Cẩn trọng thi trắc nghiệm môn ToánBộ GD-ĐT có phương án thi trắc nghiệm môn toán trong kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2017. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Có những bất cập nếu áp dụng hình thức này, đó là: dễ gian lận; khuyến khích học vẹt và hời hợt, hình thức, làm như cái máy; không khuyến khích phát triển tư duy độc lập và sâu sắc; khuyến khích làm ẩu, làm liều; loạn kiến thức.

Vào năm 2007, Bộ cũng đã có ý định trắc nghiệm hóa kỳ thi tốt nghiệp THPT môn toán nhưng rồi bỏ khi gặp phải những phân tích cho thấy lợi bất cập hại.

Dễ khuyến khích học vẹt


Lượng thông tin trong đáp án của thi trắc nhiệm rất ít (nếu một câu hỏi có 4 phương án trả lời, thì đáp án đúng chỉ có giá trị bằng 2 bit thông tin về mặt tin học), nên nó dễ khuyến khích việc luyện thi theo kiểu học vẹt, hình thức, làm đi làm lại các bài mẫu để giải nhanh như cái máy chứ không cần hiểu sâu vấn đề.

Chẳng hạn bài 1 trong đề thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia Hà Nội 2016: Tính nguyên hàm của hàm số y = x. exp (2x). Cả 4 đáp án đó đều gần giống nhau, ở dạng a exp (2x) (x-b) + C, chỉ khác nhau ở các hệ số a và b (là 1/2 hay 2). Học sinh cứ học thuộc lời giải của dạng bài này (thấy số 2 ở trong exp (2x) thì hệ số a bằng 1/2, không cần hiểu tại sao) thì đi thi được điểm. Trong khi đó, bản thân việc nguyên hàm của hàm dạng exp cũng là hàm dạng exp đã là một kiến thức không tầm thường. Kiểu học cho thuộc lòng để điền trả lời cho nhanh như vậy là kiểu học “shortcut” (đi tắt đón đầu), có thể tốt cho thi nhưng tai hại cho việc phát triển về sau.

Tôi cũng có thử làm mấy bài thi thử SAT (kiểm tra kiến thức phổ thông của Mỹ) về toán xem sao. Trung bình mỗi câu chỉ được làm trong hơn một phút, hay chính xác hơn là khoảng 72 giây (đề trắc nghiệm của VN cũng vậy), kể cả thời gian đọc đề và điền lời giải. Đối với tôi, mọi kiến thức bậc phổ thông đều là hiển nhiên, mà làm các bài đó cũng gần suýt soát hết thời gian, thì học sinh phổ thông làm sao xuể trong thời gian ngắn như vậy, trừ khi luyện giải như cái máy. Hơn nữa, một phút thì làm gì có thời gian cho việc suy nghĩ sâu. Điều này trái ngược hoàn toàn với một trong các mục đích chính của việc học toán, là rèn luyện tư duy (kỹ năng) phân tích chiến lược, sâu sắc.

Thi toán quốc tế trung bình mỗi bài có một tiếng rưỡi để suy nghĩ mà còn ít, thế mà thi trắc nghiệm mỗi câu có một phút thì suy nghĩ gì. Tất nhiên, có những câu hỏi (chủ yếu là trong các môn khác) không cần nghĩ, chỉ cần nhớ. Ví dụ như “tên thật của Lenin” là gì? Ai không nhớ thì có nghĩ đến mấy cũng không ra. Đối với các câu đó thì một phút là nhiều nhưng với toán, môn đặc biệt cần nhiều tư duy sâu sắc và sáng tạo, thì một phút là quá ít, chỉ hợp với máy tính được lập trình làm sẵn chứ không hợp với người.

Ngay cả các môn khác toán, những câu hỏi trắc nghiệm với các câu trả lời rập khuôn cũng tước đi quyền suy nghĩ độc lập của học sinh (những câu như thế trong đề thi ĐH Quốc gia Hà Nội rất nhiều).

Khuyến khích thói quen làm ẩu


Cũng vì số câu hỏi trắc nghiệm trong một đề thi quá nhiều mà thời gian để làm quá ít nên dẫn tới sự khuyến khích thói làm ẩu và làm liều.

Ẩu là vì không có thời gian để kiểm tra. Tôi thường nói với sinh viên rằng, việc kiểm tra lại lời giải xem có đúng không phải được coi là một phần không thể thiếu trong quy trình giải quyết mọi vấn đề. Các phần mềm tin học tốt cũng đều phải có nó để tránh nhầm lẫn. Thế nhưng với thời gian quá ít thì khâu kiểm tra lại lời giải cho chắc xem có đúng không sẽ bị bỏ qua, và thế là chúng ta đào tạo được những người làm ẩu.

Đi cùng với ẩu là liều. Vì không có câu trả lời “không biết” nên dù không biết cũng cứ điền liều. Khi ra ngoài đời, không biết mà làm liều như vậy vô cùng nguy hiểm cho xã hội, và chúng ta đã chứng kiến tận mắt bao dự án kinh tế, xã hội gây hậu quả tai hại vì những người trình độ hạn chế mà làm liều gây nên

Một điểm nữa là loạn kiến thức, do bản thân những người ra đề thi có vấn đề về kiến thức. Một ví dụ đập ngay vào mắt là đề thi ĐH Quốc gia Hà Nội chia các câu hỏi thành “tư duy định lượng” và “tư duy định tính”. Tại sao họ lại phải chia kiến thức thành “định lượng” và “định tính” thì tôi chịu. Thực ra họ coi tất cả toán học là “định lượng” còn văn sử địa… được coi thành “định tính” hết là một sai lầm nghiêm trọng về kiến thức. Trong toán cũng có cả định lượng và định tính. Và trong sử cũng có cả định tính lẫn định lượng.

Về môn toán, kiểu thi SAT chẳng phải là hoàn thiện, tuy nhiên câu hỏi trong đó tương đối khả dĩ, khá cơ bản, kiểm tra kiến thức của toàn bộ chương trình phổ thông ở mức cơ bản nào đó. Còn đề của VN các kiến thức cơ bản từ thời THCS bay mất hết, như thế rất dở.

Tôi không phản đối bản thân cái ý tưởng thi trắc nghiệm: nó là công cụ có thể rất thích hợp nếu dùng đúng nơi, đúng chỗ, có chuẩn bị tốt. Nhưng thi trắc nghiệm ở bậc phổ thông của VN thì thật đáng lo ngại!


Tuyển sinh 2017



Theo Thanh niên, nguồn: http://thanhnien.vn/giao-duc/can-trong-thi-trac-nghiem-mon-toan-742356.html