T.T.T., chàng sinh viên năm cuối Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM chia sẻ.
T. vừa nhận kết quả khóa luận tốt nghiệp với số điểm 9,50/10. Bạn đã chia sẻ trên Facebook câu chuyện “rửa nhục” của mình.
Bốn năm trước, T. bước chân vào giảng đường ĐH nhờ 0,5 điểm ưu tiên. Trong biên nhận hồ sơ nhập học của T. (năm 2013) có in dòng chữ “Sinh viên trúng tuyển nhờ điểm ưu tiên”.
Với 19,5 khối A, T. thiếu nửa điểm để đậu và chính quê hương đã giúp T. có thêm 0,5 điểm để vào ngành cao điểm nhất ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM lúc bấy giờ.
“Tôi luôn có những khởi đầu cực kỳ tệ hại” - T. ám chỉ điểm thi đầu vào ĐH. “Không biết 4 năm trước trường để thêm dòng chữ "Sinh viên trúng tuyển nhờ điểm ưu tiên" với mục đích gì. Nhưng với tôi đó là 'nỗi nhục' phải rửa. Bây giờ kết quả tương đối mãn nguyện rồi”.
Theo chia sẻ, T. cho biết không có ý định "khoe" điểm nhưng tình cờ thấy hồ sơ cũ trong lúc dọn đồ, nhắc T. về cảm giác buồn vui lẫn lộn của một tân sinh viên 4 năm về trước. “Trước giờ, tôi vẫn nhớ như in câu đó, từ chỗ băn khoăn tôi cố gắng phấn đấu “trả thù”.
Từng xuất hiện trên báo Tuổi Trẻ, T. và nhóm bạn thiết kế robot đút thức ăn cho người già, thu hút một nhà đầu tư Singapore đến ngỏ ý hợp tác. Trong ba học kỳ, T. nhận học bổng khuyến học với điểm trung bình học lực thuộc tốp 20 của ngành. Chàng sinh viên này cũng tỏ ra dạn dĩ, năng nổ trong nghiên cứu và thuyết trình sản phẩm.
Thừa nhận tầm quan trọng của điểm ưu tiên, T. nói: “Nửa điểm ưu tiên khu vực đã cho tôi thêm cơ hội chọn lựa vì năm đó tôi còn đậu khối B với 24 điểm vào kỹ thuật y khoa ở ĐH Cần Thơ. Nếu không có điểm ưu tiên, giờ này tôi đã ở đâu đó tại Cần Thơ.
0,5 điểm rất quan trọng nhưng khi làm bài thi chưa bao giờ tôi ỷ lại, chỉ xem đó như một quyền lợi tương ứng với điều kiện sống và học tập của bản thân. Tuy nhiên, tôi thấy có điểm chuẩn năm nay lên đến 30,5 thì thật sự chưa hợp lý, thậm chí bất công cho rất nhiều thí sinh nỗ lực.
Nên chăng Bộ GD-ĐT giới hạn lại điều kiện được hưởng điểm ưu tiên, và khoảng ưu tiên từ 1-1,5 là phù hợp”.
Nhấn mạnh quá trình phấn đấu, T. cho rằng: “12 năm học trong ba ngày thi khó đánh giá hết thực lực. Nhưng khi đậu vào ĐH, ngồi cùng lớp, ai cũng như ai, 20 hay 26 điểm cũng phải phấn đấu từ đầu, quá trình nỗ lực mới là điều đáng tự hào bên cạnh kết quả cuối cùng”.
Theo Tuổi trẻ