Thay đổi yêu cầu môn văn phù hợp đề thi “hai trong một”

Đề thi và đáp án chấm môn ngữ văn của kỳ thi 2015 có nhiều điểm đổi mới tích cực. Tuy nhiên, từ sự đánh giá của dư luận và qua thực tế chấm bài thi, còn nhiều điểm phải điều chỉnh.
Ở đề thi, nên thay đổi một số yêu cầu câu hỏi cho phù hợp với mục đích kỳ thi "hai trong một": tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào ĐH. Chẳng hạn ở phần đọc hiểu, các câu hỏi vận dụng thay vì yêu cầu viết từ 5 đến 7 dòng thì nên yêu cầu viết dài hơn trong khoảng trên 10 dòng. Sẽ tốt hơn nếu yêu cầu kèm theo việc vận dụng một số thao tác, một số phương thức biểu đạt... Hoặc nếu không, để khuyến khích thí sinh viết tự do thì trong đáp án chấm phải có yêu cầu cụ thể các mặt này để phân loại trình độ thí sinh. Thay đổi yêu cầu như thế để đánh giá đúng năng lực của người viết, vì trong khoảng 5 đến 7 dòng là quá ít, quá ngắn, khó đánh giá được kỹ năng, kiến thức của thí sinh.
Bên cạnh đó, cần phải điều chỉnh đáp án chấm. Ý kiến đa số của người chấm kỳ thi vừa qua cho rằng đáp án quá chung chung. Điều này dễ dẫn đến lệch điểm giữa các giám khảo, các hội đồng chấm và sẽ thiếu công bằng cho thí sinh.

Thêm phần trắc nghiệm vào môn sử

Kỳ thi 2015 vừa qua chỉ có 153.688 (13,5%) thí sinh đăng ký dự thi môn sử.
Nếu so với môn xã hội khác là địa lý (đến 38,5%) thì cũng chênh lệch hơn một nửa. Nhiều lớp 12 năm không có một HS nào đăng ký thi môn sử.
Môn sử ít được HS lựa chọn có nhiều nguyên nhân. Khảo sát với đối tượng HS khối lớp 12 nhiều năm, chúng tôi thấy có các nguyên nhân chính là chương trình học nặng; phương pháp dạy của giáo viên còn khô khan, đơn điệu; có quá nhiều kiến thức, sự kiện, số liệu cần phải nhớ, phải thuộc lòng... Trong khi đó để làm bài thi có điểm, HS phải nhớ kỹ bài học vì cấu trúc đề thi chưa thực sự có sự thay đổi đột phá về cấu trúc câu hỏi. Vì thế, để "cởi trói" cho môn sử, trước mắt cần thay đổi cách kiểm tra đánh giá theo hướng hạn chế việc học lý thuyết, nặng nề về tái hiện, nhớ bài học mà hướng đến lượng giá kiến thức đã học bằng trắc nghiệm; gợi mở, phát huy tự do sáng tạo của cá nhân. Cho nên cấu trúc đề thi cần thay đổi. Đưa thêm phần trắc nghiệm vào đề thi. Theo đó, đề thi của kỳ thi quốc gia 2016 có 2 phần trắc nghiệm và tự luận theo thang điểm hợp lý. Phần tự luận chú ý đến dạng đề mở để kiểm tra thái độ, đánh giá quan điểm, chính kiến, của thí sinh về nhân vật, sự kiện, biến cố lịch sử... Có như thế mới hy vọng kéo HS về với việc học và thi môn sử.

Theo Thanh niên, nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/giao-duc/can-dieu-chinh-de-thi-thpt-quoc-gia-2016-620739.html