Nguyễn Trọng Tín và cha mình.
Được sinh ra và lớn lên trong gia đình có hai anh em, năm 2 tuổi, Tín bị phát hiện mắc bệnh xương thủy tinh quái ác, chân em yếu ớt, liên tục bị gãy. Gia đình nghèo khó, bao nhiêu tiền bạc chạy chữa cho em nhưng đều vô ích. Cuối cùng đôi chân em bị liệt, việc di chuyển phải dựa vào đôi tay, lê lết một cách khó khăn.
Ba của Tín, ông Nguyễn Hoàng, kể rằng lúc bé, thấy bạn bè cùng trang lứa được đi học, Tín cũng nằng nặc đòi đi. Lúc đầu gia đình chỉ cho con đi học để con khỏi buồn và biết đọc, biết viết. Suốt hơn chục năm qua, ngày ngày ông và vợ đều đặn chở con đến trường rồi bế con vào tận lớp. Dù đau đớn vì bệnh tật, hàng chục lần gãy tay gãy chân phải nhập viện nhưng Tín vẫn quyết tâm theo học đến cùng. Vì điều kiện gia đình nên Tín không hề học thêm mà chủ yếu tự học ở nhà.
“Em học cũng thất thường, tùy hứng. Kiến thức thầy cô dạy ở trường về nhà em tự ôn luyện. Em thấy mình không giỏi, không xuất sắc gì cả. Ước mơ của em sau này có công việc nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe của mình để phụ giúp bố mẹ đã vất vả nhiều vì em rồi” - Tín trải lòng.
Sẽ theo con đến trường
Từ ngày biết điểm thi của con, ông Hoàng vui mừng, nhưng cũng canh cánh nỗi lo. Dân làng bảo ông già và hốc hác đi trông thấy. Ngày Tín làm hồ sơ chọn ngành Khoa học máy tính của trường ĐH Bách khoa TPHCM ông và gia đình không dám ngăn cản mà chỉ động viên con tùy vào sức học của mình mà chọn sao cho phù hợp.
Gia đình vốn nghèo khó, ông Hoàng là thợ hồ, còn vợ ở nhà bán tạp hóa, tráng mỳ, bánh đa bán cho bà con lối xóm. Những ngày qua, công trường khu tái định cư đường cao tốc kề bên nhà, ông Hoàng luôn có mặt quần quật làm từ sáng đến tối, nhiều hôm ông xin phần việc làm cả ban đêm để có thêm tiền, chuẩn bị cho con nhập học.
Hỏi chuyện học nay mai, Tín tự tin: Nhập học em sẽ cố gắng tự lập, tự chăm sóc mình không phải phiền người khác. Em lên mạng tìm hiểu thấy ký túc xá cũng gần trường nên em cũng không lo lắm. Thực ra em cũng chưa hình dung được sẽ ăn ở, học như thế nào. Nhưng dù khó khăn thế nào em cũng quyết tâm theo học đến cùng.
Ông Hoàng ngồi bên bảo rằng: Tôi và gia đình tôn trọng ý kiến, chọn lựa của con. Mai này, con vào trong ấy nhập học, tôi sẽ theo con vào đó rồi kiếm việc để hằng ngày được bên con, đưa con đến trường. “Giờ con ốm đau, bệnh tật thế kia, làm cha ai nỡ lòng để con một mình nơi đất khách quê người. Khổ mấy tôi cũng cam chịu, miễn sao con học đến nơi đến chốn”, ông bùi ngùi.
Mới đây, có trường ĐH ở Đà Nẵng hay tin Tín thi với số điểm cao đã vào tận nhà thăm và gợi ý về việc “mời” Tín về trường học và hỗ trợ suất học phí cao kèm kinh phí ăn học 4 năm nhưng em từ chối. Tín bảo: Em cảm ơn họ vì tấm lòng đã dành cho em, nhưng em muốn theo đuổi lựa chọn của mình, muốn thử thách chính mình.
Theo Tiền Phong, tin gốc: http://www.tienphong.vn/giao-duc/cau-be-xuong-thuy-tinh-mo-thanh-chuyen-gia-cntt-902007.tpo