Cụ thể là nhiều trường dạy trước chương trình hoặc không có kế hoạch giảng dạy bài bản, thậm chí có trường quảng cáo và dạy chương trình nước ngoài khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Một số trường hoạt động lâu năm nhưng chưa thực hiện cam kết đầu tư xây trường đạt chuẩn và cơ sở vật chất chưa đảm bảo yêu cầu, phải thuê mướn. Bên cạnh đó, trang thiết bị giảng dạy và đội ngũ cán bộ quản lý cũng chưa đảm bảo sự phát triển ổn định và lâu dài.

Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP, thực tế nhiều trường ngoài công lập phát triển ổn định, chất lượng giáo dục tốt và khẳng định thương hiệu là do đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ quản lý, giáo viên. Hiện nay, hệ thống này đã thu hút trên 41.000 học sinh các cấp, trong đó nội trú có 12.653 học sinh. Nhờ phát triển ổn định, chú trọng chất lượng đào tạo, nhiều trường không chỉ tuyển sinh cao mà có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm cao. Cũng nhờ mạng lưới trường dân lập, tư thục phát triển mạnh đã góp phần giảm tải áp lực đầu vào học sinh TPHCM, nhất là chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 các trường THPT công lập chỉ đáp ứng 80% nhu cầu của học sinh.

Tuy nhiên, bên cạnh những trường dân lập, tư thục hoạt động hiệu quả, đảm bảo chất lượng giảng dạy, vẫn còn nhiều trường thiếu tiềm lực, quy mô nhỏ và chưa chú trọng đầu tư cơ sở vật chất nên tuyển sinh khó khăn. Đến nay, ngoài 6 trường phải tạm ngưng hoạt động, còn có một số trường hoạt động cầm chừng, số lượng học sinh ít, thu không đủ bù chi.

Sau khi kết thúc đợt kiểm tra hệ thống trường ngoài công lập, Sở GD-ĐT TPHCM đã có văn bản chấn chỉnh hoạt động của khối trường này để các trường phát triển theo hướng ổn định, lâu dài. Cụ thể, ngoài phát huy thế mạnh riêng, các trường phải thực hiện cam kết đầu tư cơ sở vật chất đạt chuẩn.

Sở cũng yêu cầu các trường phải thực hiện đúng quy định về tỷ lệ giáo viên cơ hữu, thỉnh giảng. Nếu giáo viên tốt nghiệp các trường trung cấp, CĐ, ĐH ngoài ngành sư phạm phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mới đủ điều kiện giảng dạy. Giáo viên người nước ngoài phải có giấy phép lao động theo quy định hiện hành. Việc giảng dạy phải đảm bảo đúng quy chế chuyên môn, dạy đủ các môn học, đúng số tiết theo quy định; chương trình nước ngoài phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép mới được triển khai. Ngoài ra, việc giới thiệu, quảng bá phải sử dụng đúng tên trường theo quyết định thành lập.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết thêm: “Để quy hoạch lại mạng lưới trường ngoài công lập, tránh tình trạng tập trung quá nhiều cơ sở trên một địa bàn, Sở GD-ĐT sẽ rà soát từng quận, huyện và không cho phép thành lập mới. Riêng đối với các trường có quy mô tuyển sinh thấp, sĩ số học sinh ít cũng phải đảm bảo chất lượng giảng dạy, dạy đủ số giờ theo quy định. Trong trường hợp trường nào muốn chuyển học sinh sang nơi khác học phải có sự đồng thuận của phụ huynh học sinh thì mới tiến hành. Nhà đầu tư phải đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người học và giáo viên”.

Theo SGGP, tin gốc: http://www.sggp.org.vn/giaoduc/2015/3/377504/