Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh

Tin liên quan:

hoc_sinh_van_mang_cap_sach_nang_ve_nha

Học sinh tiểu học ở nhiều thành phố lớn phải mang cặp sách nặng. Ảnh: Hồng Vĩnh.


Bộ GD&ĐT chủ trương khuyến khích học sinh trường tiểu học dạy hai buổi/ngày để sách, vở, đồ dùng học tập tại lớp, nhưng nhiều phụ huynh cho biết, họ mua thêm một bộ sách khác để rèn con tự học.

Đổi trường học, tránh bệnh thành tích

Mặc dù có con đang học ở một trường công thuộc loại có tiếng ở quận Đống Đa nhưng cách đây 2 năm chị T. (khu chung cư Bắc Linh Đàm) vẫn quyết định chuyển con về học ở một trường tư gần nhà - trường Tiểu học Bill Gate.

 

Chị T. giải thích: “Trường công nặng bệnh thành tích nên áp lực học hành căng lắm. Còn trường Bill Gate, chủ trương tạo cảm giác hạnh phúc cho học sinh khi đi học, nghĩa là chú trọng giáo dục toàn diện, không chỉ chăm chăm vào việc dạy chữ”.

 

Tuy nhiên, mọi việc diễn ra không hoàn toàn như chị T. mong đợi. Sau khi học cả ngày ở trường, học sinh để lại trong lớp tất cả sách giáo khoa và đồ dùng học tập nhưng các em vẫn được giao bài tập về nhà. “Mỗi ngày cô ra 2 bài tập trong cuốn vở toán tăng cường”. Chị T. cho biết. Để có thể kèm con học, chị T. phải mua thêm 2 cuốn sách giáo khoa là Tiếng Việt và Toán.

 

Theo quan sát của nhiều phụ huynh, các trường tiểu học ngoài công lập là những trường tiên phong trong việc giảm tải học hành cho học sinh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của áp lực bệnh thành tích, đến nay rất ít trường kiên trì thực hiện được quan điểm giáo dục học tập nhẹ nhàng.

 

Cháu A., một học sinh lớp 3 trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm kể: “Sách giáo khoa và vở ghi, vở bài tập cháu đều được để lại trong tủ trên lớp. Mỗi ngày cháu chỉ mang về những cuốn vở bài tập phải làm hôm đó theo phiếu dặn dò của cô. Hôm nay thì còn có cả phiếu bài tập cuối tuần nữa”.

Giáo viên “chiều” phụ huynh?

Theo một lãnh đạo Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT, chủ trương của Bộ là khuyến khích những trường tiểu học dạy học 2 buổi/ ngày nếu có điều kiện tổ chức cho học sinh để sách, vở, đồ dùng học tập tại lớp. Ngoài ra, những trường tiểu học dạy học 2 buổi/ ngày cho học sinh thì giáo viên hướng dẫn học sinh hoàn thành nội dung học tập trong giờ học trên lớp, sử dụng có hiệu quả các tài liệu bổ trợ, không giao bài tập về nhà cho học sinh.

 

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho biết, Sở này cũng chỉ đạo các trường tiểu học yêu cầu giáo viên không ra bài tập về nhà cho học sinh nếu đã tổ chức dạy 2 buổi/ ngày nhưng trên thực tế nhiều cô giáo vẫn không thực hiện.

 

Được biết, một số trường tiểu học cả công lập lẫn ngoài công lập thực hiện khá nghiêm yêu cầu trên. Chị H. có con học lớp 3 trường tiểu học Kim Đồng, quận Ba Đình cho biết: “Lớp con tôi tuyệt nhiên không có phiếu bài tập về nhà, chỉ thi thoảng cô giáo có ra bài ôn tập vào dịp chuẩn bị thi học kỳ”.

 

Nhiều trường khác như Tiểu học Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm; Tiểu học Lê Quý Đôn (tư thục), huyện Từ Liêm; Tiểu học Lý Thái Tổ (tư thục), quận Cầu Giấy... cũng được phụ huynh cho biết gần như mọi bài tập cô giáo đều cho học sinh làm ngay tại lớp trong buổi học thứ hai.

 

Tuy nhiên, số trường để giáo viên vi phạm vẫn là phổ biến. Theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục, việc giáo viên cố tình vi phạm quy định của ngành phần nhiều do áp lực từ phụ huynh. “Ra bài tập cho học sinh nghĩa là giáo viên phải thêm việc, vì họ phải kiểm tra và chấm bài tập cho học sinh. Nhưng nếu không ra thì phụ huynh có ý kiến”, hiệu trưởng một trường tiểu học quận Hoàn Kiếm cho biết.

 

Về nhận định này, nhiều phụ huynh cũng đồng tình. Một phụ huynh khác có con học lớp 1 trường Tiểu học Phúc Đồng quận Long Biên kể: “Đầu năm khi họp phụ huynh cô giáo có hỏi ý kiến phụ huynh, có nên ra bài tập cho các con không. Đa số phụ huynh đều đồng ý”.

 

Theo các phụ huynh, ra bài tập cho con ở nhà là để rèn cho con nếp sinh hoạt tốt. Tuy nhiên, một số phụ huynh cho rằng nhiều bố mẹ đã sai lầm khi cứ cho rằng phải bắt con học mới quản được con, rèn được con.

 

Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế

Kenhtuyensinh (Theo: tienphong)