Cẩn trọng với những điểm mới trong xét tuyển

Thí sinh nhận giấy báo kết quả thi để hôm nay bắt đầu nộp hồ sơ xét tuyển. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Không nên nộp đồng thời các nguyện vọng

Những điểm mới trong đăng ký 
xét tuyển

- Mỗi TS được đăng ký vào 2 trường, mỗi trường tối đa 2 nguyện vọng.

- Thời gian xét tuyển ngắn hơn, đợt 1 là 12 ngày và các đợt bổ sung chỉ 10 ngày.

- TS không được quyền rút hồ sơ ra để nộp vào trường khác sau khi đã đăng ký nguyện vọng.

- Có thể nộp hồ sơ bằng 3 hình thức: trực tiếp tại trường, qua đường bưu điện chuyển phát nhanh, đăng ký trực tuyến.

- Sau khi trường công bố danh sách TS trúng tuyển, TS phải nộp giấy chứng nhận kết quả thi vào trường muốn theo học để khẳng định quyền nhập học.

Theo quy chế tuyển sinh 2016, ở mỗi đợt xét tuyển, thí sinh (TS) được nộp hồ sơ tối đa vào 2 trường (mỗi trường 2 nguyện vọng). Tuy nhiên, có thay đổi rất quan trọng so với năm ngoái, đó là sau khi đã nộp, TS không được rút ra để nộp lại vào trường khác. Đáng nói hơn, để bảo mật thông tin TS, các trường không được công khai tình hình đăng ký xét tuyển trong quá trình thu nhận hồ sơ.

Trước tình huống này, tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, đưa ra lời khuyên: “Việc đăng ký xét tuyển trước hết cần căn cứ vào ngành nghề yêu thích và cơ sở tham khảo quan trọng chính là điểm chuẩn từng ngành cụ thể của năm 2015”.

Tiến sĩ Thái Hồng Hà, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cũng khuyên: “TS có điểm gần với mức điểm chuẩn năm ngoái thì cứ mạnh dạn nộp hồ sơ. Bên cạnh đó, để có thêm cơ sở trước khi quyết định, TS nên đến gặp bộ phận tư vấn của các trường trước khi nộp hồ sơ để được tư vấn kỹ về ngành nghề, điểm xét tuyển, chỉ tiêu...”.

Để tăng cơ hội trúng tuyển, thạc sĩ Trần Duy Can, chuyên viên đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng TS không nên nộp đồng thời các nguyện vọng cùng một thời điểm, khoảng cách để TS nộp 2 đơn đăng ký xét tuyển có thể cách nhau một tuần để tăng cơ hội trúng tuyển.

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng nói: “Bộ cho phép TS đăng ký tối đa 2 trường 4 ngành nhưng không bắt buộc phải đăng ký hết các nguyện vọng. Vì vậy, TS có thể đăng ký hết số nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển, nhưng nếu chỉ yêu thích một ngành thì TS đăng ký mỗi trường một ngành. Nếu không trúng tuyển đợt đầu thì vẫn còn cơ hội ở đợt sau với ngành đó”.

Coi chừng mất quyền trúng tuyển


Trong khi đó, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, lưu ý: “Một điểm mới quan trọng nữa trong năm nay là quyền xét tuyển tách rời với quyền nhập học. Các năm trước, TS có tên trong danh sách trúng tuyển do trường công bố chắc chắn đã trúng tuyển. Còn năm nay, TS cần phải thực hiện thêm một động tác để khẳng định việc này thông qua nộp giấy chứng nhận kết quả thi về trường muốn nhập học”. Theo quy chế, TS trúng tuyển nhưng không nộp giấy này thì coi như từ chối nhập học. Thời gian xét tuyển đợt đầu được rút từ 20 ngày năm ngoái xuống còn 12 ngày năm nay, thời gian để TS quyết định nhập học chỉ trong vòng 4 ngày.

Còn tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, có những lưu ý về điểm số. Theo tiến sĩ Thông, điểm sàn là mức điểm tối thiểu nhận hồ sơ, không phải điểm chuẩn trúng tuyển. Chẳng hạn, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM nhận hồ sơ xét tuyển với TS đạt từ 15 điểm trở lên (TS phải có điểm trung bình 3 năm THPT đạt từ 6,5 điểm trở lên bậc ĐH và 6,0 điểm bậc CĐ). Tuy nhiên, năm ngoái điểm chuẩn các ngành của trường dao động từ 19 - 25,25 điểm. Với năm nay, TS có tổng điểm thi 3 môn theo tổ hợp quy định đạt từ 18 điểm trở lên mới nên nộp hồ sơ để sát cơ hội trúng tuyển.

Theo Thanh niên, nguồn: http://thanhnien.vn/giao-duc/can-trong-voi-nhung-diem-moi-trong-xet-tuyen-728963.html