Cần thay đổi cách tính điểm tốt nghiệpThí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 lần đầu tiên tổ chức nhằm 2 mục đích vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ - Ảnh : Đào Ngọc Thạch

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đã đạt được mục tiêu đổi mới thi cử theo hướng giảm áp lực, tốn kém cho xã hội, đánh giá đúng chất lượng học sinh (HS), vừa lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp vừa sử dụng một phần kết quả cho tuyển sinh ĐH, CĐ đồng thời góp phần thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy và học ở các trường phổ thông. Tuy nhiên, nếu vẫn duy trì hình thức này trong năm tới thì Bộ GD-ĐT không những phải điều chỉnh khâu xét tuyển vào ĐH mà còn xem lại cách xét tốt nghiệp…

Hậu quả điểm thi kém vẫn tốt nghiệp

Cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT năm nay có sự tham gia 50% điểm trung bình cả năm lớp 12. Điều này, theo lý thuyết là kết hợp giữa đánh giá tổng kết (Summative assessment) với đánh giá quá trình/phát triển (Formative assessment), theo xu thế của thế giới. Song đối với VN thì vô hình trung lại tạo điều kiện cho những HS yếu, không đủ chuẩn có thể tốt nghiệp.
Sau khi có kết quả thi, chúng tôi có liên hệ với cán bộ phòng khảo thí của một tỉnh miền Trung. Cán bộ này cho biết số trường đỗ tốt nghiệp 100% rất ít, tuy nhiên vẫn có trường đầu vào thấp, chất lượng chưa cao nhưng đỗ 100% nhờ điểm trung bình lớp 12 quá cao (bình quân điểm trung bình lớp 12 của trường này gần 8). Cán bộ này cũng cho biết tính chung sơ bộ có khoảng 10% số thí sinh đỗ tốt nghiệp nhờ vào điểm trung bình lớp 12, cá biệt có trường đỗ tốt nghiệp nhờ điểm này trên 30%.
Qua kết quả thi ở các trường, chúng tôi được biết có thí sinh điểm thi rất thấp (điểm các môn: toán: 1,75; văn: 3,5; hóa: 2,5; ngoại ngữ: 2,5; điểm khuyến khích 1,0), bình quân 4 môn thi đạt 2,56 điểm, trong khi điểm trung bình lớp 12 là 8,3. Nhờ vậy, kết quả điểm xét tốt nghiệp theo quy chế là 5,56 và vẫn đỗ tốt nghiệp. Như vậy, đây là chỗ hở của quy chế tốt nghiệp THPT, khi một HS có điểm thi ở mức kém vẫn được công nhận tốt nghiệp.
Điều này sẽ dẫn đến hệ lụy là việc kiểm tra, đánh giá ở các trường học (chủ yếu ở các trường có chất lượng thấp) càng ngày càng nới lỏng vì lo sợ HS mình thiệt thòi. Qua tiếp cận với kết quả tốt nghiệp hơn 10 trường THPT của các địa phương vùng Đông Nam bộ, chúng tôi được biết độ chênh lệch giữa điểm trung bình lớp 12 và điểm bình quân 4 môn thi có trường rất cao, trên 3,5 điểm. Đồng thời điểm trung bình lớp 12 năm nay của tất cả các trường này đều tăng lên so với năm trước (trường tăng thấp nhất là 0,18 điểm và tăng cao nhất là 1,64 điểm).
Bên cạnh đó, mặc dù tỷ lệ tốt nghiệp giữa cụm thi địa phương thấp hơn cụm thi các trường ĐH (84,45% và 94,74%), nhưng dư luận vẫn lo ngại ở mức độ kỷ luật trường thi ở 2 cụm khác nhau, số thí sinh bị kỷ luật lập biên bản toàn quốc là 770 trường hợp, trong đó chủ yếu là ở cụm thi ĐH. Dư luận vẫn băn khoăn, phải chăng thí sinh ở cụm thi địa phương nghiêm túc hơn thí sinh cụm thi ở trường ĐH, hay là việc coi thi ở cụm địa phương có phần nhẹ nhàng hơn?

Tăng cường coi thi ở các địa phương

Có thể vẫn duy trì lấy điểm trung bình lớp 12 tham gia xét tốt nghiệp nhưng để kỳ thi THPT năm 2016 đạt chất lượng và hiệu quả cao thì tỷ lệ này nên thấp hơn, chỉ chiếm 1/3 chứ không chiếm tỷ lệ 1/2 như năm nay.
Trên cơ sở dữ liệu chung toàn quốc, Bộ cần có những thống kê, phân tích để đánh giá một cách chính xác kỳ thi, bao nhiêu phần trăm đỗ tốt nghiệp nhờ điểm thi, bao nhiêu phần trăm đỗ tốt nghiệp nhờ điểm trung bình lớp 12 và độ chênh lệch giữa điểm này với bình quân điểm thi...
Kết quả phân tích này cần được công khai, minh bạch để nhằm giúp cho phụ huynh, HS, xã hội, các cấp quản lý giáo dục và chính quyền địa phương biết thực chất chất lượng các trường. Từ đó, chính các trường có giải pháp điều chỉnh việc kiểm tra, đánh giá trường học thực chất hơn (chẳng hạn Bộ Giáo dục Úc đưa lên website Myschool.edu.au kết quả đánh giá của của gần 10.000 trường phổ thông trên toàn quốc).
Phải tăng cường kỷ luật khâu coi thi ở cụm thi địa phương bởi thực tiễn từ phong trào “hai không” trước đây cho thấy, nếu kỷ luật lơi lỏng thì tiêu cực sẽ nảy sinh, điển hình nhất là vụ tiêu cực ở Trường THPT Đồi Ngô (Bắc Giang) năm 2012.
Nâng cao tính nghiêm túc, trung thực và công bằng không chỉ trong kỳ thi mà ngay cả khâu kiểm tra, đánh giá ở trường phổ thông để không chỉ đảm bảo cho kỳ thi THPT quốc gia đạt chất lượng cao mà còn nâng cao chất lượng trường học, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Theo http://www.thanhnien.com.vn/giao-duc/can-thay-doi-cach-tinh-diem-tot-nghiep-624824.html