>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015

Yếu tố may - rủi, học tài - thi phận là đây

Mấy năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiều đổi mới trong cách ra đề thi, chấm thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, tuy nhiên việc chấm thi ở nhiều hội đồng chấm thi lâu nay vẫn nảy sinh tình trạng thiếu đồng bộ về cách thức tổ chức, quan điểm đánh giá, cho điểm… tạo ra độ vênh lệch, thiếu công bằng về điểm số giữa các thí sinh.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015 Chấm thi: Nỗi lo thiếu công bằng
Việc chấm thi ở nhiều hội đồng chấm thi lâu nay vẫn nảy sinh tình trạng thiếu đồng bộ về cách thức tổ chức, quan điểm đánh giá, cho điểm… Ảnh: T.L

Thực tế, đi chấm thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ nhiều năm, chúng tôi thấy, một số hội đồng chấm thi khá cập rập về thời gian, có tâm lý chấm cho xong, càng nhanh càng tốt, gây áp lực, căng thẳng đến các giám khảo, trước một công việc đòi hỏi cao sự thận trọng, chậm rãi, chuẩn xác. Có giám khảo chấm cả ngày chỉ được 2, 3 xấp, song có thầy, cô giáo chấm gần cả chục xấp. Có giám khảo cho điểm khá thoáng, quá cao, lại có người cho điểm rất chặt, quá thấp. Sự thiếu nhất quán này thể hiện rõ nhất ở những môn xã hội. Cái yếu tố may - rủi, học tài - thi phận là đây.

Thầy Phù Trọng Hưng - giáo viên dạy toán, có kinh nghiệm chấm thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH nhiều năm (ở Quảng Ngãi) đề xuất: “Theo tôi, khâu thảo luận chấm, hướng dẫn chấm thi ở các hội đồng chấm thi cần thực hiện triệt để, kỹ lưỡng theo đúng tinh thần quy chế thi; có sự thống nhất cao trong từng môn, từng hội đồng và tất cả các hội đồng chấm thi từ thang điểm, thời gian chấm đến số bài, số xấp mỗi giám khảo chấm trong đợt, trong ngày. Mặt khác, ở cụm liên tỉnh, mỗi xấp bài nên phân công chéo, giám khảo một là thầy giáo phổ thông, giám khảo hai là thầy giáo ĐH và ngược lại. Nếu cặp chấm nào có độ chênh lệch điểm quá nhiều, quá lớn trong quá trình thống nhất điểm thì hội đồng chấm, thanh tra chấm cần có biện pháp xử lý, điều chỉnh kịp thời để hạn chế tối đa tình trạng ấy”.

Đối với môn ngữ văn, môn có tính đặc thù về ngôn ngữ, diễn đạt, cách hiểu khác nhau nên dễ có nguy cơ lệch điểm cao ở câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học (7 điểm). Các câu này, lâu nay, Bộ GDĐT ít chi tiết, cụ thể, khá mông lung, mơ hồ cho người chấm, sắp tới đây, hướng dẫn, đáp án cần làm rõ hơn hoặc đưa ra các tình huống, hướng gợi ý cụ thể để tổ chấm bàn bạc, thống nhất thang điểm, cách cho điểm… góp phần giảm thiểu độ vênh, lệch điểm giữa các giám khảo, các hội đồng chấm thi. Hơn nữa, đề thi môn toán, môn ngữ văn năm nay có đến 10 câu hỏi lớn, nhỏ, rất nhiều và chi tiết cụ thể, nếu giám khảo thiếu cẩn thận, soi xét không kỹ càng dễ dẫn đến nhầm lẫn, sai sót trong chấm, trong cộng điểm từng ý, từng câu, điểm tổng cộng toàn bài.

Quyền lợi của thí sinh phải đặt lên hàng đầu

Quy định về điều kiện phúc khảo lại bài thi mấy năm nay khá rộng mở, không ràng buộc, khống chế gì về điểm số môn học so với kết quả bài thi, thí sinh nào có yêu cầu được phúc khảo lại bài thi đều được đáp ứng, thể hiện sự quan tâm tối đa đến quyền lợi của người học. Quy trình chấm thi có chặt chẽ đến mấy, các giám khảo làm việc trách nhiệm hết mình, song khó tránh khỏi những sơ suất, nhầm lẫn có thể xảy ra trong chấm điểm, cộng điểm, nhập điểm… Do vậy, nhà trường cần thông tin, phân tích đầy đủ về những quy định liên quan phúc khảo bài thi đến mọi thí sinh trước khi thi.

Để trong trường hợp cần thiết, khi thấy kết quả bài thi của mình chưa sát đúng so thực tế lúc làm bài thì các em sử dụng quyền này. Thực tế, có nhiều trường hợp đã được thay đổi, điều chỉnh kết quả sau khi phúc khảo, từ hỏng thành đậu…

Trong chấm phúc khảo, cái tâm lý, tư tưởng “ bênh vực” cho đồng nghiệp, giám khảo của mình, “bỏ rơi” quyền lợi chính đáng của các em, không phải không có. Nghĩa là, hội đồng chấm phúc khảo hoặc cặp chấm phúc khảo, coi lại bài, nhiều lúc, thỏa hiệp, cho điểm ở mức “an toàn”, “vẫn như cũ”, để các giám khảo trước chẳng bị làm sao, để đỡ gặp nhau chất vấn thêm mệt. Công tâm, trách nhiệm, bảo đảm quyền lợi mọi thí sinh của hội đồng chấm phúc khảo sau khi có kết quả thi cần được đặt lên hàng đầu.

Theo Lao động, tin gốc: http://laodong.com.vn/giao-duc/cham-thi-noi-lo-thieu-cong-bang-350088.bld