Đây là quyết định xử phạt của Bộ GD-ĐT trước sai phạm về tuyển sinh không đúng đối tượng, không đủ điều kiện tại Trường ĐH Tài chính - ngân hàng Hà Nội.

Đại học Tài chính Ngân hàng Hà Nội đào tạo liên thông sai phép

 

Một giảng đường tại Trường Đại học Tài chính - ngân hàng Hà Nội rộng khoảng 100m2, tuy nhiên trong kỳ thi liên thông lên đại học, trường đã chia căn phòng này thành hai phòng thi để hơn 100 thí sinh ngồi ngược nhau làm bài - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Quyết định ban hành từ tháng 5, nhưng đến nay số SV này vẫn đều đặn đến lớp và nhà trường thì cho rằng đang tiếp tục giải trình và xin bộ “nương tay”.

Chưa tốt nghiệp CĐ, đã là... SV liên thông ĐH

Dù chưa có bằng tốt nghiệp CĐ trong tay, nhưng N.T.H.D. (27 tuổi, Thái Bình) vẫn nghiễm nhiên dự thi và trúng tuyển vào lớp kế toán liên thông lên ĐH chính quy ở kỳ thi được tổ chức ngày 20-1 tại Trường ĐH Tài chính - ngân hàng Hà Nội. “Thủ tục” mà D. phải trải qua đơn giản là lần lượt hai bố con D. viết bản cam kết với nhà trường: “còn thiếu bảng điểm, bằng tốt nghiệp và sẽ nộp bổ sung sau hai tháng”.

Trong thông báo tuyển sinh của Trường Đại học Tài chính - ngân hàng Hà Nội cũng ghi đúng với quy chế đào tạo liên thông được áp dụng tại thời điểm đó: thí sinh tốt nghiệp CĐ loại khá trở lên được thi ngay, thí sinh có bằng trung bình khá và trung bình phải có thâm niên một năm công tác gắn với chuyên môn được đào tạo. Để “khớp” với tiêu chí này, D. mạnh dạn cam kết: “Tôi xin cam đoan với nhà trường đã hoàn thành tốt nghiệp CĐ loại khá, chuyên ngành kế toán doanh nghiệp. Đến ngày 20-3, nếu chưa chứng minh được tôi đã tốt nghiệp CĐ, tôi tự nguyện ra khỏi trường”.

Kỳ thi ngày 20-1 D. trúng tuyển và bắt đầu nhập học từ đầu tháng 2. Sau một thời gian trở thành SV ĐH Tài chính - ngân hàng Hà Nội, D. nộp bảng điểm và bằng tốt nghiệp CĐ (cũng hệ liên thông). Song bằng của D. chỉ là loại trung bình khá (đáng lẽ chỉ được thi liên thông sau một năm tốt nghiệp). Đáng nói hơn, bằng này được cấp ngày 22-2, nghĩa là sau khi D. hoàn tất kỳ thi liên thông hơn một tháng.

D. không phải là trường hợp duy nhất không có bằng tốt nghiệp CĐ vẫn thi liên thông lên ĐH và trúng tuyển. Trong đợt kiểm tra của Bộ GD-ĐT vừa qua, sau rà soát 571 SV liên thông đã phát hiện hàng trăm SV trúng tuyển, nhập học khi thời điểm dự thi chưa đủ một năm tốt nghiệp dù các em chỉ đạt loại tốt nghiệp trung bình, trung bình khá.

Trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính ở lĩnh vực giáo dục đối với Trường ĐH Tài chính - ngân hàng Hà Nội của Bộ GD-ĐT, con số SV “ngồi nhầm chỗ” được công bố là 141 SV. Nhưng chính Bộ GD-ĐT cũng không dám chắc đó là con số... cuối cùng. Do đó, trong văn bản do phó chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Trúc ký, thanh tra bộ yêu cầu ngoài 141 SV đã được đoàn kiểm tra của bộ xác định trúng tuyển khi không đủ điều kiện dự thi phải hủy quyết định trúng tuyển, nhà trường cũng phải kiểm tra, rà soát, hủy bỏ quyết định trúng tuyển đối với các SV trường đã tuyển sinh năm 2012 không đúng đối tượng đào tạo liên thông.

Tuyển vượt chỉ tiêu

Trong quyết định xử phạt hành chính, ngoài việc nộp phạt 70 triệu đồng đối với hành vi tuyển sinh sai đối tượng, trường còn chịu mức phạt 70 triệu đồng do tuyển vượt chỉ tiêu liên thông CĐ lên ĐH 42,7% (571/400 chỉ tiêu).

