Tạo môi trường làm việc thực sự dân chủ, khuyến khích tự do sáng tạo nghề nghiệp, chế độ đãi ngộ tốt là “đòn bẩy” quan trọng để “sản sinh” một đội ngũ giáo viên chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay...
Tạo môi trường để “ngọn lửa” sáng tạo được thắp lên!
Sự sáng tạo vốn được coi là nền tảng và cơ sở cho sự đổi mới. Chính vì vậy, từ đầu năm 2017, Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) đã tổ chức cuộc thi “Giáo viên sáng tạo”, khởi động từ niềm tin và ý thức hướng tới những đổi mới trong giáo dục, nhằm mang đến những tiết học hiệu quả và thú vị, là xuất phát điểm cho những thế hệ học trò mới: Chủ động và sáng tạo trong học tập.
Thầy Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: “Giáo viên hãy yên tâm sáng tạo. Xin chớ ngại đổi mới, đã có nhà trường đồng hành trong trăn trở, vì học trò của thầy cô. Chúng tôi quý trọng và nâng niu mỗi thành quả sáng tạo, dù nhỏ... để ngọn lửa sáng tạo không ngừng được thắp sáng trong mỗi giờ lên lớp. Muốn học sinh sáng tạo thì trước hết giáo viên phải đổi mới, sáng tạo”.
Thạc sĩ Lê Thị Phương, giáo viên môn Văn, Trường THPT Phan Huy Chú chia sẻ: “Không ngại bước qua những hạn chế, sai lầm hay đổ vỡ để tiếp tục hoàn thiện hơn. Mạnh dạn “đi qua chính mình” để công nhận đồng nghiệp, công nhận học trò và thấy mình yếu kém là bước cần để thay đổi. Từ đó mới có thể sáng tạo - vì học sinh và đem lại cho các em một sự chuẩn bị tốt nhất cho tương lai...”.
Người thầy thành công không chỉ biết truyền thụ tri thức mà còn biết khơi nguồn sáng tạo, truyền cảm hứng, gợi dậy sự tò mò để người học tự khám phá năng lực bản thân. Điều này thể hiện trong các giờ đổi mới sáng tạo của các thầy cô như khả năng làm mới kiến thức, diễn kịch, diễn thuyết, thực hiện sản phẩm sáng tạo thuộc các lĩnh vực nghệ thuật như làm phim, vẽ tranh sáng tạo nhạc...
Cô Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành cho rằng, việc nâng cao trình độ, hiệu quả làm việc là đòi hỏi cấp bách và trở thành nhu cầu phát triển tự thân của mỗi giáo viên nhà trường. Đó là quá trình vận động nhằm hoàn thiện những tồn tại của mỗi người để đáp ứng các yêu cầu đổi mới giáo dục.
Nhà trường đang tìm các giải pháp mới nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, để mỗi thành viên đều trân trọng vị trí của bản thân, biết đặt lợi ích của nhà trường lên cao hơn lợi ích của bản thân, nỗ lực cống hiến cho nhà trường. Hướng tới “sản phẩm” giáo dục của nhà trường có chất lượng tốt là những thế hệ học sinh có tri thức, có phẩm chất và nhân cách tốt đẹp.
Để làm được điều này, ban giám hiệu tạo môi trường làm việc công bằng, mọi cống hiến đều được ghi nhận, có ý nghĩa quan trọng trong quyết định giáo viên gắn bó lâu dài với nhà trường.
Bắt đầu từ đào tạo giáo viên
Đối với chương trình giáo dục phổ thông mới, đào tạo giáo viên phải đi trước một bước. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Anh, nguyên Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Nghệ An nêu một thực tế: Dạy học là nghề, vừa mang tính khoa học lại vừa đòi hỏi người dạy phải có nghệ thuật, năng khiếu trong giảng dạy. Thế nhưng ít nhất 70% giáo viên không có năng khiếu sư phạm phải tham gia đứng lớp, giáo viên khá, giỏi chỉ đạt 20%, trong khi số lượng học sinh ngày càng lớn. Vì vậy, giáo dục phổ thông không thể nâng lên được mà chỉ dừng lại ở mức nào đó thôi. Từ đó, ông Anh đề xuất khi tuyển sinh sư phạm thì ngoài kiểm tra kiến thức, cần có kiểm tra năng khiếu sư phạm.
Có thể khẳng định, chất lượng của một hệ thống giáo dục không thể vượt qua chất lượng của đội ngũ giáo viên trong hệ thống đó. Đóng góp về đổi mới chất lượng giáo viên, PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền, trường Đại học Sư phạm Hà Nội nêu quan điểm, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đặt ra yêu cầu 100% giáo viên phải đạt trình độ chuẩn hoặc trên chuẩn; xếp loại từ đạt yêu cầu trở lên theo quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học, giáo viên trung học. Đó là cơ sở để lập kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn giáo viên dạy học theo chương trình mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Theo bà Hiền, cần chú trọng đến xây dựng quy hoạch hệ thống đào tạo giáo viên dựa trên kết quả nghiên cứu dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên trên phạm vi cả nước.
Theo đó, ngành giáo dục cần xây dựng quy hoạch các trường sư phạm theo cấu trúc chức năng, trong đó tầng đầu tiên là các trường sư phạm quốc gia đóng vai trò là đầu tàu, chất lượng cao, hỗ trợ các trường trong hệ thống cùng phát triển.
Tầng thứ hai là các trường sư phạm địa phương, khu vực có vai trò phát triển nguồn nhân lực địa phương và chịu sự quy hoạch chung của hệ thống.
Tầng thứ ba là các khoa sư phạm trong trường đại học đa ngành, phải đảm đương trọng trách bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên địa phương dưới sự hỗ trợ giám sát về mặt chuyên môn của các trường sư phạm./.
Theo VOV