Đến nay có hơn 100.000 thí sinh trúng tuyển đợt 1 nhưng không nhập học. Điều này đồng nghĩa với việc các trường đại học vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu nên phải tiếp tục xét tuyển bổ sung.
Hiện đã có hàng chục trường ĐH đã công bổ xét tuyển bổ sung với những quy định về thời gian và cách thức xét tuyển khác nhau.
Điểm chuẩn tuyển bổ sung không thấp hơn đợt 1
PGS.TS Trần Văn Nghĩa - phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết: “Năm nay, mỗi trường ĐH sẽ chủ động công bố kế hoạch xét tuyển bổ sung riêng. Do đó, thí sinh có nguyện vọng xét tuyển bổ sung vào trường nào cần theo dõi kỹ chỉ tiêu cũng như điểm và thời gian xét tuyển bổ sung của trường đó”.
Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường và số thí sinh trúng tuyển đã xác nhận nhập học tại trường sau xét tuyển đợt 1, hội đồng tuyển sinh trường xem xét, quyết định các nội dung xét tuyển bổ sung.
Cũng theo Quy chế tuyển sinh ĐH năm nay, việc xét tuyển bổ sung có thể được thực hiện một lần hay nhiều lần từ sau ngày 13-8 tùy thuộc vào thực tế của các trường.
Các trường thông báo điều kiện xét tuyển bổ sung, điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1 và chủ động công bố lịch xét tuyển.
Thí sinh chưa trúng tuyển hay đã trúng tuyển mà chưa xác nhận nhập học vào bất cứ trường nào có thể thực hiện đăng ký xét tuyển bổ sung trực tuyến hoặc theo phương thức khác do trường quy định.
Kết thúc mỗi đợt xét tuyển, trường công bố trên trang thông tin điện tử của trường và trên phương tiện thông tin đại chúng về điểm trúng tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển.
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, theo thông báo xét tuyển bổ sung các trường ĐH đã công bố cho thấy hiện nay các trường đều có quy định riêng về thời gian cũng như các thức xét tuyển bổ sung.
Hầu hết các trường đều quy định thí sinh làm đơn theo mẫu (tải trên website của trường); nộp trực tiếp tại trường hoặc gửi chuyển phát nhanh qua bưu điện.
“Trước khi nộp hồ sơ, thí sinh cần xem xét kỹ các thông tin về chỉ tiêu của từng ngành, tổ hợp xét tuyển, mã ngành… để tránh sai sót. Về thời gian nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung có trường quy định hơn 10 ngày nhưng có trường chỉ vài ngày.
Đặc biệt, thí sinh cần lưu ý điểm chuẩn sẽ từ mức điểm chuẩn đợt 1 trở lên. Vì vậy thí sinh cần xem xét kỹ nếu điểm thi của mình cao hơn so với điểm chuẩn trúng tuyển của ngành đó trong đợt 1 thì hãy nộp hồ sơ vì cơ hội trúng tuyển sẽ cao”, TS Nguyễn Đức Nghĩa, khuyên.
Được nộp hồ sơ xét tuyển nhiều ngành, nhiều trường
Cũng giống đợt 1, đối với xét tuyển bổ sung, thí sinh không bị giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Theo đó, thí sinh được phép đăng ký xét tuyển vào các tổ hợp khác nhau, nhiều ngành trong cùng một trường hoặc nhiều trường khác nhau.
Trong khi hiện nay, nhiều trường công lập xét tuyển bổ sung các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình tiên tiến hệ chính quy. Đối với các chương trình này mức học phí thường cao hơn rất nhiều so với chương trình đại trà nên thí sinh cần cân nhắc kỹ khả năng chi trả học phí của mình trong suốt thời gian học.
Do đó, với quy định không giới hạn nguyện vọng đăng ký xét tuyển ở đợt xét bổ sung này, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin về mức học phí các trường và chỉ nên chọn những ngành học phù hợp mà mình thực sự yêu thích.
Nếu trúng tuyển ở đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh phải xác nhận nhập học trong thời hạn quy định, bằng phương thức trực tuyến hoặc theo quy định của từng trường.
Theo quy định của các trường, thí sinh trúng tuyển bổ sung phải nộp Giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia năm 2017 (bản chính) và làm thủ tục nhập học ngay sau khi trường công bố điểm trúng tuyển.
Sau khi đã xác nhận nhập học vào một trường nào đó thí sinh chỉ được công nhận trúng tuyển vào một trường duy nhất và không được xét tuyển nguyện vọng bổ sung nữa.
Theo báo Tuổi Trẻ.