, họ làm ra sản phẩm theo số lượng nhiều hay ít, nhiều hưởng nhiều, ít thì hưởng ít, cuối năm công ty, xí nghiệp của họ tính toán lời lỗ bao nhiêu, rồi chia cho người làm. Còn giáo viên, hằng năm có làm ra sản phẩm đâu, mà sản phẩm của thầy, cô giáo là con người, có biết lời lỗ đâu mà có thưởng.”
Có thể nói rằng, khoản thưởng Tết của giáo viên còn tùy vào các hoạt động chi tiêu trong năm của đơn vị, cơ quan trường học đó, nhưng khi mang ra bàn luận, giáo viên sao không tránh khỏi chạnh lòng, vì suy cho cùng, giáo viên cũng chỉ là những con người bình thường, vẫn cần cơm ăn nước uống và cần không khí để hít thở. Thế mà dịp trọng đại của năm như Tết Nguyên đán, thường chúng tôi không được thưởng, có chăng Công đoàn nhà trường (thì cũng do tiền chúng tôi đóng góp trong năm) tặng cho mỗi giáo viên một chai dầu ăn, nửa ki mứt gừng… gọi là vui xuân.
Thế nhưng, ở cơ quan trường học vào cuối năm lại diễn ra nhiều hoạt động mang tính thiện nguyện và ủng hộ: nào là mua vé số ủng hộ học sinh nghèo, nào là kêu gọi ủng hộ gia đinh chính sách, nào là đóng góp cúng tất niên ở cơ quan…
Đồng nghiệp tôi nhìn nhau và than thở và tất cả đều tham gia vì thiết nghĩ “ai cũng đóng góp chẳng lẽ mình lại không?”.
Hôm rồi, em gái tôi làm công nhân may cho một xí nghiệp, em nói rằng năm nay em được thưởng Tết kha khá, khoảng bằng hai tháng lương, mà lương của nó 4 triệu đồng/tháng. Nó còn nói thêm: “Năm nay thưởng ít đấy, chúng em đang đấu tranh để được thưởng thêm”. Tôi nghe mà vui mừng cho nó và ngẫm lại ngành mình.
Tết năm nay cũng vậy, nghe những ai, nơi nào được thưởng và mức thưởng bao nhiêu chỉ làm giáo viên chúng tôi chạnh lòng và tự an ủi bản thân mình “Chúng tôi giàu vì năm nào cũng có một một đàn con đáng yêu và chóng lớn rồi”. Chỉ cần mình có tâm với nghề, thì nghề sẽ không phụ mình. Đó là phần thưởng lớn nhất mà “người lái đò” có được.
Theo Dân trí