Nhiều trường cho biết đầu năm đều cho giáo viên làm bản cam kết không được tổ chức dạy thêm ngoài trường, tuy nhiên không thể theo sát quản lý từng người.

học sinh học thêm

Học sinh lớp 2 Trường tiểu học Nguyễn Du (Q.12, TP.HCM) học thêm với giáo viên của mình tại một ngôi nhà gần trường

Trước thông tin của phóng viên Báo Thanh Niên về trường hợp một số giáo viên trong trường đang mở lớp dạy thêm với chính học sinh mình chủ nhiệm, bà Nguyễn Hoàng Yến, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình (Q.12, TP.HCM), cho biết trường sẽ xác minh lại và “sai phạm đến đâu xử lý đến đó”.

“Về quản lý mình chỉ làm được đến vậy, không lẽ ban giám hiệu trường phải đi kiểm tra, lùng sục khắp nơi để quản lý về vấn đề này được. Trường có cả 100 giáo viên, nên việc đi kiểm tra ngoài giờ thì thật sự chúng tôi không thể làm được. Khi có phản ánh của phụ huynh, trường sẽ xác minh lại. Nếu đúng, ngoài việc buộc phải chấm dứt việc dạy thêm học sinh lớp mình thì giáo viên phải chịu mức phạt theo quy định tùy theo mức độ vi phạm”, hiệu trưởng này nói thêm.

Tương tự, bà Hồ Thị Ngọc Hoa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Du (Q.12), cũng cho biết trường cấm dạy thêm, học thêm. Đầu năm giáo viên của trường cũng phải làm cam kết không được tổ chức mở lớp dạy thêm với chính học sinh của mình trong hay ngoài trường, nếu giáo viên vi phạm, trường sẽ xử lý theo quy định.

Trẻ chỉ mới lên lớp 1 cũng phải đi học thêm

Trẻ chỉ mới lên lớp 1 cũng phải đi học thêm

Trong một con hẻm gần trường tiểu học ở Q.12, TP.HCM, có 3 - 4 lớp dạy thêm của giáo viên trong trường và nhiều lớp do giáo viên của các trường mở dạy gần...

Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.12, cho biết về vấn đề dạy thêm, học thêm ở trường tiểu học năm nào quận cũng có văn bản quán triệt, phòng GD-ĐT cũng họp và đề nghị giáo viên thực hiện đúng theo Thông tư 17 về việc cấm dạy thêm, học thêm đối với học sinh bậc tiểu học.

Về việc xử lý, theo ông Hùng tùy mức độ, nếu giáo viên vi phạm lần đầu thì có thể bị nhắc nhở, kiểm điểm, phê bình còn nếu vi phạm nhiều lần hoặc cố tình ép học sinh đi học thì có thể bị xử lý kỷ luật.

Còn lãnh đạo một phòng GD-ĐT ở TP.HCM cho rằng việc quản lý vấn đề dạy thêm, học thêm không thể “đổ” hết lên đầu hiệu trưởng, quản lý của các trường vì trách nhiệm, quyền hạn của họ không cho phép họ tới từng nhà giáo viên để kiểm tra vấn đề này.

Giáo viên dạy thêm kiến thức văn hóa là sai quy định

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định việc giáo viên tổ chức và tham gia dạy thêm kiến thức văn hóa theo chương trình đối với bậc tiểu học là sai quy định. Đặc biệt những giáo viên bằng mọi cách o ép học sinh phải đi học thêm để lấy tiền là đáng trách, phải bị kỷ luật.

Tuy nhiên, trong thực tế, ông Hiếu nói thêm, ở một số quận huyện tập trung phụ huynh là người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, không có điều kiện đưa đón con em theo giờ quy định của trường thì tùy vào nhu cầu của phụ huynh có thể đề xuất hoặc phối hợp với giáo viên để quản lý và chăm sóc học sinh. Nhưng những trường hợp này chỉ được phép thực hiện khi có sự chủ động đề xuất của phụ huynh. giáo viên chỉ có thể hỗ trợ, kèm cặp học sinh yếu, kiến thức chưa chắc chứ không được dạy những kiến thức theo bài trong chương trình.

> Năm cách giúp con học ngoại ngữ mới nhanh hơn

> Phụ huynh nên làm gì khi trẻ mắc lỗi?

Theo Thanh Niên