Cần rộng cửa cho người học

Quy định mới về đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học vừa được bộ Giáo dục và đào tạo công bố, sẽ có hiệu lực từ ngày 7.2.2013. Một trong những yêu cầu đáng chú ý của quy định này là những người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, cao đẳng chưa đủ 36 tháng khi thi lên trình độ cao đẳng hoặc đại học hệ chính quy phải dự kỳ thi tuyển sinh cùng với học sinh phổ thông. Quy định mới này đang nhận được nhiều ý kiến phản biện từ phía người học, phụ huynh và cả phía các trường. Chúng tôi ghi nhận ý kiến của lãnh đạo một số trường trung cấp, cao đẳng về vấn đề này cũng như hướng triển khai của các trường.

Lại thêm một quy định thiệt thòi nữa cho các học viên trung cấp, cao đẳng nghề

Tôi rất bất ngờ về quy định này. Nếu quy định này thực thi thì sang năm học sinh sẽ nộp đơn thi vào đại học hết. Các trường đại học sẽ tuyển sinh rầm rộ hơn, còn các trường trung cấp, cao đẳng có khả năng không có học sinh học. Tương lai để các cháu vươn lên sau khi tích lũy kiến thức trung học, cao đẳng bù đắp là ít cơ hội. Vừa rồi thấy báo chí viết tình trạng bán đủ các bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước thì cần phải cho các cháu có nhiều điều kiện để được học, không bắt buộc phải nhảy ngay vào đại học, cao đẳng mà phân ra từng tầng một. Có những em hoàn cảnh gia đình khó khăn, đi học trung cấp sau đó đi làm, rồi tiếp tục học nâng lên. Nếu muốn nâng cao chất lượng đào tạo, cần siết đầu ra chứ không phải siết đầu vào như vậy.

Theo tôi, một trường đào tạo trung học và trường có đào tạo cao đẳng cùng một ngành nghề phải có sự phối hợp để xây dựng một chương trình hợp lý. Hay từ cao đẳng liên thông lên đại học cũng cần có sự phối hợp như thế trong xây dựng chương trình. Ví dụ nếu học đại học có 40 học phần, ở cao đẳng sinh viên đó đã học 30 phần, rồi thì khi liên thông đại học chỉ học 10 phần còn lại. Hiện nay mình học theo kiểu trung học và cao đẳng là cắt khúc ra, chứ sự kết hợp với đại học lại chưa có liên thông về kiến thức, chương trình chưa rõ ràng lắm. Theo tôi, bộ Giáo dục và đào tạo phải quy định trường nào được phép đào tạo liên thông và trường nào được phép liên thông với nó. Cao đẳng muốn liên thông được với đại học thì phải xây dựng chương trình làm sao để trường đại học chấp nhận được; còn phía đại học phải xây dựng chương trình làm sao đón được và nâng cao kiến thức các sinh viên liên thông từ cao đẳng lên. Như vậy phải có sự phối hợp cùng ngành, cùng hệ đào tạo.

Hoàng Văn Điện, nguyên hiệu trưởng đại học Công nghiệp Hà Nội:

Việc ra trường ba năm hay bao nhiêu đó theo tôi không phải vấn đề cốt lõi. Vấn đề ở đây là người học có mong muốn nguyện vọng được đi học. Được đi học là quyền. Vậy khi người ta đủ điều kiện và có nhu cầu thì phải cho người ta học. Có những người nhà có điều kiện, họ không cần đi làm ngay mà muốn theo học tiếp thì việc đợi ba năm là bất cập.

Trước đây, khi thi vào đại học là người học đã thi các môn văn hóa, năng khiếu theo khối ngành học rồi. Và do không đủ điểm vào đại học nhưng đủ điểm sàn cao đẳng thì người ta học cao đẳng. Hoặc những anh chị thi cao đẳng đã đủ điểm để được học cao đẳng rồi thì sao cần thi lại các môn văn hóa như phổ thông.

Văn bản bộ ra thì phải chấp hành nhưng nếu còn làm quản lý tôi cũng phát biểu dưới góc độ quản lý là cái đó cần phải xem xét, nghiên cứu để bổ sung. Nhà nước cho phép việc học là việc suốt đời. Vậy nguyện vọng của người ta là đi học, có cầu thì phải có cung. Người ta cần học mà mình không cung cấp thì rất dở. Còn nếu Nhà nước cho rằng trình độ đào tạo nguồn nhân lực đại học thừa rồi thì mình khống chế bằng chỉ tiêu. Có nhiều chế tài để làm nếu như nguồn lao động quá thừa, ví dụ dựa trên số liệu thống kê để quyết định tổng chỉ tiêu đại học của toàn quốc rồi phân cho các trường là bao nhiêu… chứ không nên quy định vậy.