Lý giải về tuyển vượt chỉ tiêu, ông Phạm Ngọc Ánh, hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - ngân hàng Hà Nội, giải thích: “Trước đó, trong kỳ tuyển sinh ĐH chính quy 2012, trường chỉ gọi nhập học được 40-50% số thí sinh trúng tuyển. Để tránh ở kỳ thi liên thông tỉ lệ thí sinh nhập học thấp nên trường gọi dôi ra nhiều hơn. Tuy nhiên, vì kỳ thi liên thông đó gần như là đợt vét cho thí sinh không phải thi chung với ĐH chính quy như quy định của thông tư 55 về đào tạo liên thông có hiệu lực sau đó nên tỉ lệ thí sinh nhập học lên đến 80%. Khi gọi nhập học vượt chỉ tiêu, trường đã giải trình rất rõ với bộ chứ không đợi bộ có ý kiến”.

Theo lãnh đạo nhà trường, cuối năm 2012, chính Bộ GD-ĐT đã có chủ trương tạo điều kiện cho các trường khó tuyển sinh được chuyển đổi chỉ tiêu chính quy dài hạn sang chỉ tiêu liên thông. Nhờ vậy, lúc đầu trường đăng ký 1.000 chỉ tiêu ĐH, CĐ chính quy, nhưng sau đó lại được rút 400 chỉ tiêu làm chỉ tiêu liên thông ĐH chính quy. “Trường tuyển vượt hơn 100 chỉ tiêu, nếu tính theo quy mô chung của 1.000 chỉ tiêu đã có thì trường chỉ vượt chưa đến 15%. Nhưng vì bộ tính chỉ tiêu liên thông vượt trong quy mô liên thông chung được giao thành ra mức vượt mới trên 40%”- ông Ánh phân trần.

Giằng co thi hành quyết định

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Thanh tra Bộ GD-ĐT ban hành ngày 22-5 nêu rõ: “Trường ĐH Tài chính - ngân hàng Hà Nội phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt này. Quá thời hạn này, nếu cố tình không chấp hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Xuân Biên - chủ tịch hội đồng quản trị Trường ĐH Tài chính - ngân hàng Hà Nội - cho rằng quyết định của Bộ GD-ĐT chưa thỏa đáng và trường đang tiếp tục giải trình để xin được xem xét, giảm nhẹ. Theo lãnh đạo Trường ĐH Tài chính - ngân hàng Hà Nội, việc nộp phạt hành chính 140 triệu đồng cho hai lỗi: tuyển vượt chỉ tiêu và tuyển chưa đúng đối tượng, trường có thể sẵn sàng chấp hành, nhưng việc hủy quyết định trúng tuyển sẽ gây ảnh hưởng xấu đến nhà trường, dẫn đến một loạt hệ lụy khi quyền lợi SV không được bảo đảm nên trường vẫn đang giải trình để xin Bộ GD-ĐT cân nhắc.

“Trong bản giải trình, chúng tôi mong bộ cứu xét mức xử phạt hành chính, nhưng tất nhiên nếu bộ vẫn kiên quyết mức xử phạt ấy, chúng tôi cũng chấp nhận. Quan trọng hơn, trường kiến nghị bộ xem xét không hủy quyết định trúng tuyển của SV mà cho được tiếp tục học tập, kết thúc khóa học với các SV đủ điều kiện khác, nhưng có thể nhận bằng tốt nghiệp sau một năm”- ông Biên nói.

Ngày 6-6, trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trần Thị Oanh, trưởng phòng thanh tra ĐH - Thanh tra Bộ GD-ĐT, cho biết để ra quyết định hủy quyết định trúng tuyển đối với các SV không đủ điều kiện dự thi, thanh tra bộ đã phải dẫn chiếu chính xác với quy định cụ thể. “Đây là biện pháp khắc phục hậu quả. Bên cạnh hủy kết quả trúng tuyển, tuân theo quyết định xử phạt này, bộ còn buộc nhà trường phải hoàn trả cho SV trường tuyển không đúng đối tượng số tiền đã thu và chịu mọi chi phí tổ chức hoàn trả do hành vi vi phạm về đối tượng đào tạo liên thông gây ra”.

 

Tin bài gốc: tuoitre

 

Thông tin cần biết mùa thi tốt nghiệp:

 

Kenhtuyensinh

Theo: tuoitre