Ông Trần Mạnh Thành, hiệu phó thường trực trường cao đẳng Bách Việt:

Quan niệm mới của xã hội bây giờ là học suốt đời, làm công tác đào tạo mình phải tạo cơ hội cho người học và vì vậy bản thân việc tổ chức thi tuyển phải chặt chẽ. Đã thi tuyển chặt chẽ như vậy, đủ tiêu chuẩn mới được vào học và nên tạo điều kiện để được học tiếp lên cao. Sau ba năm kiến thức thay đổi rất nhanh, đó là chưa kể kiến thức nhiều ngành đặc thù còn thay đổi theo tháng như công nghệ thông tin. Vì vậy, với quy định bắt học sinh phải chờ như vậy là không hợp lý.

Sau khi nhận được quy định, tôi có trao đổi với các thầy cô, thống nhất rằng muốn tạo điều kiện cho người học, cho mục tiêu đào tạo thì đâu cần thời gian chờ đến ba năm như vậy. Thời gian ấy làm mất cơ hội muốn học lên của học sinh và sinh viên, mất kiến thức bởi kiến thức từ thấp lên cao phải liên tục, không nên gián đoạn.

Các em sinh viên rất lo lắng với quy định mới này. Nhiều em tỏ ra tiếc nuối nếu học sớm, tốt nghiệp sớm thì giờ đỡ nhiều rồi. Những em học liên thông trung cấp lên cao đẳng mất hai năm chương trình nghiệp vụ, với thời gian ấy các môn văn hóa đã quên đi nhiều và nếu giờ thi thì chẳng khác gì đánh đố. Đồng ý việc bộ Giáo dục và đào tạo ban hành quy định mới này nhằm hạn chế việc một số cơ sở đào tạo do tuyển sinh không chặt chẽ, chất lượng kém mà liên thông lên thì không đảm bảo chất lượng đầu vào đào tạo. Tuy nhiên, nếu vậy thì bộ phải tăng cường khả năng quản lý chứ không phải hạn chế. Việc này cũng giống như muốn dẹp những quán karaoke không lành mạnh mà lại quy định cấm luôn không được hát karaoke như trước đây vậy. Vì vậy quy định này mất nhiều hơn là được.

Trước mắt có nhiều em không dám thi, chúng tôi tư vấn cho các em thi trước tết, trường sẽ tổ chức lớp ôn luyện và bổ túc môn văn hóa. Với những em phải thực hiện theo quy định mới, trường cũng sẽ linh động bố trí và tổ chức lớp ôn. Tổ chức lớp cho môn văn hóa, môn cơ sở ngành, môn chuyên ngành đều nằm trong tầm tay của nhà trường. Lo nhất là kiến thức không được cập nhật, ba năm lại bắt người ta quay lại thi thì không khoa học.

Ông Lê Đình Thông, trưởng phòng quản lý đào tạo trường cao đẳng Công nghệ thông tin TP.HCM:

Thực sự quy định này rất khó cho các em học sinh, sinh viên. Trước đây, khi tốt nghiệp xong sinh viên được thi chuyển tiếp ngay, bây giờ phải chờ 36 tháng, trong thời gian đó lại tốn kém thời gian, tiền bạc. Vì chúng tôi mới nhận được công văn, chưa triển khai nên sinh viên trường chưa được biết. Chúng tôi đang nghiên cứu kỹ, tìm hướng triển khai. Tinh thần là bộ Giáo dục và đào tạo đã ban hành như vậy thì mình phải chấp hành.

Phạm Thị Huyền Trang (cựu sinh viên cao đẳng đại học Công nghiệp Hà Nội):


Trước đây các chuyên gia tư vấn cho em không đỗ đại học thì đi đường vòng. Em trượt đại học năm đầu nhưng quyết tâm đi học trung cấp, rồi vừa học xong cao đẳng và đang quyết tâm để liên thông vào đại học thì biết thông tin này. Em và nhiều bạn bè rất bức xúc vì làm như vậy coi như chặn đường học liên thông. Dẹp đi ước mơ mở rộng kiến thức và bước vào cuộc đời của rất nhiều người. Bản thân em học ngành kế toán, giờ thi lại kiến thức phổ thông môn toán có thể làm được, nhưng lý và hóa không còn nhớ gì. Chưa kể, những bạn đã tốt nghiệp cao đẳng được 36 tháng đã dự liên thông các năm trước hết, chắc trường có muốn tuyển dụng liên thông diện này cũng không có người học. Em nghĩ, sau quy định này, sang mùa tuyển sinh tới chắc không ai dám học cao đẳng nữa.